Thời sự - Sự kiện

Thời sự trong nước

Bí thư Hà Nội: Không để 'bão giá', thiếu lương thực, thuốc men sau mưa bão

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Bí thư Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài yêu cầu khắc phục hậu quả mưa bão, duy trì nguồn cung hàng hóa, không để xảy ra tình trạng khan hàng, thiếu hàng hoặc tăng giá đột biến, đặc biệt là lương thực, thực phẩm, thuốc men, vật tư y tế.

Trao đổi với báo chí về tình hình ứng phó với bão Yagi (cơn bão số 3), Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài cho biết đã trực tiếp gọi điện chỉ đạo 30 bí thư quận, huyện tập trung, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, bằng mọi biện pháp phải theo sát tình hình để bảo đảm an toàn cho dân.

Cây đổ gãy sau mưa bão ở Hà Nội

Cây đổ gãy sau mưa bão ở Hà Nội

Ngay sau đó, các địa phương đã kịp thời thực hiện tốt các biện pháp cấp bách như di dời người dân ra khỏi nhà chung cư cũ nguy hiểm, nhà yếu, nơi có nguy cơ đổ sập; bố trí nơi tránh trú an toàn. Đồng thời, bố trí lực lượng ứng trực kịp thời xử lý sự cố, hỗ trợ người dân trong mưa bão…, nhờ đó thành phố cơ bản vẫn bảo đảm tốt những mục tiêu trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt là giữ an toàn cho người dân.

Bí thư Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài ghi nhận và đánh giá cao cán bộ, chiến sĩ lực lượng quân đội, công an cùng cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương đã thực hiện nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo của T.Ư và thành phố; chủ động triển khai từ sớm, từ xa phương án phòng, chống bão Yagi.

Người đứng đầu Đảng bộ TP.Hà Nội cũng biểu dương sự chủ động phòng, chống bão và tinh thần hợp tác, phối hợp của người dân. Nhờ sự chung sức, đồng lòng của cả thành phố nên trước mắt đã giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra.

Tuy nhiên, theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, bão có thể suy yếu nhưng tình hình thời tiết do ảnh hưởng của bão trong những ngày tới vẫn rất đáng lo ngại. Do vậy, nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu là phải bảo đảm an toàn sức khỏe tính mạng của nhân dân và hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của người dân và nhà nước.

"Hơn lúc nào hết, đây là lúc người dân cần sự hỗ trợ, các lực lượng chức năng phải làm hết lòng, hết sức với trách nhiệm cao nhất vì nhân dân", bà Hoài động viên.

Do đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu các đơn vị liên quan kịp thời hỗ trợ các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người già, neo đơn, ốm yếu, hộ nghèo, gia đình chính sách; kịp thời cung cấp lương thực, thực phẩm và những vật dụng thiết yếu khác khi cần thiết; quyết tâm không để người dân nào bị đói, bị rét, "không để ai bị bỏ lại phía sau".

Giao Ban Cán sự Đảng UBND TP.Hà Nội chỉ đạo các sở, ngành duy trì nguồn cung hàng hóa, không để xảy ra tình trạng khan hàng, thiếu hàng hoặc tăng giá đột biến, đặc biệt là lương thực, thực phẩm, thuốc men, vật tư y tế phục vụ cấp cứu, chữa bệnh; chủ động triển khai lực lượng và phương án phòng, chống mưa, lũ; bảo vệ an toàn vững chắc các tuyến đê, các hồ, đập trên địa bàn...

Các lực lượng chức năng nhanh chóng khắc phục những sự cố, hậu quả do bão gây ra để bảo đảm duy trì hoạt động thông suốt của hệ thống hạ tầng giao thông, điện, nước, thông tin liên lạc...; duy trì lực lượng ứng trực 24/24 giờ hỗ trợ người dân kịp thời và xử lý các tình huống phát sinh.

Theo thống kê của TP.Hà Nội, tính từ ngày 6.9 đến 19 giờ ngày 7.9, thành phố đã có 3 người tử vong do cây đổ và 10 người bị thương. Bão cũng đã khiến gần 2.800 cây gãy đổ, nhiều ô tô, xe máy của người dân bị hư hại.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP.Hà Nội vừa ban hành văn bản về việc tập trung ứng phó với lũ rừng ngang gây mưa lũ, ngập lụt trên địa bàn các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức.

Theo đó, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 và trên địa bàn tỉnh Hòa Bình xảy ra mưa to đến rất to khiến mực nước sông Tích, sông Bùi đang lên nhanh có nguy cơ xuất hiện lũ rừng ngang ảnh hưởng đến địa bàn 4 huyện nêu trên.

Để ứng phó hiệu quả với tình hình thời tiết, thiên tai, giảm thiểu thiệt hại, ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân, đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm các chỉ đạo của TP.Hà Nội, khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó.

Chủ động ứng trực, sẵn sàng triển khai các kế hoạch, phương án ứng phó thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ" nhằm đảm bảo an toàn về người, giảm thiểu thiệt hại về tài sản, không để xảy ra các tình huống bị động, bất ngờ.

Theo Nguyễn Trường (TNO)

Có thể bạn quan tâm