Du lịch

Bình yên chiều sông Ba

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ bao đời, người J'Rai vùng thung lũng Ayun Pa, tỉnh Gia Lai đã gắn bó với dòng sông vào hàng lớn nhất Tây Nguyên- sông Ba. Con sông tắm mát, nuôi dưỡng bao thế hệ, trở thành nguồn sống của cư dân một vùng .
Nhìn từ xa, sông Ba qua địa phận xã Blôm (Kim Tân, Ia Pa) như một dải lụa vắt ngang sườn núi. Ảnh: Vũ Thị Chi
Nhìn từ xa, sông Ba qua địa phận xã Blôm (Kim Tân, Ia Pa) như một dải lụa vắt ngang sườn núi. Ảnh: Vũ Thị Chi
Sông Ba mùa này hiền hòa, không chảy xiết, không đỏ nặng phù sa bãi bồi mà trong vắt, lững lờ trôi, cuốn theo những hòn cuội nhỏ trắng phau dưới đáy. Và như bao đời, bên sông mỗi chiều đều diễn ra cảnh người dân đi gùi nước ăn, tắm táp, giặt giũ..., khung cảnh thật thanh bình nhưng cũng không kém phần sinh động.
Tầm 17 giờ, người dân thôn Blôm (xã Kim Tân, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) lại lũ lượt theo nhau ra sông. Nhiều người vục mặt xuống dòng nước mát rửa trôi bụi bặm sau một ngày làm việc vất vả, mệt nhọc, tận hưởng cảm giác khoan khoái dễ chịu lan tỏa khắp cơ thể. Bọn trẻ thỏa sức đùa vui, bơi lội, té nước vào nhau, tiếng cười nói vang động cả một khúc sông. 
Mọi sinh hoạt tắm rửa, giặt giũ, lấy nước uống…đều diễn ra bên sông. Ảnh: Vũ Thị Chi
Mọi sinh hoạt tắm rửa, giặt giũ, lấy nước uống…đều diễn ra bên sông. Ảnh: Vũ Thị Chi
Dòng nước trong vắt hiền hòa, mải miết trôi. Các bà, các mẹ tay bới cát, đào thành những cái hố, chậm rãi đợi nước rỉ ra, chắt lấy vào những can, bầu, lọ. Từng bầu nước, can nước mát lành xếp gọn gàng trong gùi, thành quả có khi mất cả giờ đồng hồ nhưng tuyệt nhiên không có gì là gấp gáp, vội vàng. 
Các bà, các mẹ bới cát, đào sẵn những cái hố sâu, rộng trên bãi cát bồi giữa lòng sông chờ cho nước rỉ xuống múc đem về dùng. Ảnh: Vũ Thị Chi
Các bà, các mẹ bới cát, đào sẵn những cái hố sâu, rộng trên bãi cát bồi giữa lòng sông chờ cho nước rỉ xuống múc đem về dùng. Ảnh: Vũ Thị Chi
Một đoạn sông khác, nhiều bà, nhiều chị vừa chuyện trò vừa giặt giũ. Quần áo, tấm đắp, váy, khố ngâm xà phòng rồi được vo tròn, đập lên những tảng đá nhẵn bóng làm tung  bọt trắng xóa. Các mẹ chỉ ra rằng giặt đồ như vậy quần áo ít bị sờn rách, bền màu mà rất sạch. Không chút vất vả, các mẹ, các chị thực hành thuần thục, đơn giản đến lạ kỳ.
Không kể người già hay trẻ nhỏ, ai ai cũng vục đầu xuống dòng sông mát lành mà tắm. Ảnh: Vũ Thị Chi
Không kể người già hay trẻ nhỏ, ai ai cũng vục đầu xuống dòng sông mát lành mà tắm. Ảnh: Vũ Thị Chi
Bãi bồi giữa lòng sông, ngoài là chỗ đào hố lấy nước của bà con thì còn là địa điểm lý tưởng cho đám nhỏ chơi đùa. Chị H’ Ngoanh nói: "Trong làng cũng có giếng nước sạch nhưng bọn trẻ không thích. Chúng thích ở đây hơn, vừa chơi vừa tắm thỏa thích".
Bãi cát bồi giữa lòng sông, còn là địa điểm cho mấy đứa nhỏ chơi đùa. Chúng thoải mái lăn lộn trên cát, đứa nọ nằm trên lưng đứa kia ngắm ánh mặt trời đang từ từ khuất sau dãy núi .Ảnh: Vũ Thị Chi
Bãi cát bồi giữa lòng sông, còn là địa điểm cho mấy đứa nhỏ chơi đùa. Chúng thoải mái lăn lộn trên cát, đứa nọ nằm trên lưng đứa kia ngắm ánh mặt trời đang từ từ khuất sau dãy núi .Ảnh: Vũ Thị Chi
Những bến nước ven sông cũng là địa điểm lý tưởng cho những chuyến trải nghiệm, những cuộc pic-nic. Nhiều người chở con cái, rủ thêm bạn bè ra sông tắm mát, tận hưởng thiên nhiên, không khí trong lành. Đưa mắt quan sát  hai con nhỏ ngụp lặn, chơi đùa, anh Lê Chí Tường (xã Ia Ma Rơn) chia sẻ: “Trời nắng nóng thế này, được ngâm mình dưới dòng nước trong vắt, mát lành thì chẳng còn gì sung sướng bằng”.
Chỉ đến khi mặt trời khuất hẳn nhường chỗ cho bóng đêm mọi người mới lần lượt ra về, để rồi ngày mai không hẹn lại gặp nơi bến sông quê. Ảnh: Vũ Thị Chi
Chỉ đến khi mặt trời khuất hẳn nhường chỗ cho bóng đêm mọi người mới lần lượt ra về, để rồi ngày mai không hẹn lại gặp nơi bến sông quê. Ảnh: Vũ Thị Chi
Mọi hoạt động diễn ra như đã có sự chuẩn bị từ trước. Chỉ  khi mặt trời khuất hẳn nhường chỗ cho bóng đêm, mọi người mới lần lượt ra về, để rồi ngày mai không hẹn lại gặp nơi bến sông quê.
Vũ Thị Chi 

Có thể bạn quan tâm