Trong bối cảnh chiến hạm của nhiều nước đang đổ về Biển Đông, cả Mỹ và đồng minh lẫn Trung Quốc đều tiến hành các cuộc tập trận quy mô lớn ở khu vực.
Tàu sân bay Anh HMS Queen Elizabeth mang theo chiến đấu cơ F-35 của thủy quân lục chiến Mỹ hoạt động cùng chiến hạm một số đồng minh ở Biển Đông. Ảnh: ROYAL NAVY |
Hôm qua (theo giờ Việt Nam), website của Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của quân đội Mỹ (USINDOPACOM) dẫn lời Đô đốc John Aquilino, Chỉ huy USINDOPACOM, chỉ trích tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là phi pháp. Phát biểu của vị chỉ huy này được đưa ra khi ông tham dự Diễn đàn An ninh Aspen (bang Colorado, Mỹ).
Qua đó, ông khẳng định Mỹ sẽ “dành nhiều thời gian với các đồng minh và đối tác để đảm bảo rằng trật tự dựa trên luật lệ quốc tế” đối với vùng biển này. Một trong các biện pháp là Washington duy trì sự hiện diện quân sự mạnh mẽ trong khu vực.
Rầm rộ tập trận
Trước khi diễn ra Diễn đàn An ninh Aspen, tờ South China Morning Post đưa tin từ ngày 2.8, Mỹ cùng với Anh, Úc và Nhật Bản tổ chức loạt tập trận quy mô lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific), kéo dài đến ngày 27.8. Đợt tập trận này của Washington và đồng minh quy tụ 36 chiến hạm, bao gồm cả tàu sân bay và tàu ngầm. Cuộc tập trận còn được cho là nhằm “nhắc nhở” Trung Quốc về các hành động của nước này trong khu vực Indo-Pacific nói chung và Biển Đông nói riêng.
Trước đó, từ ngày 14 - 31.7, Mỹ, Úc, Nhật Bản, Anh, Canada, Hàn Quốc và New Zealand đã tổ chức cuộc tập trận quy mô lớn mang tên Talisman Sabre tại Úc. Tham gia cuộc tập trận này, còn có Ấn Độ, Indonesia, Đức và Pháp trong vai trò quan sát viên. Nội dung tập trận Talisman Sabre bao gồm phòng thủ và tái chiếm đảo nên được xem là một thông điệp mạnh mẽ nhằm vào Bắc Kinh.
Bên cạnh đó, nhóm tác chiến tàu sân bay Anh HMS Queen Elizabeth với lực lượng hộ tống hùng hậu gồm nhiều tàu chiến, bao gồm cả tàu ngầm hạt nhân, mới đây cũng đã tiến vào Biển Đông. Cùng ngày 2.8, tàu hộ vệ Bayern của Đức, với hơn 200 thủy thủ, đã rời cảng Wilhelmshaven để bắt đầu hành trình dài 6 tháng đến Indo-Pacific, dự kiến có di chuyển qua Biển Đông.
Trong khi đó, tờ Hoàn Cầu thời báo ngày 5.8 đưa tin Trung Quốc tổ chức tập trận quy mô lớn ở Biển Đông từ ngày 6 - 11.8. Nội dung tập trận chưa được công bố chi tiết, nhưng theo báo này thì không loại trừ khả năng Bắc Kinh sẽ bắn thử tên lửa đạn đạo chống hạm, như từng phóng thử 2 tên lửa đạn đạo diệt hạm Đông Phong 21 và Đông Phong 26 hồi tháng 8.2020.
Thông điệp các bên
Trả lời Thanh Niên ngày 6.8, PGS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế, Nhật Bản, học giả tại Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nhật), nhận định: “Các cuộc tập trận hải quân do Mỹ tiến hành là một phần trong chiến lược của Washington nhằm tăng cường hoạt động và hiện diện bền vững ở Biển Đông, cũng như đáp ứng chiến lược mà nước này đặt ra là đảm bảo vùng biển được tuân thủ luật pháp quốc tế. Bằng cách triển khai chiến hạm hoạt động tự do hàng hải và không bị cản trở qua Biển Đông, Mỹ đang vô hiệu hóa các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông”.
“Đối với Trung Quốc, các cuộc tập trận hướng đến việc phô diễn để gửi thông điệp đến một số bên. Trong đó, việc tập trận tại khu vực mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền, giữa lúc cạnh tranh Mỹ - Trung đang căng thẳng, nhằm chứng tỏ với dư luận bên trong Trung Quốc rằng Bắc Kinh đang đứng lên chống lại Washington”, PGS Nagy phân tích và nhận định thêm rằng: “Với các bên khác liên quan Biển Đông, cuộc tập trận của Trung Quốc nhằm thể hiện sức mạnh với mục đích ngăn cản các nước Đông Nam Á phối hợp với nhau cũng như phối hợp với các nước bên ngoài khu vực như Mỹ và Nhật Bản”.
“Cuối cùng, Trung Quốc tập trận còn nhằm gửi tín hiệu tới Mỹ rằng Bắc Kinh sẽ đáp lại các động thái của Washington, nhưng không leo thang ở giai đoạn hiện tại”, chuyên gia Nagy đánh giá và đặt vấn đề: “Việc các bên tập trận như vậy có thể ẩn chứa một số rủi ro ngoài ý muốn, nhưng cũng giúp các bên tăng cường nhận thức về việc ứng xử với nhau”.
Washington đủ sức bảo vệ Đài Bắc H.G |
Theo Ngô Minh Trí (TNO)