Đáp trả các hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông, không quân Mỹ đang xây dựng 3 mũi giáp công với nhiều loại chiến đấu cơ hiện đại nhất mà nước này đang sở hữu.
Các căn cứ mà chiến đấu cơ Mỹ có thể xuất kích đến Biển Đông - Đồ họa: Hoàng Đình |
Cổng thông tin của Quân ủy T.Ư Trung Quốc (CMC) tối 16.12 thông tin lực lượng không quân của Chiến khu Nam bộ nước này đã điều động một số chiến đấu cơ J-10 tập trận vào ngày 10.12. Bản tin không nói rõ địa điểm và số lượng máy bay tham gia cuộc tập trận, nhưng Chiến khu Nam bộ của Trung Quốc có khu vực hoạt động bao trùm cả khu vực Biển Đông mà Bắc Kinh đưa ra tuyên bố chủ quyền phi pháp.
3 mũi giáp công
Trong khi đó, cùng ngày 10.12, Mỹ cũng đã tiến hành cuộc tập trận hiếm có khi điều động oanh tạc cơ chiến lược B-1 Lancer từ đảo Guam bay đến Biển Đông, rồi tập trận cùng máy bay chiến đấu cơ thế hệ 5 tàng hình F-22 tại đây.
H.G |
Thời gian qua, Lầu Năm Góc đã tiến hành nhiều cuộc tập trận phối hợp không quân ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific) nói chung và Biển Đông nói riêng. Cuối tháng 8, không quân Mỹ thông báo nước này vừa tổ chức tập trận phối hợp đồng loạt trong 24 tiếng ở Thái Bình Dương nằm trong chiến lược “đảm bảo khu vực Indo-Pacific tự do và rộng mở”.
Lực lượng tham gia tập trận gồm 2 oanh tạc cơ B-1 Lancer từ căn cứ Ellsworth (bang Nam Dakota, Mỹ), và 2 chiếc B-1 khác từ căn cứ không quân Anderson ở đảo Guam đều bay đến vùng biển Nhật Bản. Tại vùng biển này, 4 máy bay tiêm kích F-15C của Mỹ xuất phát từ căn cứ không quân Kadena (Nhật) đã phối hợp với 4 chiếc B-1. Chiến đấu cơ thế hệ 5 tàng hình F-35 của thủy quân lục chiến Mỹ đang đóng tại Nhật và máy bay tiêm kích F-15J của lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản cũng tham gia cuộc tập trận. Bên cạnh đó còn có thêm chiến đấu cơ F/A-18 được trang bị cho tàu sân bay USS Ronald Reagan.
Nằm trong khuôn khổ cuộc tập trận này, 2 oanh tạc cơ B-2 Spirit từ căn cứ Diego Garcia ở Ấn Độ Dương cũng tiến hành huấn luyện ở Ấn Độ Dương. Ngoài các cuộc tập trận trên, oanh tạc cơ B-1 cũng nhiều lần xuất phát từ lục địa ở Mỹ hoặc cất cánh từ đảo Guam hoặc căn cứ tại Nhật để thực thi các sứ mệnh ở Biển Đông, hoặc rộng hơn là khu vực tây Thái Bình Dương.
Như thế, khi điểm qua các cuộc tập trận trên thì có thể thấy Mỹ đã liên tục huấn luyện các hoạt động cho không quân đến Biển Đông, hay rộng hơn là Indo-Pacific, từ 3 hướng: hướng đông là từ đảo Guam, hướng tây nam từ căn cứ Diego Garcia có thể đánh chặn ở eo biển Malacca - cửa ngõ từ Thái Bình Dương vào Ấn Độ Dương, và hướng bắc là từ Nhật hoặc từ bên trong lục địa Mỹ bay qua Nhật.
Thế trận 3 mũi giáp công này khiến cho toàn bộ các lực lượng của Trung Quốc, đặc biệt là các đảo và bãi đá ở Biển Đông bị Bắc Kinh quân sự hóa, đều nằm trong tầm tấn công của không quân Mỹ. Điều này giúp Washington tăng cường sự răn đe nhằm vào Bắc Kinh, trong bối cảnh Trung Quốc triển khai các loại máy bay tiêm kích J-10, J-11 và oanh tạc cơ H-6 có thể mang theo tên lửa đạn đạo chứa đầu đạn hạt nhân thường xuyên hoạt động ở khu vực Biển Đông nói riêng và vùng tây Thái Bình Dương nói chung.
Hội tụ chiến đấu cơ tối tân
Không chỉ xây dựng mạng lưới nhiều hướng tấn công, Mỹ còn đang tập trung những chiến đấu cơ hiện đại nhất đến khu vực.
Nổi bật là oanh tạc cơ ném bom chiến lược tàng hình B-2 Spirit biệt danh “bóng ma” với khả năng xuyên thủng các tuyến radar giám sát nhờ vào khả năng tàng hình ưu việt. Hiện nay, B-2 Spirit là oanh tạc cơ chiến lược tàng hình duy nhất được vận hành trên thế giới.
Bên cạnh đó, B-1 Lancer đang có mặt tại Indo-Pacific cũng là loại oanh tạc cơ tối tân, được đánh giá có khả năng tác chiến mạnh mẽ hơn dòng oanh tạc cơ H-6 của Trung Quốc. B-2 và B-1 Lancer đều có thể được trang bị tên lửa AGM-158. Đây là loại hỏa tiễn bao gồm phiên bản tấn công mặt đất (với tầm bắn tối đa hơn 900 km) và loại tên lửa đối hạm tầm xa (có tầm bắn ước tính hơn 500 km). Nên khi triển khai các loại oanh tạc cơ này, Mỹ có thể tấn công cả chiến hạm lẫn các cơ sở trên bộ của Trung Quốc.
Ngoài ra, từ giữa tháng 11, Mỹ cũng đã điều động máy bay chiến đấu thế hệ 5 tàng hình F-22 đến căn cứ Andersen tại đảo Guam. “F-22 là dòng chiến đấu cơ tàng hình có thể xuyên thủng hàng phòng thủ đối phương và tấn công, nên việc triển khai F-22 đến đảo Guam sẽ tạo áp lực mạnh mẽ nhằm vào đối phương, bởi đối phương rất khó ngờ F-22 bay đến lúc nào”, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) đánh giá khi trả lời Thanh Niên.
Theo cựu đại tá Carl O.Schuster (cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp - Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của hải quân Mỹ và đang giảng dạy ở Đại học Hawaii về quan hệ quốc tế, lịch sử), F-22 cũng là loại máy bay cho khả năng phòng thủ hiệu quả bởi có khả năng không chiến ưu việt. Trong cuộc tập trận phối hợp ngày 10.12 vừa diễn ra, đại diện không quân Mỹ cũng nhấn mạnh hoạt động này nhằm tăng cường khả năng đánh chặn để phòng thủ cho căn cứ Andersen ở đảo Guam. Thực tế, Trung Quốc đã phát triển nhiều loại tên lửa đạn đạo có thể khai hỏa từ máy bay H-6 để nhằm vào đảo Guam. Nên cuộc tập trận huấn luyện trên với sự tham gia của F-22 nhằm gửi đi thông điệp Washington có thể xuất kích đánh chặn các máy bay H-6 của Bắc Kinh.
Từ đó, Lầu Năm Góc dường như đang hướng tới xây dựng một mạng lưới hỏa lực không quân trùng điệp bao quanh Biển Đông nói riêng và vùng tây Thái Bình Dương nói chung.
Theo HOÀNG ĐÌNH (thanhnien)