Đô thị

Bộ Chính trị đồng ý Hà Nội thí điểm mô hình chính quyền đô thị

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Ngày 19-11, tại hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội, Phó bí thư Thường trực Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, Bộ Chính trị đã ban hành kết luận, đồng ý với nhóm kiến nghị của Thành ủy Hà Nội tại buổi làm việc ngày 20-10.
 

Hội nghị Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ 11 ngày 19-11.
Hội nghị Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ 11 ngày 19-11.

Theo đó, Bộ Chính trị đồng tình để TP Hà Nội được thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị trong khu vực các quận; tiếp tục củng cố chính quyền nông thôn theo quy định của pháp luật.

Bộ Chính trị giao các đơn vị liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ tích cực phối hợp với Hà Nội tổ chức thực hiện. Trong đó, Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo việc sửa đổi một số luật có liên quan và bố trí kinh phí hỗ trợ để TP Hà Nội thực hiện dự án trọng điểm, quan trọng trên địa bàn.

Ban cán sự Đảng Chính phủ lãnh đạo sửa đổi nghị định có liên quan; xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù; ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về quy hoạch, kiến trúc; phê duyệt quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng nghề; quy chế phối hợp giữa các tỉnh, thành trong vùng Thủ đô; tăng cường phân cấp hoặc ủy quyền cho TP Hà Nội phê duyệt quy hoạch và các dự án...

 

Bộ Chính trị đồng ý với 5 nhóm đề xuất của Hà Nội, trong đó có thí điểm mô hình chính quyền đô thị.
Bộ Chính trị đồng ý với 5 nhóm đề xuất của Hà Nội, trong đó có thí điểm mô hình chính quyền đô thị.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết, kết luận của Bộ Chính trị là văn bản rất quan trọng, Thành ủy đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện.

Trước đó ngày 20-10, tại buổi làm việc của Bộ Chính trị với Ban Thường vụ Thành ủy, lãnh đạo Hà Nội đề xuất một số vấn đề: quy hoạch chung đô thị vệ tinh; triển khai một số dự án xây dựng hạ tầng đô thị; cho phép thành phố được thực hiện hình thức thu tiền tương đương giá trị quỹ đất 20% với các dự án nhà ở thương mại, dự án đầu tư phát triển đô thị có quy mô sử dụng đất từ 10 ha trở lên để phát triển các khu nhà ở xã hội tập trung…

Nhất trí với những kiến nghị của TP Hà Nội, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu thành phố nêu rõ các vấn đề cần áp dụng cơ chế đặc thù, trình Chính phủ, Quốc hội để sửa luật nếu cần. Ông cũng yêu cầu cơ chế đặc thù cho Hà Nội cần xây dựng theo hướng phù hợp, để tất cả các cấp, ngành phải thu hút nguồn lực về Hà Nội, đồng thời nêu rõ trách nhiệm của từng cơ quan.

"Phải xắn tay áo cùng nhau làm việc, thu hút mọi nguồn lực, tinh hoa quốc tế để xây dựng thủ đô trở thành thành phố rồng bay, văn hiến, thanh lịch, hòa bình, giữ được truyền thống văn hóa dân tộc từ thời cố đô Cổ Loa", Tổng bí thư nói.

Hà Nội chọn chủ đề năm 2018

Theo Bí thư Hà Nội Hoàng Trung Hải, 2018 là năm triển khai Nghị quyết Trung ương 6 khoá 12 của Đảng về một số vấn đề tiếp tục đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Do đó, bên cạnh những kết quả ban đầu đã đạt được từ việc triển khai Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị (tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ), thành phố Hà Nội chọn chủ đề năm 2018 là “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị".

Ông Hải cho rằng chủ đề trên có ý nghĩa, phạm vi rất rộng, bao trùm tất cả chủ thể trong bộ máy quản lý, những chủ trương lớn, công tác cải cách hành chính, mục tiêu “5 rõ” (rõ người, rõ việc, rõ địa chỉ trách nhiệm và rõ kết quả) trong quản lý, đòi hỏi toàn thành phố phải nỗ lực rất nhiều mới có thể đạt được kết quả mong muốn.

Theo VnExpress

Có thể bạn quan tâm