(GLO)- Không chỉ tạo việc làm để tăng thu nhập cho người dân, Binh đoàn 15 còn tích cực giúp các địa phương xây dựng hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên vùng biên giới.
Nhằm thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược là phát triển kinh tế và củng cố quốc phòng-an ninh trên tuyến biên giới, Binh đoàn 15 còn tập trung xây dựng địa bàn giàu về kinh tế, vững về quốc phòng-an ninh. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ này, Thượng tá Khuất Bá Cao-Bí thư Đảng ủy Binh đoàn-cho hay: “Chúng tôi luôn xác định địa phương vững mạnh thì đơn vị sẽ ổn định để thực hiện tốt nhiệm vụ. Do đó, đơn vị luôn quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công nhân người dân tộc thiểu số có trình độ, bản lĩnh, phẩm chất chính trị để tham gia vào hệ thống chính trị của địa phương”.
Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Kinh tế-Quốc phòng 710 (Binh đoàn 15) giúp người dân xã Ia Lâu, huyện Chư Prông làm hàng rào. Ảnh: Vĩnh Hoàng |
Nhờ đó, đến nay, Binh đoàn đã tạo nguồn, kết nạp được hơn 210 đảng viên là người dân tộc thiểu số. Ngoài ra, đơn vị còn chủ động phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp, ban bầu cử địa phương hiệp thương giới thiệu cán bộ của Binh đoàn tham gia ứng cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Nhiều công nhân dân tộc thiểu số không chỉ hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị mà còn đảm nhận các cương vị khác nhau tại thôn, làng. Hiện nay, Binh đoàn có 12 công nhân làm trưởng thôn, 7 người làm bí thư chi bộ ở các thôn, làng có đông người dân tộc thiểu số. Cùng với đó, nhiều người dân địa phương sau khi được tuyển chọn vào làm công nhân cũng đã nhanh chóng phát huy năng lực trở thành những cán bộ tổ, đội sản xuất gương mẫu, là cầu nối quan trọng giữa lãnh đạo, chỉ huy đơn vị với người lao động.
Anh Phan Thanh Hưởng-Đội phó Đội sản xuất số 1 (Công ty TNHH một thành viên 72) là một trong những gương sáng điển hình. Năm 1999, anh được tuyển vào làm bảo vệ tại đơn vị, sau đó làm công nhân. Bằng nỗ lực của mình, nhiều năm liền, anh được công nhận là thợ cạo mủ giỏi. Năm 2013, anh vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng. “Dù ở cương vị nào, tôi cũng luôn gần gũi lắng nghe ý kiến và giúp đỡ người dân. Mặc dù sinh hoạt chi bộ ở đội sản xuất nhưng tôi luôn gắn bó với hệ thống chính trị của xã, giúp nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ khu dân cư”-anh Hưởng cho biết.
Công nhân người Kinh và người dân tộc thiểu số kết nghĩa giúp nhau cùng phát triển (ảnh chụp trước tháng 4-2021). Ảnh: Vĩnh Hoàng |
Từ năm 2010 đến nay, Binh đoàn đã vận động hỗ trợ xây hơn 200 căn nhà cho các đối tượng chính sách; tặng hơn 120 con bò cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn; cấp phát gạo cho người dân trong thời điểm giáp hạt; tổ chức khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho hơn 10.000 lượt người. Với phương châm “Binh đoàn gắn với tỉnh, huyện; công ty gắn với huyện, xã; đội sản xuất gắn với thôn, làng”, đến nay, đã có hơn 1 ngàn hộ công nhân người Kinh gắn kết với công nhân người dân tộc thiểu số. Binh đoàn phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương thành lập 9 cụm, 255 điểm dân cư tập trung tạo vành đai vững chắc trong thế trận quốc phòng toàn dân bảo vệ nơi biên cương của Tổ quốc.
Đánh giá về những đóng góp của Binh đoàn đối với hệ thống chính trị của địa phương, ông Đinh Văn Dũng-Bí thư Huyện ủy Chư Prông-nhận xét: Hiện nay, trên địa bàn huyện có 2 đơn vị thuộc Binh đoàn 15 đứng chân. Những năm qua, các đơn vị không chỉ giải quyết việc làm cho người dân mà còn tích cực giúp đỡ địa phương xây dựng hệ thống chính trị, đặc biệt là các thôn, làng trên địa bàn biên giới. Cùng với đó, đội ngũ công nhân khi được tuyển dụng, bồi dưỡng sẽ trở thành nguồn cán bộ kế cận sau này của địa phương.
VĨNH HOÀNG