Quyết định táo bạo của nữ sinh viên
Liên Quỳnh đến với billiards khá muộn khi đang là sinh viên năm thứ 2 của Học viện Hàng không. Trong một lần cùng người chú đến thăm câu lạc bộ của tay cơ đồng hương Gia Lai Nguyễn Quốc Nguyện tại TP. Hồ Chí Minh, cô nhanh chóng bị những đường cơ mê hoặc.
Đó cũng là thời điểm dịch Covid-19 bùng phát nên việc học của cô bị ảnh hưởng. Ước mơ của Liên Quỳnh là trở thành phi công nhưng khi vào học lại phải làm quen với khối văn phòng. Cùng với việc phải tốn khá nhiều chi phí mà không được nhận hỗ trợ như trước khiến con đường đèn sách của Liên Quỳnh bị gián đoạn. Cô quyết định nghỉ học để theo học carom 3 băng.
Liên Quỳnh chia sẻ: “Biết tôi quyết định nghỉ học, ba mẹ khuyên nên tìm cách theo đuổi ngành hàng không. Với ba mẹ tôi và nhiều người, billiards là trò chơi của nam giới với nhiều cái nhìn khá phiến diện. Nhưng khi thấy tôi cố gắng giải thích và xin 6 tháng để theo đuổi đam mê, ba mẹ cũng đồng ý. Thậm chí khi thấy tôi ham học hỏi môn này, ba mẹ còn mua cho tôi 1 cây cơ với giá gần 50 triệu đồng”.
Nữ sinh Gia Lai tiếp cận billiards carom 3 băng vào cuối năm 2021. Lúc ấy, cô như một tờ giấy trắng. Qua sự giới thiệu của cơ thủ Quốc Nguyện, Liên Quỳnh được đến tập luyện tại đội tuyển carom 3 băng của TP. Hồ Chí Minh dưới sự chỉ dạy trực tiếp của cơ thủ nổi tiếng Hồng Ly và Anh Chiến. Càng tiếp xúc, học hỏi, cô càng nhận thấy đây là môn thể thao rất khó với muôn hình vạn trạng kỹ thuật hay các hình bi. Chỉ với 3 viên bi trên chiếc bàn nhưng lại là cả một thế giới mà nhiều tay cơ phải dùng cả đời để học.
Dù mới chập chững bước vào con đường này, nhưng cơ duyên bất ngờ đến với Liên Quỳnh khi nhận được lời mời sang Hàn Quốc thi đấu cho PBA ở hạng mục LPBA dành cho các cơ thủ nữ. Đây là tổ chức hoạt động song song riêng biệt với Liên đoàn Billiards Thế giới (UMB). Riêng ở nội dung của nữ, LPBA được đánh giá cao hơn UMB khi quy tụ nhiều tay cơ hàng đầu với sự cạnh tranh quyết liệt hơn.
Thời điểm ấy, Liên Quỳnh chưa thể hiện nhiều ở các giải đấu trong nước mà chủ yếu ở các phòng tập. Tuy nhiên, đó là thời điểm các nhà tài trợ PBA mở rộng thị trường ở Việt Nam và Liên Quỳnh được chọn vì có triển vọng cũng như ngoại hình và ngoại ngữ khi cô nói được tiếng Anh và tiếng Trung.
Tháng 6-2022, Liên Quỳnh sang Hàn Quốc thi đấu và trở thành nữ cơ thủ Việt Nam đầu tiên so tài ở LPBA. Tại thời điểm ấy, hạng mục của nam cũng chỉ có 3 cơ thủ Việt Nam gồm: Mã Minh Cẩm, Nguyễn Huỳnh Phương Linh và Trần Đức Minh. Hiện nay, ở hạng mục nữ, cơ thủ số 1 Việt Nam Nguyễn Hoàng Yến Nhi cũng đã gia nhập hệ thống LPBA cho thấy sự uy tín của giải đấu này.
Khổ luyện nơi xứ người
Dù đã có sự chuẩn bị tâm lý từ trước nhưng cuộc sống ở Hàn Quốc thực sự khiến Liên Quỳnh bị sốc. Từ thời tiết đến chế độ ăn uống, sinh hoạt đều khác biệt so với ở Việt Nam. Ngay khi đặt chân đến nơi, cô đã hiểu rằng tại sao Hàn Quốc là quốc gia có phong trào billiards carom phát triển nhất thế giới bởi sự nghiêm túc khổ luyện của các tay cơ tại đây.
Mỗi ngày, cô tập luyện từ 11 giờ trưa đến 2 giờ sáng hôm sau với thời gian trung bình 14-15 giờ. Trong đó có khoảng 8 giờ phải tập một mình, sau đó sẽ có huấn luyện viên Hàn Quốc hướng dẫn. Cuộc sống hàng ngày của cô gói gọn trong phòng tập billiards.
Liên Quỳnh cho hay: “Tôi tập suốt tuần không nghỉ. Với cường độ như vậy cùng thời tiết rất lạnh khiến tôi bị bệnh về phổi nhưng vẫn phải tập luyện. Ngôn ngữ cũng là một rào cản lớn khi huấn luyện viên không nói được tiếng Anh mà chỉ giao tiếp bằng tiếng Hàn trong khi billiards có nhiều từ chuyên ngành rất khó. Tôi cũng không có bạn bè hay người thân và không có quyền có tình cảm cá nhân. Ba mẹ khuyên tôi về nước nhưng tôi vẫn quyết tâm ở lại để học hỏi và thi đấu”.
Vượt qua những khó khăn ban đầu, từ tháng 7-2022 đến tháng 1-2023, Liên Quỳnh đã tham gia 5 tour thi đấu LPBA với thể thức urvival (4 cơ thủ cùng lúc so tài trên 1 bàn đấu, thi đấu trong 2 hiệp, mỗi hiệp 45 phút.
Sau 2 hiệp đấu, 2 cơ thủ có tổng điểm cao nhất sẽ đi tiếp cho tới chung kết). Đây là thể thức rất khắc nghiệt trong billiards carom 3 băng, đặc biệt là với nữ cơ thủ mới bước vào nghề như Liên Quỳnh. Và dù không thể tiến xa nhưng tay cơ nữ của Việt Nam đã để lại nhiều dấu ấn với những đường cơ đẹp mắt và nhận được sự cổ vũ nồng nhiệt của người hâm mộ ở quê nhà.
“Dù tôi không thể tiến sâu và giành thứ hạng cao, nhưng đó vẫn là một hành trình quý giá mang đến cho tôi nhiều bài học quý. Bởi khi được rèn luyện trong một môi trường khắc nghiệt giúp tôi vững vàng hơn. Những lời cổ vũ, động viên của người hâm mộ giúp tôi càng vững tin hơn với con đường mình đã chọn”-Liên Quỳnh bày tỏ.
Trở về từ Hàn Quốc, tay cơ Gia Lai đã tham gia một số giải đấu cho nữ giới trong nước và giành thứ hạng cao. Liên Quỳnh đã giành vị trí thứ 3 tại Giải Vô địch Billiards carom 3 băng quốc gia năm 2023 với sự tham gia của 28 tay cơ cả nước. Tại giải này, cô chỉ chịu thất thủ trước Yến Nhi-người sau đó đã lên ngôi vô địch. Tấm huy chương đồng tại giải cũng giúp Liên Quỳnh được công nhận là kiện tướng quốc gia ở môn carom 3 băng. Ở Giải Billiards carom 3 băng TP. Hồ Chí Minh mở rộng năm 2024, cô cũng giành huy chương đồng.
Hiện tại, Liên Quỳnh vẫn đang theo học huấn luyện viên Trần Đức Minh-nhà vô địch World Cup carom 3 băng với hy vọng sẽ có ngày trở lại với PBA. Liên Quỳnh cho biết: “Năm 2025, PBA tổ chức 3 tour đấu ở Việt Nam và tôi sẽ nỗ lực để đủ điều kiện tham gia. Tôi sẽ cố gắng khẳng định bản thân nếu có cơ hội”.
Trao đổi với P.V, anh Bùi Xuân Lâm-Chủ nhiệm Câu lạc bộ Billiards 09PRO (TP. Pleiku) cho biết: “Cả nước chỉ có vài chục cơ thủ nữ, trong đó, Gia Lai có 3 tay cơ và Liên Quỳnh là một trong những vận động viên xuất sắc. Liên Quỳnh cũng là niềm tự hào của phong trào billiards carom 3 băng ở Gia Lai. Hiện cô cũng thường xuyên tập luyện tại Câu lạc bộ 09PRO và rất chịu khó học hỏi. Hy vọng Liên Quỳnh sớm trở lại với đấu trường LPBA để gặt hái những thành công”.