Là tỉnh Bình Phước có hơn 230 ngàn ha cao su, sản lượng đạt khoảng 270 ngàn tấn/năm, do đó Bình Phước xác định ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) vào sản xuất là tất yếu.
Vì thế, nhiều giải pháp sáng tạo cho ngành cao su đã được ứng dụng. Mới đây, anh Nguyễn Văn Lĩnh ở phường Tân Xuân, TP Đồng Xoài (tỉnh Bình Phước) đã nghiên cứu, chế tạo thành công máy bơm mủ cao su.
Từ ý tưởng…
Ngày nắng, công việc đã nặng, ngày mưa trơn trượt, công nhân, nông dân trồng cao su phải ì ạch từng bước, gồng người nâng mấy chục thùng mủ cao su đổ vào xe bồn cao ngất ngưởng.
Có lúc trượt tay đổ mủ tung tóe lên thành xe, vấy cả vào quần áo. Vậy là ý tưởng chế tạo máy bơm mủ cao su để thay sức người cứ nhen nhóm trong đầu anh nông dân Nguyễn Văn Lĩnh.
Anh Trần Bình Long (bìa phải), ấp Thuận Hải, xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú (tỉnh Bình Phước) đang sử dụng máy bơm của anh Nguyễn Văn Lĩnh để hút mủ cao su đưa lên xe bồn |
Sẵn có nghề cơ khí, năm 2019, anh Lĩnh bắt đầu nghiên cứu, sáng chế ra chiếc máy bơm mủ cao su đầu tiên. Đưa vào ứng dụng vẫn còn nhiều lỗi, anh lại đem về khắc phục, chỉnh sửa.
Anh Lĩnh cho biết, cái khó nhất trong việc sáng chế ra máy bơm mủ đó là mủ cao su thuộc loại chất lỏng có độ nhớt khá cao, tương đối đặc nên khó bơm và khả năng ăn mòn kim loại nhanh, ngoài ra mủ cao su còn có độ dính rất cao.
Do đó, khi bơm, mủ cao su dễ làm tắc nghẽn máy bơm, gây nguy hiểm cho người vận hành.
“Máy bơm này khác biệt với dòng bơm nước, nó rất khó làm, khắc phục được hiện tượng mủ cao su đông đặc, không dính cánh, kẹt cánh mới là thành công. Giờ máy bơm của mình có độ bền rất cao, gần 1 năm mới phải vệ sinh máy 1 lần” - anh Lĩnh nói.
…đến thực tiễn
Gia đình ông Nguyễn Quang Vĩnh (ấp Thuận Bình, xã Thuận Lợi, huyện Đồng Phú) làm nghề thu mua mủ cao su hơn 10 năm nay.
Trung bình mỗi ngày, hộ ông mua hơn 10 tấn mủ. Trước đây, để vận chuyển mủ lên xe bồn đưa đi tiêu thụ, ông phải thuê 3 công nhân đổ mủ vào phuy, sau đó dùng ròng rọc cẩu lên mới đưa vào bồn được, vừa mất thời gian lại tốn công.
Năm 2020, được người quen giới thiệu, ông mua máy bơm của anh Lĩnh. Giờ chỉ cần đặt máy bơm ở dưới đáy bể, bật cầu dao là bơm được mủ lên xe bồn, vừa nhanh gọn, sạch sẽ lại chỉ tốn 1 nhân công.
Ông Vĩnh cho biết: “Trước đây, để đưa 2.000 lít mủ lên xe bồn phải mất 40 phút nhưng giờ có máy bơm này thì chỉ cần 6 phút là bơm xong”.
Anh Trần Bình Long (ấp Thuận Hải, xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú) cũng làm nghề mua mủ cao su được 8 năm. Trung bình mỗi ngày, anh Long mua tới 40 tấn mủ.
Để vận chuyển số mủ này, anh phải thuê 7 người làm. Năm 2019, khi anh Lĩnh chế tạo máy bơm mủ đầu tiên thì anh Long đã mua về sử dụng nhưng máy vẫn còn nhiều hạn chế, công suất lại thấp.
Năm 2021, anh mua chiếc máy thứ 2, công suất lớn hơn, ưu việt hơn, chỉ cần vài phút bật máy bơm là hút được 1 tấn mủ. Vì vậy, nhân công của anh giờ chỉ cần 4 người kể cả lái xe.
Máy bơm mủ cao su của anh Nguyễn Văn Lĩnh có nhiều công suất, tùy theo điều kiện có thể sử dụng điện hoặc xăng để chạy máy.
Đến nay, chiếc máy bơm đã hoàn thiện và được nhiều khách hàng đón nhận. Từ năm 2009 đến nay, anh Lĩnh bán được hơn 200 máy bơm mủ cao su cho nhiều công ty, nông trường cũng như người dân trong và ngoài tỉnh.
Hiện anh Lĩnh đã gửi đơn đăng ký bảo hộ sáng chế “Thiết bị dùng để bơm chất lưu có độ nhớt” và được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) chấp nhận đơn. Chỉ sau một thời gian nữa nếu không có ai tranh chấp về sản phẩm này thì “Thiết bị dùng để bơm chất lưu có độ nhớt” trong máy bơm mủ cao su của anh Nguyễn Văn Lĩnh sẽ được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng sáng chế. Anh Lĩnh cho biết, khi được cấp bằng sáng chế anh sẽ sản xuất đại trà và thương mại hóa sản phẩm rộng rãi hơn. |
Theo Hiền Lương (Báo Bình Phước/Dân Việt)