Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

Biến rong nho thành sản phẩm có giá trị kinh tế cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Anh Lê Văn Nhuẫn (37 tuổi, ở xã Xuân Phương, TX.Sông Cầu, Phú Yên) đã biến rong nho thành sản phẩm có giá trị kinh tế cao trên thị trường hiện nay.
 
Anh Nhuẫn tạo ra sản phẩm rong nho tách nước mang lại giá trị kinh tế cao. Ảnh: Đức Huy
Anh Nhuẫn tạo ra sản phẩm rong nho tách nước mang lại giá trị kinh tế cao. Ảnh: Đức Huy
Năm 2021, sản phẩm rong nho tách nước Phúc Khang của anh Nhuẫn đã được UBND tỉnh Phú Yên công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh, và được coi là một mô hình khởi nghiệp thành công của tuổi trẻ Phú Yên.
Một loại thủy sản nuôi trồng mới
Anh Nhuẫn bắt đầu nuôi rong nho từ năm 2014. Thời điểm này, rong nho là một loại thủy sản nuôi trồng hoàn toàn mới. Sản phẩm thu hoạch được do các đại lý trên địa bàn đến thu mua. Với suy nghĩ, phải biến rong nho thành sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao, năm 2019, anh Nhuẫn quyết định mở rộng diện tích trồng rong nho và đầu tư cơ sở chế biến rong nho tách nước để cung ứng trực tiếp cho thị trường. Anh Nhuẫn đã mua và thuê lại một số diện tích hồ nuôi tôm kém hiệu quả, bỏ hoang để cải tạo và trồng rong nho. Với mỗi hồ nuôi, diện tích khoảng 3.000 - 4.000 m2, anh đầu tư khoảng từ 55 - 60 triệu đồng để cải tạo hồ, mua giống và chăm sóc. Hiện anh đang triển khai trồng rong nho tại 4 hồ nuôi, với tổng diện tích 16.000 m2.
Với giá rong nho tươi khoảng 50.000 - 55.000 đồng/kg, chế biến ra rong tách nước thành phẩm sẽ đạt giá 195.000/kg. Cứ với mỗi hồ nuôi mỗi tháng cho thu nhập khoảng từ 15 - 20 triệu đồng/tháng (tương đương khoảng 200 triệu đồng/năm).
Anh Nhuẫn chia sẻ: "Kỹ thuật nuôi trồng rong nho khá đơn giản, lại không tốn nhiều chi phí đầu tư, chăm sóc; rủi ro thấp so với các loại cây trồng, vật nuôi khác. Tuy nhiên, để trồng rong nho cho hiệu quả cao, người nuôi phải lựa chọn những vùng biển sạch, nguồn nước không bị nhiễm bẩn. Rong nho sẽ được thu hoạch sau 15 - 20 ngày nuôi trồng".
Ngoài nuôi trực tiếp, anh Nhuẫn còn liên kết 7 hộ dân khác ở địa phương để nuôi rong nho, đồng thời khai thác, thu mua thêm rong nho tự nhiên để chế biến. Bình quân, mỗi tháng cơ sở thu mua khoảng 15 tấn rong nho tươi để chế biến và cung ứng cho thị trường; doanh thu hàng tháng đạt từ 100 - 150 triệu đồng. Hiện nay, cơ sở rong nho Phúc Khang đã tạo việc làm thường xuyên cho hơn 20 lao động địa phương.
 
Hồ nuôi rong nho. Ảnh: Đức Huy
Hồ nuôi rong nho. Ảnh: Đức Huy
Có thể nhân rộng mô hình
Theo ông Nguyễn Thanh Tuấn, quyền Giám đốc Sở Công thương tỉnh Phú Yên, rong nho tách nước là một dòng sản phẩm mới, có giá trị kinh tế cao, và giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn. Năm 2021, từ nguồn vốn khuyến công, sở đã hỗ trợ cơ sở rong nho tách nước Phúc Khang thiết kế bao bì, quảng bá sản phẩm. Năm 2021, sản phẩm rong nho tách nước của cơ sở này được chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh và tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực miền Trung - Tây nguyên.
 
Thu hoạch rong nho trong hồ nuôi. Ảnh: Đức Huy
Thu hoạch rong nho trong hồ nuôi. Ảnh: Đức Huy
Anh Phan Xuân Hạnh, Bí thư Tỉnh đoàn Phú Yên, cho biết cơ sở của anh Nhuẫn được xem là mô hình khởi nghiệp sáng tạo của thanh niên địa phương, với sản phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, chưa từng được ai làm trước đó. Mô hình này có thể nhân rộng tại các địa phương ven biển của Phú Yên để thu hút lực lượng lao động thanh niên địa phương có thêm việc làm, thu nhập ổn định. “Tỉnh đoàn rất mong các ngành, các cấp có thể hỗ trợ để phát triển thêm mô hình này trong thời gian tới”, anh Hạnh nói.
Theo Đức Huy (TNO)

Có thể bạn quan tâm