Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Quốc phòng

Binh đoàn 15: Quan tâm tuyển dụng lao động người dân tộc thiểu số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Binh đoàn 15 đóng quân chủ yếu trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Những năm qua, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh đoàn đã triển khai nhiều chủ trương, chính sách thu hút, tuyển dụng và giữ chân lao động người dân tộc thiểu số (DTTS) tại chỗ. Chủ trương đúng đắn này góp phần giúp đơn vị phát triển ổn định, bền vững và tạo thuận lợi cho địa phương xây dựng tiềm lực, thế trận quốc phòng-an ninh vững mạnh.
Làm công nhân có thu nhập ổn định
Anh Rơ Châm Lang (người dân tộc Jrai, làng Blu, xã Ia Tôr, huyện Chư Prông) được Công ty TNHH một thành viên Bình Dương (Binh đoàn 15) tuyển dụng vào làm công nhân từ năm 2021. Trước đó, anh là lao động tự do, thu nhập bấp bênh. Khi đợt dịch Covid-19 lần thứ tư xảy ra, anh rơi vào cảnh thất nghiệp hoàn toàn, cuộc sống rất khó khăn. Giờ đây, khi làm công nhân, anh có thu nhập ổn định hơn 7 triệu đồng/tháng. “Nếu biết làm công nhân cho Công ty Bình Dương có nhiều cái lợi, cuộc sống thay đổi như thế này thì mình đã xin vào từ sớm. Mình được đào tạo nghề, được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, khai thác vườn cây và phát triển kinh tế hộ gia đình. Các chế độ, quyền lợi về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, an toàn vệ sinh lao động… đều được Công ty bảo đảm”-anh Lang chia sẻ.
Lãnh đạo cơ quan, đơn vị thuộc Binh đoàn 15 thăm hỏi, tặng quà cho gia đình công nhân người DTTS ở xã Ia Pnôn (huyện Đức Cơ). Ảnh: Sơn Tùng
Lãnh đạo cơ quan, đơn vị thuộc Binh đoàn 15 thăm hỏi, tặng quà cho gia đình công nhân người DTTS ở xã Ia Pnôn (huyện Đức Cơ). Ảnh: Sơn Tùng
Cách đây 2 năm, chị Siu Hái (người dân tộc Jrai, làng Griêng, xã Ia Boòng, huyện Chư Prông) cũng được Trung đoàn Kinh tế-Quốc phòng 710 (Binh đoàn 15) nhận vào làm công nhân khai thác mủ cao su. Sau khi được đơn vị đào tạo tay nghề, chị nhận khoán 3,19 ha cao su, mỗi tháng thu nhập hơn 8 triệu đồng. Cùng với lương nhân viên bảo vệ Đội sản xuất 5 (Trung đoàn 710) của chồng, gia đình chị có cuộc sống khá giả so với người dân trong làng. Chị Siu Hái không giấu được niềm vui cho biết: “Trước đây, mình chỉ làm rẫy, cuộc sống chật vật lắm. Từ ngày vào làm công nhân, mình có thu nhập ổn định. Mình còn được Công đoàn, Hội Phụ nữ đơn vị hướng dẫn cách chăm sóc gia đình, nuôi dạy con cái. Mình vui lắm và sẽ gắn bó lâu dài với đơn vị”. 
Linh hoạt, sáng tạo để thu hút công nhân DTTS
Qua trao đổi, lãnh đạo các công ty, đơn vị đều khẳng định, việc ưu tiên tuyển dụng người DTTS tại chỗ vào làm công nhân là một chủ trương đúng đắn của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh đoàn 15. Đặc biệt, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, có hàng chục ngàn người từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam về Gia Lai, chủ trương này của Binh đoàn đã góp phần giải quyết việc làm cho người dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Chỉ tính riêng năm 2021, Binh đoàn đã tuyển dụng được 943 lao động, trong đó có 737 lao động người DTTS tại chỗ trên địa bàn tỉnh Gia Lai với thu nhập đạt 6,5-9 triệu đồng/người/tháng.
Lãnh đạo Công ty 715, Binh đoàn 15 và xã Ia Krai, huyện Ia Grai động viên, tặng quà cho công nhân người DTTS tại chỗ. Ảnh: Sơn Tùng
Lãnh đạo Công ty 715 (Binh đoàn 15) và xã Ia Krai (huyện Ia Grai) tặng quà cho công nhân người DTTS tại chỗ. Ảnh: Sơn Tùng
Thượng tá Thái Bá Mão-Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Trung đoàn 710-cho biết: Đơn vị đóng quân trên địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS của huyện Chư Prông. Để góp phần giải quyết việc làm, giữ vững quốc phòng-an ninh trong điều kiện khó khăn do dịch Covid-19, Đảng ủy, Chỉ huy Trung đoàn đã tiến hành nhiều biện pháp linh hoạt, sáng tạo trong tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS tại chỗ vào làm công nhân. Mọi quyền lợi, nghĩa vụ, tính chất công việc của công nhân, người lao động đều được công khai rõ ràng, nhất là chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, tiêm vắc xin phòng Covid-19, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần…
Công ty Bình Dương cũng có nhiều giải pháp hay để tuyển dụng và giữ chân người lao động DTTS tại chỗ. Thượng tá Lưu Văn Đoàn-Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Công ty-cho hay: Ngoài bảo đảm các chế độ, quyền lợi theo quy định, Công ty còn hỗ trợ đơn giá từ 5% đến 10% cho công nhân, người lao động vào những tháng đầu mùa cạo, khi lượng mủ còn ít. Đơn giá mủ tạp, mủ dây cũng được Công ty trả bằng 100% giá bán để khuyến khích người lao động thu triệt để mủ, hạn chế tối đa thất thoát sản phẩm. Bên cạnh đó, Công ty thực hiện phương án khoán, định mức kinh tế và chấm điểm kỹ thuật công khai, minh bạch; đồng thời hỗ trợ gạo, nhu yếu phẩm và đào tạo tay nghề, phân công cán bộ kỹ thuật giúp đỡ công nhân người DTTS tại chỗ mới vào làm việc.
Còn Trung tá Nguyễn Hồng Lam-Giám đốc Công ty 74 (Binh đoàn 15) nêu kinh nghiệm: Để thu hút và giữ chân người lao động DTTS tại chỗ, một mặt phải bảo đảm tốt điều kiện lao động, thu nhập cho họ. Mặt khác, Công ty quan tâm thực hiện các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ phát triển kinh tế hộ gia đình, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nếp sống văn hóa. Trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, Công ty đã trích quỹ hơn 7 tỷ đồng tặng quà cho cán bộ, công nhân, người lao động; tổ chức Chương trình “Xuân đoàn kết-Tết quân dân” tặng 1.180 suất quà và hàng ngàn chiếc bánh chưng cho người lao động DTTS tại chỗ.
SƠN TÙNG

Có thể bạn quan tâm