Xã hội

Bình yên làng Lơ Pơ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Nằm sâu giữa đại ngàn Trường Sơn, làng Lơ Pơ (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn còn giữ vẻ bình yên đến lạ. Để vào được làng, du khách phải men theo nhiều đoạn đường đất uốn lượn rồi vượt qua những con đường mòn vắt vẻo giữa đồi núi quanh co.

Chọn ngày đẹp trời, tôi xuôi về miền Kông Chro, nơi “còn đậm chất Bahnar nhất trong các vùng Bahnar”, như nhiều nhà nghiên cứu văn hóa đã từng nhận định. Và, điểm dừng chân của tôi là làng Lơ Pơ, xã Chư Krêy.

Cách trung tâm xã Chư Krêy chừng 7 km nhưng Lơ Pơ vẫn giữ khá nguyên vẹn sắc thái riêng có của làng. Ngoài phong tục, tập quán và các lễ hội gắn liền với tinh thần đoàn kết dân tộc, Lơ Pơ còn có những tập tục khá độc đáo như việc làm hình nhân canh giữ làng. Vẻ bình yên của làng Lơ Pơ dưới nắng mùa khô hiện ra thật đơn sơ, mộc mạc. Những nếp nhà sàn dẫu không còn xưa cũ như thuở lập làng, đường dẫn vào các lối ngõ không còn gồ ghề đá núi nhưng bếp lửa giữa nhà của người Bahnar thì chưa bao giờ lụi tắt.

Người làng cho biết, theo truyền thống, bà con Bahnar ở Chư Krêy sống quây quần thành từng làng nhỏ, mỗi làng có chừng 50-60 nóc nhà. Mỗi làng đều có ranh giới nhất định, tách biệt với làng khác. Ranh giới giữa các làng thường là cổng ra vào. Làng nằm trên triền đồi nhưng không quá dốc, bao quanh bởi thác nước và cây ối um tùm. Mỗi làng thường có chiếc cổng chính án ngữ đường đi thường quay về phía trước cửa rừng, được bảo vệ cẩn thận, hai bên có 2 hình nhân làm nhiệm vụ giữ làng, bảo vệ sự bình yên cho người dân.

Đường vào làng Lơ Pơ. Ảnh: N.T.D

Đường vào làng Lơ Pơ. Ảnh: N.T.D

Để làm hình nhân giữ làng, bà con chọn ngày và lấy ý kiến để nhận được sự thống nhất của cộng đồng. Sau đó, làng sẽ phân công người vào rừng chặt các loại cây như tre, lồ ô, mây về làm cung tên, kiếm. Tất cả hình nhân đều được mặc áo quần và cố định trên một cây gỗ chắc chắn. Hình nhân được thể hiện trên khúc gỗ là một người đàn ông có chân, đôi tay liền vào thân. Dù đơn giản, nguyên liệu dễ tìm, được làm thủ công nhưng hình nhân giữ làng lại có ý nghĩa đặc biệt đối với mỗi người con của cộng đồng Bahnar. Không chỉ đơn thuần là sản phẩm mang tính tín ngưỡng dân gian, hình nhân còn thể hiện tinh thần đoàn kết, ý chí, quyết tâm bảo vệ làng.

Già làng Đinh Ngút (68 tuổi) cho hay: Từ xa xưa tới nay, làng luôn gìn giữ tập tục tốt đẹp này. Việc duy trì hình nhân giữ làng không chỉ là hình thức trang trí mà ông bà để lại, nó còn có khả năng xua đuổi ma quỷ. Soi vào đó, người làng biết ai trong làng có cái bụng xấu, cái tâm không trong sáng. Khi người xấu nhìn vào hình nhân sẽ cảm thấy lo lắng, cảm giác bất an và có lẽ không dám đặt chân tới làng. Người nơi khác khi đến làng, thấy có hình nhân canh giữ, cũng phải có sự kiêng dè, nể trọng. Vì thế, hình nhân giữ làng được xem là một biểu tượng thiêng liêng vững bền và đã ăn sâu vào tiềm thức của bao thế hệ.

Người dân làng Lơ Pơ vẫn sống theo phương thức tự cung, tự cấp là chính nên vẫn duy trì các tập tục do ông bà để lại. Theo chị Đinh Thị Drơm, ngoài việc làm hình nhân giữ làng, người Bahnar nơi đây còn làm hình cây để bên cạnh chuồng nuôi gia súc. Khi bắt đầu chăn nuôi, bà con làm lễ cúng cho gia súc khỏi bị dịch bệnh. Trong lễ cúng, người dân cầu cho vật nuôi khỏe mạnh, mau lớn. Sau đó, họ vào rừng chặt cây lồ ô tạo thành thế 3 kiềng đứng vững. Trên cây cố định bằng cung tên tự tạo, để ngay cạnh chuồng. Cứ thế, hình cây song hành cùng vật nuôi cho đến khi nào gia chủ không nuôi nữa.

Dạo bước quanh làng, tôi mới thấy hết vẻ hồn hậu, chất phác của người dân nơi đây. Bao đôi mắt trong veo như muốn thôi thúc tôi tiếp tục hành trình khám phá về sắc màu núi đồi. Ánh chiều dần buông trên cổng làng-nơi có 2 hình nhân như lời chào tạm biệt khép lại một ngày bình yên ở làng Lơ Pơ. Chỉ một thời gian ngắn dừng chân ở ngôi làng nhỏ thôi, nhưng với tôi, gần như trở thành một mảnh ghép rưng rưng trong hành trình khám phá đời sống của cộng đồng người Bahnar nơi đây.

Có thể bạn quan tâm