Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Quốc phòng

Biến trực thăng thành siêu vũ khí

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Quân đội Mỹ đang nỗ lực biến trực thăng Apache thành nòng cốt của một phi đội hỗn hợp với tham vọng thống trị chiến trường.

 

 Một đội máy bay trực thăng AH-64E Apache
Một đội máy bay trực thăng AH-64E Apache


Theo chuyên san quốc phòng The National Interest, Lầu Năm Góc đang hợp tác với Tập đoàn Boeing phát triển chương trình mang tên Phối hợp có người lái và không người lái (MUM-T) nhằm nâng cấp tính năng quan sát lẫn chiến đấu cho đội ngũ phi công máy bay trực thăng Apache. Mục tiêu lớn nhất là tạo ra nhóm tác chiến đa nhiệm với Apache làm nòng cốt và được vây quanh bởi các thiết bị bay không người lái (UAV).

Ngồi trực thăng điều khiển UAV

Hiện MUM-T đang được tích hợp thí điểm vào phiên bản trực thăng AH-64E Apache theo hợp đồng bước đầu trị giá 24 triệu USD giữa lục quân Mỹ và Boeing. Trong đó, phi công trực thăng sẽ cùng lúc điều khiển các UAV xâm nhập chiến trường để do thám chiến trường và truyền tải hình ảnh trực tiếp với thời gian thực về buồng lái. Nhờ vậy, phi hành đoàn Apache có thể kiểm soát tình hình chiến sự hiệu quả hơn, tăng cường khả năng đánh phá trúng mục tiêu đối phương.

The National Interest dẫn lời giới chức Mỹ cho biết hệ thống MUM-T đang được Tiểu đoàn do thám tấn công số 1-229 của lục quân nước này triển khai rất thành công trong cuộc chiến với các nhóm vũ trang ở Afghanistan. Bên cạnh đó, phi đội Apache trang bị MUM-T cũng hỗ trợ vô cùng hiệu quả chiến dịch của quân đội Iraq nhằm giải phóng TP.Mosul khỏi các tay súng tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Theo Lầu Năm Góc, sự kết hợp những loại vũ khí thiện chiến của Apache và thiết bị cảm biến của UAV cho phép phi công tìm diệt những mục tiêu di động từ cự ly xa hơn bình thường. “Giờ đây, các đơn vị trực thăng có thể thu hình ảnh từ UAV, xem xét hệ thống cảm biến và xác định mục tiêu từ cách đó 80 - 100 km. Phi công nắm rõ tình hình chiến trường và không còn phải tham chiến trong tình trạng hoang mang nữa”, đại tá Jeff Hager, quan chức phụ trách chương trình trực thăng Apache của lục quân Mỹ, nói.

 

“Thay đổi cục diện”
Hiện phi công AH-64E Apache chỉ mới kiểm soát được 2 loại UAV là MQ-1C Gray Eagle và Textron Shadow Version 2. Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự đang tiếp tục cải tiến thêm một bước công nghệ MUM-T để mở rộng khả năng kiểm soát điều khiển đối với tất cả các UAV đang được quân đội Mỹ sử dụng, bao gồm cả các loại chiến đấu tìm diệt như MQ-1 Predator và MQ-9 Reaper. Từ đó mở ra viễn cảnh chỉ cần một phi công lái trực thăng có thể điều khiển cả một đơn vị tấn công tham gia đánh phá mục tiêu địch.
Các UAV cũng có thể tạo thành lá chắn bảo vệ chiếc Apache ở giữa. “Kết quả thử nghiệm trực thăng AH-64E Apache gắn MUM-T rất tích cực. Khả năng mới này thật sự thay đổi cục diện chiến trường. Giờ đây, trực thăng có thể thực hiện các hoạt động áp sát, giao chiến với tốc độ và sự chính xác cao hơn, và sắp tới là hỏa lực mạnh hơn”, đại tá Hager tuyên bố.
Ngoài ra, bản thân AH-64E cũng được nâng cấp khả năng chở vũ khí và nhiên liệu lớn hơn, cũng như có thể hoạt động ở độ cao hơn 1.800 m trong điều kiện nhiệt độ hơn 950C, theo The National Interest. “Khả năng hoạt động ở độ cao và trong thời tiết nóng cho phép AH-64E bay trực tiếp từ điểm cao này sang điểm cao khác để đến mục tiêu, thay vì phải di chuyển xuống một thung lũng trước khi bay lên đỉnh cao hơn”, bà Kim Smith, Phó chủ tịch phụ trách mảng trực thăng tác chiến của Boeing, cho hay. Một đặc điểm đáng chú ý khác là phiên bản Apache mới có thể đạt tốc độ bay hơn 300 km/giờ.
Quân đội Mỹ đã lên kế hoạch mua 690 trực thăng AH-64E trước năm 2025. Chúng có thể mang 16 tên lửa Hellfire, 70 quả rốc két 2,75 mm và 1.200 viên đạn súng máy hạng nặng, nhờ đó có thể tiêu diệt các phương tiện thiết giáp cùng nhiều mục tiêu trên bộ khác. Nguồn tin từ lục quân Mỹ cho biết cùng với tên lửa đối đất Hellfire, vũ khí chủ lực tiếp theo của trực thăng Apache sẽ là tên lửa đối không Stinger.

Theo Thanhnien

Có thể bạn quan tâm