Điểm đến Gia Lai

Bi Yông khởi sắc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Qua gần 2 năm nỗ lực xây dựng nông thôn mới, bộ mặt làng Bi Yông (xã Pờ Tó, huyện Ia Pa, Gia Lai) ngày càng khởi sắc. Vui mừng trước những đổi thay của làng, ông Đinh Xoan-Trưởng thôn Bi Yông-bày tỏ: “Khi chính quyền tuyên truyền, vận động, tôi không thể hình dung rằng làng lại có được con đường sạch đẹp, điện sáng, nhà cửa ngăn nắp, khang trang thế này”.
Thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 13-2-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số”, huyện Ia Pa đã xây dựng đề án triển khai làm điểm ở làng Bi Yông. Đến nay, sau gần 2 năm sắp xếp, bố trí lại nhà ở, vườn tược theo quy hoạch, cuộc sống của 189 hộ dân với 1.003 khẩu đã dần được ổn định. 
 Dân làng Bi Yông biểu diễn cồng chiêng tại Ngày hội “Đại đoàn kết toàn dân tộc” năm 2019. Ảnh: T.Đ
Dân làng Bi Yông biểu diễn cồng chiêng tại Ngày hội “Đại đoàn kết toàn dân tộc” năm 2019. Ảnh: T.Đ
Đứng từ nhà rông ở trung tâm làng nhìn ra 4 hướng, có thể thấy các cụm dân cư đều được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp bám theo trục đường làng. Nhà cửa được rào giậu bằng lưới B40 do Nhà nước hỗ trợ; nhiều hộ có vườn rau xanh phục vụ bữa ăn gia đình. 100% hộ dân có nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh. Chuồng trại chăn nuôi gia súc được xây dựng kiên cố, xa khu nhà ở; cây xanh trồng xung quanh khuôn viên nhà rông và khu sinh hoạt chung của làng. Những “hàng rào xanh”, “con đường hoa”, vườn cây ăn quả đang dần hình thành, đem lại diện mạo tươi mới cho làng nông thôn mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Ông Võ Anh Tuấn-Bí thư Huyện ủy Ia Pa-cho hay: “Điểm mấu chốt của đề án là quy hoạch lại làng, sắp xếp dân cư một cách khoa học, hợp lý, đảm bảo vệ sinh môi trường và làm thay đổi tập quán sản xuất theo hướng tăng thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó vẫn giữ được bản sắc, không làm xáo trộn đời sống văn hóa tinh thần của bà con nơi đây”. Để làm được điều này, huyện đã huy động nhiều nguồn lực để đầu tư các công trình phục vụ đời sống của người dân. Nhờ đó, đến nay, làng Bi Yông đã có hệ thống điện ổn định phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Các trục đường trong làng đã được bê tông hóa, tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi. Làng có 1 nhà rông văn hóa để nhân dân sinh hoạt chung, có sân bóng để tổ chức hoạt động thể dục thể thao, có hệ thống loa phát thanh cung cấp thông tin cho bà con. Nhà nước còn đầu tư 1 giếng nước tập trung trị giá hơn 1,4 tỷ đồng.
Cùng với việc sắp xếp nhà cửa, bố trí lại dân cư, huyện cũng chú trọng đến việc thay đổi tập quán sản xuất, hướng tới tăng thu nhập cho dân làng. Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” được triển khai sâu rộng đến từng hộ dân. Bước đầu, bà con đã biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa những giống cây trồng, vật nuôi có giá trị vào sản xuất. Theo đó, người dân đã dần chuyển đổi giống mì năng suất thấp sang trồng 185 ha mì cao sản, đồng thời gieo trồng 85 ha lúa. Từ thực tế đã nổi lên một số điển hình phát triển kinh tế cho thu nhập cao như gia đình các ông: Đinh Myir, Đinh Uchuên, Đinh Tryênh, Trần Văn Ba... Ông Đinh Myir phấn khởi cho hay: “Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cùng cán bộ xã đến nhà vận động gia đình tôi trồng 3 sào cỏ để nuôi bò, làm chuồng trại sạch sẽ để phòng tránh bệnh tật cho gia súc. Nhờ vậy, đến nay, đàn bò khỏe mạnh, phát triển tốt, tăng đàn nhanh. Tôi mới bán 3 con bò để mua sắm ti vi, xe máy”.
Khó khăn lớn nhất của người dân Bi Yông là không có công trình thủy lợi nên năng suất cây trồng không cao, dễ bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Thu nhập bình quân của người dân nơi đây mới dừng lại ở mức 15 triệu đồng/năm. Hiện làng vẫn còn tới 67 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 35,44%. Để xây dựng Bi Yông thành làng nông thôn mới kiểu mẫu, huyện Ia Pa còn phải nỗ lực rất nhiều. Ông Trần Văn Hùng-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho biết: “Chính quyền huyện và ngành chuyên môn cần quan tâm hướng dẫn bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa giống mì cao sản vào trồng đại trà và liên kết với nhà máy mì tại xã Pờ Tó để tiêu thụ. Đây là bước đi đầu tiên giúp dân ổn định sản xuất, nâng cao thu nhập từ 15 đến 20 triệu đồng/ha. Huyện cũng đang phối hợp với Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao triển khai mô hình trồng chuối tiêu hồng và trồng dứa, hứa hẹn nhiều triển vọng. Sắp tới, Phòng sẽ vận động bà con làng Bi Yông tham gia mô hình”.
TRẦN ĐỨC

Có thể bạn quan tâm