Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Bơ Chăk hôm nay

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hơn 5 năm trước, cơn “gió độc” mang tên tà đạo “Hà Mòn” tràn qua làng Bơ Chăk (xã Hà Ra, huyện Mang Yang). Những đứa con của làng vì mê muội nghe lời kẻ xấu đã gây ra biết bao phiền muộn khiến ngôi làng nhỏ này trở nên buồn hiu hắt. Thế nhưng, sau những tháng ngày giông bão, giờ đây, họ đã nhận ra lỗi lầm, trở về chung sức xây dựng làng Bơ Chăk trở thành làng văn hóa…

 Già Ger (thứ ba từ trái qua). Ảnh: L.A
Già Ger (thứ ba từ trái qua). Ảnh: L.A

1. Chúng tôi tìm đến làng Bơ Chăk, nơi mà trước kia người ta vẫn thường gọi là “làng Hà Mòn”. Ở đây, từ năm 2010 đến 2013, chỉ có hơn 40 nóc nhà nhưng đã có phân nửa trong số đó mê muội nghe kẻ xấu xúi giục đi theo tà đạo “Hà Mòn”. Đàn ông thì một số bỏ trốn vào rừng; đàn bà, trẻ nhỏ ở lại suốt ngày đóng cửa im ỉm nên làng Bơ Chăk trở nên buồn cô quạnh. Trong những ngày tháng ấy, cứ chiều đến, thi thoảng người ta vẫn bắt gặp hình ảnh của những người vợ dắt con lần mò ra phía bìa rừng đứng đợi chồng, đợi cha rồi thơ thẩn trở về trong nỗi buồn hiu hắt. Theo chỉ dẫn của Trung úy Nguyễn Thế Cường-cán bộ Đội An ninh Công an huyện Mang Yang, men theo con đường bê tông được xây dựng theo chương trình nông thôn mới, chúng tôi tìm đến những gia đình có người đã một thời lầm đường, lạc lối. Là cán bộ đã từng ăn, ngủ ở làng nên Trung úy Cường biết rõ từng con người, từng ngôi nhà ở làng Bơ Chăk mà theo lời anh nói cũng lắm chuyện... ly kỳ.

Sự tò mò từ những lời chỉ dẫn của Trung úy Cường đã thúc giục chúng tôi tìm đến nhà ông Ger-già làng Bơ Chăk. Già Ger là người hiểu rõ nhất về những tháng ngày “giông bão” nơi đây vì ông cũng từng có những ngày tháng mê muội nghe lời kẻ xấu đi theo  tà đạo “Hà Mòn” rồi bỏ làng trốn vào rừng. Trong ngôi nhà sàn nép mình bên rẫy bời lời, già Ger tiếp chúng tôi bằng nụ cười sảng khoái. Ở tuổi 70, ông cho rằng mình không còn nhiều sức khỏe để phụ con cháu việc nương rẫy nhưng việc làng thì ông còn lo được. Không phải vì tham công, tiếc việc mà đây cũng là cách để ông trả nợ ân tình với dân làng Bơ Chăk… Đoạn ông kể: Vào năm 2010, Y Gyin từ tỉnh Kon Tum xuống làng Bơ Chăk nói về việc thấy Đức mẹ Maria hiện hình, rồi nói rằng “Đức mẹ nhập vào” để “đẻ” ra một tôn giáo mới của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Ai theo Y Gyin thì mọi nợ nần về vật chất và tinh thần đều được xóa, ốm đau không uống thuốc cũng khỏi bệnh… Cũng chẳng nhớ hết được những lời Y Gyin nói nhưng nghe vậy, ông và nhiều người trong làng đã tin theo. Thế là cứ đến ngày 10 Dương lịch-ngày “chính lễ” của “đạo Hà Mòn”, gần trăm con người, già, trẻ, lớn, bé chen chúc nhau ngồi gật gù, miệng lẩm bẩm nguyện cầu “đức mẹ”. Thứ giáo lý mà đến tận giờ khi ngẫm lại ông cũng không hiểu nó hướng về đâu nhưng đã làm cho dân làng mê muội để rồi từ những con chiên ngoan đạo, họ lần lượt từ bỏ nhà thờ để theo tà đạo “Hà Mòn”.

2. Sau khi bị chính quyền phát hiện và tuyên truyền, vận động, những người tin theo tà đạo “Hà Mòn” lại như những kẻ vô hồn luôn lẩn tránh; số khác bị xúi giục rồi bỏ nhà, bỏ làng trốn vào rừng để chờ đợi một “phép màu” và già Ger cũng nằm trong số đó. Nhắc lại hơn 7 tháng lầm lũi trốn trong rừng (đi từ tháng 3-2012), giọng già Ger chùng xuống: “Phép màu chẳng thấy đâu, chỉ thấy những tháng trốn ở rừng, hầu như ngày nào cũng ăn mì tôm sống, uống nước suối để cầm hơi. Những đêm mưa gió, nằm co ro trên chiếc võng rồi phủ áo mưa lên cho khỏi ướt mà không dám đốt lửa sưởi ấm vì sợ bị phát hiện. Có nhiều đêm, nghe tiếng lá cây xào xạc cũng  giật mình. Thấm nỗi khổ cực, tôi cũng muốn từ bỏ nhưng lại bị một số kẻ xấu dọa sẽ bị đi tù nên không dám về làng. Nếu không được các cán bộ phát hiện đưa về thì có lẽ tôi đã bỏ xác giữa rừng hoang…”.
 
Tháng 10-2012, già Ger được Công an huyện Mang Yang đưa về làng trước những ánh mắt tò mò của dân làng Bơ Chăk. Họ nghĩ, chắc đợt này già Ger phải ngồi tù vì theo tà đạo “Hà Mòn”. Họ cũng muốn biết Lưn (con trai ông), Liu, Hminh và Chôm những người bỏ làng theo ông trốn ra rừng bây giờ ra sao, có về với ông đợt này không. Bao nhiêu hoài nghi, lo lắng của dân làng Bơ Chăk được xua tan khi nghe các cán bộ huyện Mang Yang nói rằng già Ger đã nhận ra sai lầm của mình nên sẽ được về với gia đình, với dân làng. Tin già Ger trở về và vẫn bình yên như cơn gió mát lan nhanh khắp làng Bơ Chăk và chẳng mấy chốc đến được tai của Lưn, Liu, Hminh và Chôm. Để rồi không lâu sau đó, dân làng Bơ Chăk lại tiếp tục lần lượt đón những “người con lưu lạc” trở về.

Trở về làng sau những tháng ngày khổ cực, được sự giải thích của chính quyền, già Ger hiểu ra bản chất của tà đạo “Hà Mòn”. Như để chuộc lại những lỗi lầm, già Ger tự nguyện tham gia tích cực cùng với chính quyền đi vận động những người vẫn tin vào tà đạo “Hà Mòn” từ bỏ để quay về với cuộc sống bình thường. Trong các buổi họp làng, nhiều lần ông đã khóc khi lấy chính những sai lầm của bản thân mình để nói với bà con dân làng về những ngày khổ cực, về âm mưu, thủ đoạn lừa bịp của các đối tượng xấu. Như được cởi bỏ nút thắt của sự mặc cảm, những người từng lầm lỗi như Lưn, Hminh, Chôm… cũng đứng ra nói lên sự thật về sự lừa dối của tà đạo “Hà Mòn”. “Mưa dầm thấm lâu”, với sự nỗ lực của chính quyền huyện, tỉnh và cả những người như già Ger mà ngày 30-10-2014, tà đạo “Hà Mòn” đã bị xóa bỏ hoàn toàn khỏi Bơ Chăk, dân làng lại trở về cuộc sống bình yên vốn có.

3. Sa cơ mới thấu tình làng, trở về với cuộc sống thường nhật, già Ger cùng những người lầm lỗi quyết tâm làm lại từ nơi vấp ngã. Nỗ lực hòa nhập vào cuộc sống, vào các hoạt động của làng để chuộc lại lỗi lầm của già Ger không chỉ được dân làng bỏ qua mà ông còn được bà con tin yêu bầu làm già làng Bơ Chăk vào năm 2015: “Không chỉ riêng tôi đâu, ở làng này còn có Dyinh ngày xưa cũng theo tà đạo “Hà Mòn” nhưng sau đó nhận ra sai lầm mà từ bỏ để bây giờ được dân làng bầu làm Trưởng thôn đấy…”-già Ger cười tươi.

 

Bơ Chăk hôm nay
Bơ Chăk hôm nay. Ảnh: Lê Anh

Sau khi đã vượt qua những tháng năm giông bão, làng Bơ Chăk bước vào giai đoạn “tái thiết”. “2 năm qua, được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, dân làng mình đã biết trồng cà phê, hồ tiêu, chanh dây để phát triển kinh tế gia đình nên cuộc sống cũng đã khấm khá hơn nhiều. Không chỉ có vậy, bây giờ trong tư tưởng của bà con cũng có nhiều sự đổi mới, không còn các hủ tục, ai nấy đều nỗ lực xây dựng làng theo những tiêu chí nông thôn mới…”-Trưởng thôn Dyinh nói như khoe. “Qua cơn mưa, trời lại sáng”, với những thay đổi vượt bậc sau 2 năm trở lại cuộc sống thanh bình, Bơ Chăk vừa được huyện Mang Yang công nhân là làng văn hóa trong niềm hân hoan và tự hào khôn tả của dân làng.

 Lê Anh

Có thể bạn quan tâm