Nếu tới đây Quốc hội thông qua luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ theo phương án Chính phủ trình, việc sát hạch, cấp bằng lái xe sẽ được chuyển giao từ Bộ GTVT sang Bộ Công an.
Theo phương án của Chính phủ, Bộ Công an chịu trách nhiệm sát hạch, cấp bằng lái xe ẢNH GIA KHIÊM |
Chính phủ vừa hoàn thiện hồ sơ dự thảo luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ để trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 10 tới.
Dự án luật này được tách ra từ luật Giao thông đường bộ năm 2008, do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, song song với đó là dự án luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) do Bộ GTVT chủ trì soạn thảo.
Một trong những nội dung hiện được dư luận quan tâm là việc sát hạch, cấp giấy phép lái xe sẽ được giao cho Bộ Công an thực hiện, thay vì Bộ GTVT như hiện nay.
Tờ trình của Chính phủ ngày 4.9 cho biết, nội dung này đang có 2 luồng ý kiến khác nhau về phạm vi điều chỉnh là thuộc dự án luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, hay dự án luật Giao thông đường bộ (sửa đổi). Do đó, Chính phủ đã trình 2 phương án.
Ở phương án 1, tờ trình cho biết đa số thành viên Chính phủ đều tán thành theo phương án đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe thuộc phạm vi điều chỉnh của dự án luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; kể cả Bộ Công an, Bộ GTVT và Bộ Tư pháp cũng đã thống nhất để Bộ Công an báo cáo Quốc hội theo phương án này, với lý do để bảo đảm tính hợp lý, đồng bộ và thống nhất, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, bảo vệ tính mạng, tài sản, bảo vệ quyền con người.
Theo dự thảo luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an có trách nhiệm quản lý đào tạo, sát hạch, cấp đổi và thu hồi giấy phép lái xe; quản lý quá trình chấp hành pháp luật của người điều khiển phương tiện tham giao giao thông sau khi được cấp giấy phép lái xe.
Đối với phương án 2, đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe thuộc phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).
Tờ trình Chính phủ cho biết, từ năm 2001 đến nay, việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe đã được quy định trong luật Giao thông đường bộ và được thực hiện ổn định; đã được xã hội hóa mạnh mẽ.
Tuy nhiên, phương án này không phù hợp với cấu trúc, mục tiêu và nội dung của luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) là thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kết cấu hạ tầng hiện đại, hiệu quả, nâng cao chất lượng hệ thống mạng lưới đường bộ, phát triển vận tải đường bộ phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới.
Theo Thái Sơn (Thanh Niên)