Xã hội

Đời sống

Điểm tựa gia đình

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- 1. Khi gỡ những sợi tóc bạc của mẹ vương trên áo, tâm trí tôi như được dẫn dắt qua hết chuyện này đến chuyện khác và cuối cùng dừng lại ở cái ôm hôn sau cùng dành cho mẹ trước lúc chia tay.

Bố mẹ tôi đã ngoài 80 tuổi. Cũng như bao người già có con đi làm xa, bố mẹ lúc nào cũng mong ngóng con cái trở về. Vậy nên, tôi luôn cố gắng sắp xếp để về thăm bố mẹ 2 lần vào mỗi dịp hè và Tết cổ truyền. Nơi tôi sống và làm việc cách quê nhà hàng ngàn cây số. Nếu đi máy bay cũng phải di chuyển nhiều chặng, còn đi xe khách mất gần 1 ngày đêm. Nói vậy để thấy mỗi lần về nhà không dễ dàng. Vẫn biết, cuộc sống với bao lo toan, áp lực, nhưng tôi vẫn luôn cho rằng, được cận kề cha mẹ vẫn là niềm hạnh phúc lớn nhất đối với mỗi người.

Quê nhà. Ảnh: Minh Châu

Quê nhà. Ảnh: Minh Châu

Có lần, tôi muốn dành cho mẹ một bất ngờ nho nhỏ khi về nhà mà không báo trước. Đó không phải dịp hè hay Tết như thông lệ, mà vào ngày Quốc khánh 2-9. Tôi nghĩ, hẳn là mẹ sẽ quýnh lên vì mừng. Nhưng chính tôi cũng không kiềm được cảm xúc. Tôi nôn nao suốt chuyến bay và 3 tiếng ngồi ô tô, cho đến khi nhìn thấy cánh đồng làng nhuộm sắc vàng mùa lúa chín. Bầu trời thu xanh ngắt, soi bóng xuống dòng sông Ấu tĩnh lặng. Lòng tôi phút chốc cũng... lặng như sông.

Bố mẹ tôi có thói quen đọc sách từ hồi còn trẻ. Nhưng nhiều năm nay, mẹ thường phàn nàn mắt kém khiến bà không còn đọc được nữa. Chị gái tôi mua kính lão cho mẹ mà tình trạng vẫn không cải thiện. Hè năm ngoái, cả nhà bất ngờ khi đưa mẹ đo mắt thì bà cận gần... 5 độ. Nhưng đeo kính cận tình hình vẫn không khá lên. Hè này về, đưa mẹ đi khám thì hóa ra bà còn bị đục thủy tinh thể. Sau mổ vài ngày, mắt mẹ đã nhìn thấy rõ hơn. Mẹ nói: “Sau bao năm, mẹ mới nhìn thấy bộ quần áo hoa các con mua cho mẹ có màu rất đẹp”.

Bố mẹ sống cùng anh trai tôi nhưng quanh năm, anh bận bịu công việc nhà nông. Nông thôn bây giờ đã khác xưa, nhịp sống nhanh không thua gì thành thị. Nông dân như anh trai tôi làm không hết việc, hầu như không có ngày nghỉ. Cha mẹ già lại sợ phiền con nên chuyện đau khớp, nhìn kém… thường cố chịu và cho là lẽ tất yếu của tuổi già. Nhiều khi muốn trách anh trai, nhưng nhìn lại mình, tôi cũng tự hỏi liệu đã quan tâm đến cha mẹ đủ chưa.

2. Xem phim “Khúc bi ca từ nguồn cội” của điện ảnh Mỹ, khi hình ảnh cuối cùng của bộ phim khép lại, nhạc nền nổi lên cùng câu nói sau cùng của nhân vật chính J.D: “Xuất thân của ta là con người của ta, nhưng mỗi ngày ta chọn mình sẽ thành ai. Gia đình tôi không hoàn hảo nhưng họ làm nên con người tôi và cho tôi những cơ hội họ chưa hề có. Tương lai tôi dù có thế nào cũng chính là di sản chung của cả nhà” đã để lại khúc vĩ thanh tuyệt đẹp về tình cảm gia đình.

Bộ phim này dựa trên câu chuyện có thật, từ tốn đi vào lòng người bởi những giá trị bất biến như một khúc ca từ nguồn cội. Trong một gia đình Mỹ điển hình, có những giấc mơ, xung đột, tệ nạn và cả những tan vỡ. Nhưng người mẹ dù nghiện ngập, trượt dài vẫn dành tình yêu thương vô hạn cho J.D. Người bà dù nói những lời khắc nghiệt nhưng tận cùng chỉ muốn cứu vớt đứa cháu khỏi bạn bè hư hỏng, vì “bà sẽ không sống mãi, còn cháu thì vẫn phải tiếp tục…”.

Chị gái J.D. không được mẹ quan tâm, chăm sóc nhưng vẫn cho rằng “mẹ là mẹ, và rằng chúng ta chỉ có thể sống bằng sự tha thứ chứ không phải phán xét”. Điều đó nhắc nhớ J.D. về những giá trị chỉ có thể tìm thấy trong gia đình, là điểm tựa trong mọi quyết định quan trọng của cuộc đời, khiến anh có động lực để tốt nghiệp trường Luật danh tiếng của Mỹ và tiến xa trong công việc. Trên đỉnh cao thành công, anh nhìn về gia đình và chiêm nghiệm, nó “không hoàn hảo nhưng làm nên con người tôi và cho tôi những cơ hội họ chưa hề có”.

Bất cứ đất nước nào, dù là nước Mỹ hiện đại hay Việt Nam trọng truyền thống văn hóa thì gia đình luôn là cội nguồn không thể tách rời, dứt bỏ. “Lá rụng về cội”, trân trọng gia đình, hướng về nguồn cội là giữ cho mình điểm tựa trước cuộc sống.

Có thể bạn quan tâm