Thể thao

Bị liên đoàn bỏ rơi, nhiều ngôi sao bóng đá Indonesia ra đường bán hàng rong

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp thế giới (FIFPRO) đàm phán khẩn với phía Indonesia trước tình trạng nhiều cầu thủ ngôi sao nước này phải ra đường bán hàng rong để kiếm sống sau đại dịch Covid-19.
 
Ugik Sugiyanto phải bán dừa trên đường để kiếm sống. Ảnh: CHỤP MÀN HÌNH
Theo trang web của FIFPRO, các cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp ở Indonesia đang phải bán kem, dừa non, que xiên nướng và các thực phẩm khác trên đường phố để kiếm tiền kể từ khi Liên đoàn Bóng đá nước này (PSSI) phán quyết rằng các CLB có thể giảm 75% tiền lương cách đây 3 tháng do các giải đấu dừng vì đại dịch Covid-19.
“Đối với cầu thủ, hầu hết họ vốn có thu nhập khiêm tốn, việc giảm lương như vậy có nghĩa là bây giờ họ phải nhận được một phần tiền lương tối thiểu hợp pháp”, theo FIFPRO.
 
Miftahul Hamdi từng được gọi lên tuyến Indonesia vào năm 2017. Ảnh: PSSI
Miftahul Hamdi và Ugik Sugiyanto là 2 trong số những cầu thủ chuyên nghiệp ở Indonesia đang gặp khó khăn do thu nhập giảm nghiêm trọng. Vì vậy, cả hai đang cố gắng tìm mọi cách để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống.
Hamdi, người đã ra mắt tuyển quốc gia vào năm 2017 và chơi cho đội hạng nhất Persiraja, hiện đang làm việc trong doanh nghiệp của cha mình và vợ anh đang bán bánh tự làm để có đủ thu nhập trang trải cuộc sống. “Thật không hay chút nào, nhưng tôi vẫn biết ơn vì có được thêm thu nhập”, Hamdi nói. Trong khi đó, Sugiyanto, người đang chơi cho CLB hạng hai PSCS Cilacap, đang bán kem, dừa non. “Tiền lương thường xuyên của tôi chỉ đủ sống, nhưng giờ đã giảm xuống còn 25%. Gần đây nhất tôi chỉ nhận được 10%”, Sugiyanto than thở.
Sugiyanto, cũng là thành viên của ủy ban điều hành Hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp Indonesia (APPI), nói thêm rằng, có rất nhiều cầu thủ khác trong tình huống tương tự, trong đó một số đồng đội của anh đang bán xiên que trên đường phố.
 
Theo Sugiyanto, nhiều cầu thủ khác đã phải ra đường bán hàng rong do thu nhập giảm sút nghiêm trọng. Ảnh: CHỤP MÀN HÌNH
Theo FIFPRO, APPI không được PSSI hỏi ý kiến về hướng dẫn giảm lương 75% cho các đội, ngay cả sau khi FIFA yêu cầu các bên liên quan hợp tác để đối phó với những thách thức do đại dịch Covid-19 gây ra. Cả APPI và FIFPRO đều coi động thái giảm lương trên của PSSI là “bất hợp pháp”.
Tuy nhiên, FIFPRO cho biết gần đây PSSI cuối cùng đã có cuộc đàm phán với APPI về việc điều chỉnh lương có thể và nối lại các giải đấu ở Indonesia. “FIFPRO hoan nghênh động thái đó và hy vọng rằng cả hai bên sẽ làm việc cùng nhau vì lợi ích cao nhất của tất cả các bên liên quan, bao gồm cả cầu thủ”, FIFPRO nhấn mạnh.
Tây Nguyên (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm