Xã hội

Đời sống

Bí quyết giữ gìn mái ấm gia đình

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Lấy nhau hơn 10 năm, đời sống vợ chồng của chị H. và anh D. cũng trải qua nhiều thăng trầm chứ không phải lúc nào cũng êm ả như mặt nước hồ thu. Chị H. là bác sĩ, làm thêm ở bệnh viện khác; anh D. là kỹ sư có công ty riêng. Cả 2 đều có mức thu nhập khá tốt nhưng thời gian với họ lại rất eo hẹp. Không thể “khoán trắng” việc chăm sóc 2 con nhỏ cho ô sin như thể việc nấu ăn, lau nhà, giặt giũ… họ đi đến thống nhất sắp xếp thời gian, công việc để đưa/đón con đi học.

Bố giữ vai trò quyết định quản lý việc học tập của con, giúp con học môn Toán ở nhà. Mẹ giữ vai trò giám sát nhưng không được lên tiếng “điều chỉnh” bố trước mặt con cái và giúp con học tiếng Anh. Cùng với đó, có ít nhất 1 ngày nghỉ cuối tuần trọn vẹn của gia đình với việc mẹ vào bếp nấu ăn, bố lau dọn nhà cửa, bữa cơm có đầy đủ thành viên.

Anh D. tâm sự: “Để đi đến được sự đồng thuận, thực hiện mấy nội dung như vậy cũng không phải dễ dàng, vì ngoài công việc thường nhật, vợ/chồng còn có những việc nảy sinh. Vậy nên, gia đình muốn yên ấm thì vợ chồng phải biết vì nhau”.

Chị X. thì có hoàn cảnh khác. Chồng chị là con “độc đinh”. Mẹ chồng chị một mình nuôi con từ hồi chưa đầy 30 tuổi mà không điều tiếng gì, được mọi người khen là hiếu thuận. Đón mẹ chồng ở quê lên sống cùng, thuận theo nếp sống người quê của mẹ, với chị X. không khó. Tuy đã nhận thức rất đầy đủ về tầm quan trọng/trách nhiệm hương khói, thờ cúng ông bà tổ tiên nhà chồng, nhưng việc toàn tâm theo ý mẹ chồng cũng làm chị mệt mỏi. Trong suốt khoảng thời gian sống cùng mẹ chồng, mỗi năm mấy lần giỗ chạp, ngày chay trong tháng, dâng hương trong 3 ngày Tết khổ một thì những lần mời/hẹn người trong họ tộc, bạn bè đến nhà cho vui lòng mẹ lại khiến chị X. khổ năm, khổ mười.

Chị X. chia sẻ rằng: Để dung hòa mối quan hệ mẹ chồng-nàng dâu và giữ được sự ấm êm trong gia đình có 3 thế hệ cùng sinh sống thì mỗi thành viên đều phải cố gắng. Riêng chị, không chỉ chủ động trò chuyện, tâm sự để hiểu mẹ chồng, vợ chồng chị còn dành thời gian đưa mẹ và các con đi chơi cùng nhau, từ đó tạo thêm sự gắn kết, yêu thương giữa mọi người.

Còn anh P-bố của 2 đứa con trai, gái đã lớn thì cho rằng: Tình cảm, trách nhiệm với con cái chính là sợi dây nối niềm vui, bỏ bớt nỗi buồn của vợ chồng anh. Anh P. phân tích: “Chuyện sóng gió giữa vợ chồng thì gia đình nào chẳng có. Giải quyết xung đột gia đình thì cần có thời gian giữ im lặng để nhìn lại mình. Vì chính trong thời gian ấy, cơn nóng giận lắng xuống, sau đó bình tâm ngồi nói chuyện với nhau, tìm tiếng nói chung”.

Trước khi tiến đến hôn nhân, mỗi chúng ta là một cá nhân, môi trường giáo dục gia đình có khác nhau. Nhưng khi kết hôn, mỗi cá nhân ấy cộng lại sẽ trở thành một tổ ấm chung. Trong tổ ấm chung đó, sự hòa hợp luôn được đề cao, coi trọng. Tuy rằng “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh” nhưng thiết nghĩ, mỗi người cần lược bớt “cái tôi” để gia đình ngày thêm bền chặt, ấm êm.

Có thể bạn quan tâm