Gian lận khí thải, dễ bị cháy,... liên tục các vụ bê bối gần đây khiến sự tin tưởng vào ô tô Đức của nhiều khách hàng đã không còn nguyên vẹn. Uy tín, sức mạnh thương hiệu trăm năm của xe Đức phải chăng đang bị bào mòn?
Liên tiếp sự cố
Năm 2015, bắt đầu giai đoạn “đen tối” của ngành công nghiệp ô tô Đức khi Volkswagen bị phanh phui vì sử dụng phần mềm để gian lận khí thải. Cụ thể, một phần mềm được cài đặt trên xe của Volkswagen có khả năng nhận biết, khi nào xe đang bị kiểm tra trên máy thử, bật phần mềm này lên khiến mức khí thải được cắt giảm đáng kể, nhằm qua mặt các cơ quan chức năng. Volkswagen đã làm cả thế giới chấn động khi thừa nhận có đến 11 triệu xe được cài phần mềm gian lận khí thải, bán ra tại các thị trường như Mỹ, châu Âu và Úc.
Khí thải là tiêu chí quan trọng mà các hãng ô tô phải đáp ứng khi sản xuất và bán xe tại Mỹ, châu Âu và Úc - những nơi có chuẩn môi trường hàng đầu thế giới. Khi đó, các hãng phải sử dụng động cơ giảm khí thải, dẫn tới chi phí tăng. Volkswagen đã đưa công nghệ vào để tạo ra kết quả thử nghiệm khác thực tế mà không tốn chi phí sản xuất.
Rất nhiều xe Mercedes bị triệu hồi vì cháy nghi do động cơ |
Từ bê bối khí thải hai năm trước, mức độ tin tưởng của khách hàng với xe Đức đã không còn nguyên vẹn. Vụ bê bối khí thải đã khiến Volkswagen phải hứng chịu những hậu quả nghiêm trọng. Không những thế, danh sách các công ty có hành vi gian lận khí thải, ngày càng dài thêm, đang làm hoen ố hình ảnh của ngành công ô tô Đức, vốn nổi tiếng với các sản phẩm có chất lượng, xanh và sạch.
Cơ quan chống độc quyền ở châu Âu cho biết, đang xem xét những cáo buộc cả Daimler và BMW thông đồng để giữ giá các công nghệ quan trọng, bao gồm cả các thiết bị phát thải. Cáo buộc mới nổi lên gần đây, khi trên thực tế, những chiếc xe Đức bán ra ở châu, có mức ô nhiễm cao hơn so với các bài kiểm tra.
Tai tiếng về gian lận khí thải chưa đi qua, thì những chiếc xe sang dễ cháy bị cấm chạy ra đường lại như “thêm dầu vào lửa”, làm ảnh hưởng tới tên tuổi ngành công nghiệp ô tô Đức.
BMW - hãng xe sang của Đức - đang đối mặt với khủng hoảng truyền thông nghiêm trọng tại xứ Kim chi sau hàng loạt vụ cháy xe xảy ra. Từ đầu năm đến nay, có 39 chiếc BMW ở Hàn Quốc bốc cháy nghi do động cơ. Chính phủ Hàn Quốc mới đây vừa ban hành lệnh cấm lưu thông hàng nghìn chiếc xe BMW tại nước này. Tháng trước, BMW cũng triệu hồi hơn 100.000 xe, đồng thời thực hiện các biện pháp kiểm tra khẩn cấp. Nguyên nhân là do hệ thống tuần hoàn khí thải có vấn đề.
Tại châu Âu, BMW cũng ra thông báo triệu hồi hơn 300.000 xe với nguyên nhân tương tự. Đây là sự cố khá nghiêm trọng, đang tác động mạnh tới thương hiệu BMW danh tiếng.
Chính phủ Hàn Quốc vừa ban hành lệnh cấm lưu thông hàng nghìn chiếc xe BMW tại nước này |
Giữa năm 2017, tập đoàn mẹ của thương hiệu Mercedes-Benz là Daimler AG đã phải công bố triệu hồi trên toàn thế giới, các mẫu xe thuộc các dòng Mercedes-Benz C-Class, E-Class, CLA, GLA và GLC sản xuất từ năm 2015 tới 2017. Nguyên nhân là có nguy cơ bị cháy do lỗi quá nhiệt ở bộ phận khởi động, có thể dẫn đến cháy nổ.
Công nghiệp ô tô Đức đi xuống?
Sau bê bối khí thải, độ tin cậy của khách hàng cũng giảm theo khi nhiều hãng xe Đức liên tiếp phải triệu hồi sản phẩm liên quan tới những lỗi nguy hiểm. Nhiều người đặt vấn đề, có phải ngành công nghiệp ô tô Đức đang đi xuống?
Theo chuyên gia Nguyễn Minh Đồng, từng làm việc tại tập đoàn Volkswagen, không phải tự nhiên mà công nghiệp ô tô Đức được cả thế giới khâm phục. Ngoài yếu tố công suất cao, thiết kế sang trọng, mỗi một chiếc xe Đức đều chứa đựng những kỹ thuật tiên tiến nhất. Tuy nhiên, khoảng cách về công nghệ ô tô trên thế giới đang được thu hẹp. Các mẫu xe Mỹ, Nhật, Hàn ngày càng tiên tiến hơn để đối đầu với Đức, và mỗi nước lại có những bí quyết công nghệ riêng.
Điều này đã tác động đến công nghiệp ô tô Đức. Giảm giá thành để tăng tính cạnh tranh được các hãng xe Đức tính tới. Để làm vậy, các hãng xe cũng gia tăng áp lực, yêu cầu đối tác hạ giá linh kiện cung ứng với giá rẻ hơn bao giờ hết. Kết quả có thể thấy, chất lượng một số mẫu xe đang đi xuống, cùng với đó là những bê bối nghiêm trọng liên quan tới an toàn và khí thải.
Nhiều hãng xe đối mặt với sự cố gian lận khí thải, không riêng gì xe Đức |
Mới đây nhất, tạp chí uy tín WardsAuto (Mỹ) vừa công bố danh sách 10 động cơ ô tô tốt nhất năm 2018. Đáng chú ý, không có cái tên nào đến từ Đức lọt vào danh sách này. Trong khi Honda và Ford giành tới hai vị trí trong top 10 và Kia lần đầu tiên được xướng tên. Còn Jaguar và Infiniti là hai thương hiệu xe sang hiếm hoi xuất hiện trong giải thưởng này.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, người Đức thường đổi mới và luôn đi đầu trong việc áp dụng những công nghệ mới vào ô tô. Vì vậy, họ chấp nhận sử dụng các công nghệ ít được kiểm chứng hơn để giữ vị trí tiên phong.
Khách hàng sẽ không thấy nhiều công nghệ đột phá trong những chiếc xe của Nhật như xe Honda Accord hay Toyota Camry. Người ta chỉ thấy những công nghệ cao cấp sử dụng trên xe Đức và áp dụng trên xe Nhật nhiều năm sau đó. Xe Đức tinh vi và phức tạp, có nhiều chi tiết hơn, nên dễ bị lỗi là điều khó tránh khỏi.
Còn gian lận khí thải, đến nay không chỉ là “sản phẩm riêng” của các hãng xe Đức nữa mà đã lan sang cả xe Nhật. Một loạt thương hiệu như Nissan, Subaru, Mazda, Suzuki,... đã thừa nhận gian lận khí thải và gửi thư xin lỗi khách hàng.
Trần Thủy (Vietnamnet)