Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Quốc phòng

Binh đoàn 15: Quan tâm đời sống người lao động người dân tộc thiểu số

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Những năm qua, Binh đoàn 15 đã có nhiều biện pháp hỗ trợ thích hợp, giúp người lao động dân tộc thiểu số phát triển kinh tế hộ gia đình tạo thu nhập ổn định, từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Đào tạo đội ngũ thợ cạo có tay nghề. Ảnh: Trần Dung
Quan tâm đào tạo đội ngũ thợ cạo mủ cao su. Ảnh: Trần Dung

Theo chủ trương “Phát triển, mở rộng sản xuất đến đâu, thu hút lao động và xây dựng khu dân cư đến đó”, Binh đoàn 15 đã thực hiện chính sách ưu tiên tuyển lao động tại chỗ, lao động là người dân tộc thiểu số; kết hợp giữa thu hút lao động và chăm lo về mọi mặt, hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình, tạo sự yên tâm, gắn bó, bám trụ địa bàn, xây dựng gia đình, xây dựng quê hương trên những vùng đất mới. "Đến nay, Binh đoàn có 17.000 lao động, trong đó có trên 7.000 lao động là người dân tộc thiểu số với trên 23.000 nhân khẩu, được bố trí trên 10 cụm với 266 điểm dân cư dọc biên giới”- Thượng tá Trần Văn Dương-Trưởng phòng Tổ chức- Lao động (Binh đoàn 15) cho biết. 

Với mặt bằng lao động người dân tộc thiểu số không đồng đều, trình độ chuyên môn khác nhau, còn nặng về phong tục tập quán nên Binh đoàn đã rà soát lại công tác tuyển dụng. Trên cơ sở đó, Binh đoàn đánh giá thực chất công tác tuyển dụng, sử dụng lao động để có biện pháp chấn chỉnh. Xây dựng phương án khoán sản phẩm đúng với chế độ chính sách, từng bước nâng diện tích nhận khoán để có cơ sở đưa lao động là đồng bào dân tộc thiểu số vào biên chế chính thức trong các doanh nghiệp thuộc Binh đoàn. Đặc biệt, Binh đoàn cũng đã có những giải pháp cụ thể như mở các lớp tập huấn, nâng cao tay nghề, tổ chức các cuộc thi luyện tay nghề, thi thợ giỏi…trọng tâm là đào tạo đội ngũ thợ cạo.

Lao động người dân tộc thiểu số của Binh đoàn đã nắm bắt các kỹ thuật về trồng, chăm sóc và khai thác mủ cao su thành thạo. Ảnh: Trần Dung
Lao động người dân tộc thiểu số của Binh đoàn 15 đã nắm bắt các kỹ thuật về trồng, chăm sóc và khai thác mủ cao su thành thạo. Ảnh: Trần Dung

Hiện nay, đội ngũ công nhân- lao động người dân tộc thiểu số của Binh đoàn đã nắm bắt các kỹ thuật về trồng, chăm sóc và khai thác mủ cao su thành thạo. Cuộc sống của họ dần ổn định và luôn coi Binh đoàn là chỗ dựa tin cậy để yên tâm sản xuất, nâng cao đời sống. Hiện thu nhập bình quân của lao động người dân tộc thiểu số gần 3 triệu đồng/ người/ tháng.

Ngoài việc nâng cao tay nghề và đảm bảo quyền lợi cho lao động người dân tộc thiểu số, Binh đoàn 15 còn quan tâm chăm sóc đời sống của con em họ. Đại úy Ngô Thị Hương-Trợ lý Phụ nữ Binh đoàn cho hay: “ Binh đoàn đã xây dựng 8 trường tiểu học, trung học cơ sở; 11 trường mầm non với 128 điểm trường, 1 trường tiểu học bán trú, 1 trường trung học cơ sở bán trú. Mỗi dịp lễ, Tết, chúng tôi có tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho con em lao động người dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, việc tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao cũng đã tạo được sự đoàn kết gắn bó giữa công nhân người Kinh và đồng bào dân tộc thiểu số, tạo điều kiện để công nhân rèn luyện sức khỏe và tạo sự hứng khởi trong sản xuất kinh doanh”.

Những năm qua, các đơn vị trong toàn Binh đoàn đã có nhiều giải pháp để nâng cao trình độ tay nghề, kỹ thuật cho đội ngũ công nhân, nhất là công nhân người dân tộc thiểu số như: thường xuyên đào tạo và đào tạo lại; phát động phong trào “Luyện tay nghề, thi thợ giỏi”; duy trì tổ chức hội thi thợ giỏi thu hoạch mủ cao su... Nhờ đó, hàng năm, đội ngũ thợ cạo có tay nghề khá trở lên tăng từ 7% đến 10%; trên 99% thợ luôn có ý thức bảo vệ vườn cây, bảo vệ sản phẩm, thực hiện đúng quy trình kỹ thuật trong khai thác.

Lao động người dân tộc thiểu số luôn coi Binh đoàn là chỗ dựa tin cậy để yên tâm sản xuất, nâng cao đời sống. Ảnh: Trần Dung
Lao động người dân tộc thiểu số luôn coi Binh đoàn là chỗ dựa tin cậy để yên tâm sản xuất, nâng cao đời sống. Ảnh: Trần Dung

“Mình làm công nhân cạo mủ cao su đã được 12 năm. Trong suốt thời gian ấy, được sự quan tâm, giúp đỡ của Công ty nên tay nghề mình vững vàng hơn rất nhiều. Hội thi thợ giỏi thu hoạch mủ cao su được Binh đoàn 15 duy trì tổ chức 2 năm một lần có ý nghĩa, tác dụng rất tích cực, tạo được không khí vui vẻ, phấn khởi, thực sự là ngày hội tôn vinh đội ngũ công nhân thu hoạch mủ cao su. Hiện tại, mình và phần lớn lao động người dân tộc thiểu số của Công ty có thu nhập khá ổn định. Đời sống được cải thiện rất nhiều”- chị Byên- công nhân Công ty 74, Binh đoàn 15, chia sẻ.

Những biện pháp hỗ trợ, giúp người lao động dân tộc thiểu số phát triển kinh tế của Binh đoàn đã tạo nên những điểm sáng về kinh tế- xã hội; tạo niềm tin yêu, gắn bó giữa cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương, góp phần xây dựng thế trận lòng dân ngày càng vững chắc.

Trần Dung

Có thể bạn quan tâm