Xã hội

Đời sống

Bình xét danh hiệu văn hóa: Thực chất, khách quan

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Thời điểm này, Ban Chỉ đạo (BCĐ) phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” các cấp đang tiến hành đánh giá, bình xét các danh hiệu. Phương châm mà các địa phương ở Gia Lai quán triệt thực hiện là phát huy dân chủ, đảm bảo tính công khai, minh bạch và thực chất.

Ông Nguyễn Thanh Sơn (thôn Tân Phong, xã Tân An, huyện Đak Pơ) rất phấn khởi khi đợt bình xét này gia đình vẫn giữ vững danh hiệu “Gia đình văn hóa”. “Hàng năm, đại diện các hộ dân trong thôn đăng ký danh hiệu “Gia đình văn hóa”. Gia đình tôi cũng như các hộ khác trong thôn cùng phấn đấu xây dựng nếp sống gia đình, thôn xóm lành mạnh, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần”-ông Sơn cho biết.

Trao danh hiệu gia đình văn hóa tiêu biểu cho các hộ dân ở thôn Tân Phong, xã Tân An, huyện Đak Pơ. Ảnh: M.K

Trao danh hiệu gia đình văn hóa tiêu biểu cho các hộ dân ở thôn Tân Phong, xã Tân An, huyện Đak Pơ. Ảnh: M.K

Theo ông Nguyễn Văn Trọng-Trưởng thôn Tân Phong: Thôn có 321/371 hộ được công nhận “Gia đình văn hóa” năm 2022. “Để tiếp tục giữ vững và phát huy các danh hiệu văn hóa, chúng tôi nỗ lực làm tốt công tác tự quản trong cộng đồng dân cư thông qua việc thực hiện hương ước, quy ước; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến cách làm hay, sáng tạo trong phát triển kinh tế gia đình để nhân rộng trong thôn. Trước khi tiến hành bình xét danh hiệu văn hóa, thôn tổ chức họp để đánh giá kết quả phấn đấu xây dựng gia đình văn hóa của từng hộ và bình xét công khai, dân chủ theo quy định”-ông Trọng cho biết.

Những năm qua, cùng với phong trào xây dựng đời sống văn hóa, chất lượng các danh hiệu văn hóa ở xã Tân An không ngừng nâng cao. Chủ tịch UBND xã Lê Kim Ngọc cho hay: “Căn cứ các quy định về xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn văn hóa”, xã đã chủ động xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng các danh hiệu, đảm bảo nguyên tắc trung thực, khách quan, công khai, công bằng, chính xác và thực hiện trên cơ sở tự nguyện; chỉ xét tặng khi các hộ gia đình, khu dân cư có đăng ký tham gia và đảm bảo theo thang bảng điểm đúng quy định”.

Việc nâng cao chất lượng công tác bình xét, đánh giá các danh hiệu văn hóa cũng được xã Ia Kênh (TP. Pleiku) quan tâm thực hiện. Theo đó, toàn xã có 1.004/1.021 hộ đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, tất cả 7 khu dân cư đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu khu dân cư văn hóa trong năm 2023. “Chúng tôi đặc biệt chú trọng đến công tác hướng dẫn, triển khai bình xét gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa. Căn cứ vào các tiêu chí cụ thể, thành viên BCĐ được phân công phối hợp tuyên truyền, thường xuyên sâu sát địa bàn để báo cáo kết quả thực hiện phong trào về BCĐ xã biết, có biện pháp chỉ đạo, tháo gỡ kịp thời”-Phó Chủ tịch UBND xã Lê Quang Toản thông tin.

Ông Nguyễn Xuân Hà-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin TP. Pleiku-khẳng định: Thành phố xác định công tác bình xét các danh hiệu văn hóa phải đi vào thực chất, thực hiện chặt chẽ, công khai, dân chủ, căn cứ đúng tiêu chí đã được đưa ra, tạo động lực để người dân phấn đấu thực hiện. Trong năm 2023, toàn thành phố có 54.971/55.392 hộ đăng ký xây dựng gia đình văn hóa. Sau khi đăng ký, người dân được tuyên truyền và nắm vững các tiêu chí để thực hiện; các tiêu chí bình xét danh hiệu nếp sống văn hóa phải được thống nhất với việc thực hiện nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; trong đó, các tiêu chí, tiêu chuẩn bình xét phải theo các quy định cụ thể. Kết quả đạt được góp phần quan trọng vào việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc, thúc đẩy kinh tế-xã hội của địa phương phát triển.

Việc đánh giá, bình xét các danh hiệu văn hóa được các cấp thực hiện theo tiêu chí minh bạch, khách quan. Ảnh: Mai Ka

Việc đánh giá, bình xét các danh hiệu văn hóa được các cấp thực hiện theo tiêu chí minh bạch, khách quan. Ảnh: Mai Ka

“Thành phố luôn đổi mới biện pháp, quy trình bình xét các danh hiệu theo hướng nâng cao về chất lượng. Công tác bình xét phải căn cứ vào việc chấp hành các quy định của địa phương, việc chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước… Các phòng, ban chức năng phối hợp tiến hành thẩm tra kết quả bình xét tại thôn, làng, tổ dân phố nhằm đảm bảo công tác bình xét các danh hiệu thực sự nâng cao về chất lượng, đảm bảo 100% thôn, làng, tổ dân phố đều tổ chức bình xét theo đúng quy trình, công khai, dân chủ”-ông Hà cho biết.

Là thành viên BCĐ phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” của tỉnh, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh và cơ quan thành viên tham mưu xây dựng chương trình kế hoạch thực hiện quản lý nhà nước, tổ chức thi đua khen thưởng các danh hiệu: gia đình văn hóa; khu dân cư văn hóa; phường, thị trấn, thị xã, thành phố đạt chuẩn đô thị văn minh. Đồng thời, triển khai hướng dẫn, theo dõi UBND các huyện, thị xã, thành phố ban hành quy chế tổ chức các hoạt động của BCĐ phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở địa phương.

Để công tác bình xét danh hiệu văn hóa đảm bảo chất lượng, cả hệ thống chính trị cùng tham gia, nhất là tăng cường tuyên truyền giúp người dân hiểu rõ các nội dung xây dựng gia đình văn hóa, tiêu chí chấm điểm, quy trình bình xét và đổi mới về biện pháp công nhận các danh hiệu là điều kiện tiên quyết. Các khu dân cư, thôn, làng, tổ dân phố tổ chức bình xét thi đua xây dựng nếp sống văn hóa gắn với Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc hàng năm; đồng thời, tôn vinh các gia đình văn hóa tiêu biểu nhằm tạo sức lan tỏa trong cộng đồng; thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương, góp phần xây dựng một xã hội văn hóa, an toàn, lành mạnh, hạnh phúc.

Có thể bạn quan tâm