Kinh tế

Doanh nghiệp

Bộ Công thương hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam quảng bá tại CIIE-5

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tham gia Hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc lần thứ 5, các DN Việt có thể thông qua nền tảng kỹ thuật số để trao đổi, đàm phán với khách hàng là các nhà nhập khẩu, nhà phân phối tại Trung Quốc.

Gian hàng Việt Nam tại CIIE-5. (Ảnh: Thành Dương/Vietnam+)
Gian hàng Việt Nam tại CIIE-5. (Ảnh: Thành Dương/Vietnam+)


Ngày 5/11, tại thành phố Thượng Hải, Trung Quốc đã long trọng tổ chức lễ khai mạc Hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc lần thứ 5 (CIIE-5).

Do công tác quản lý, phòng chống dịch chặt chẽ của Trung Quốc, số doanh nghiệp Việt Nam trực tiếp tham gia Hội chợ không nhiều. Do đó, Bộ Công Thương tổ chức giàn dựng Gian hàng quốc gia trực tuyến và Gian hàng từ xa trên nền tảng kỹ thuật số tại CIIE-5 nhằm quảng bá hình ảnh quốc gia, quảng bá văn hóa, du lịch, thành tựu kinh tế và công tác đối ngoại tiêu biểu của Việt Nam.

Việt Nam là một trong 10 quốc gia được Ban tổ chức CIIE mời tổ chức gian hàng quốc gia trực tuyến trên nền tảng kỹ thuật số. Gian hàng quốc gia trực tuyến của Việt Nam có khoảng 100 doanh nghiệp tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm, quảng bá hình ảnh thương hiệu Việt cũng như các sản phẩm xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam sang Trung Quốc, tập trung vào lĩnh vực thủy sản, nông sản…

Khu gian hàng từ xa của Việt Nam có 20 gian hàng của 18 doanh nghiệp trong các lĩnh vực chế biến thực phẩm, đồ uống, nông sản…

Bộ Công Thương giúp đỡ doanh nghiệp vận chuyển các sản phẩm mẫu, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm nhân sự tại Trung Quốc phụ trách gian hàng từ xa của doanh nghiệp tại Hội chợ.

Doanh nghiệp Việt Nam có thể thông qua nền tảng kỹ thuật số để trao đổi, đàm phán với khách hàng là các nhà nhập khẩu, nhà phân phối tại Trung Quốc.

Theo ông Vũ Tiến Hùng, Trưởng Văn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam tại Hàng Châu (Trung Quốc), các quốc gia như trong khu vực tham gia Hội chợ lần này tập trung vào các mặt hàng có ưu thế, truyền thống của mình như sầu riêng và các sản phẩm chế biến từ sầu riêng; trái cây và sản phẩm chế biến từ trái cây…

Tham gia Hội chợ lần này, nhiều doanh nghiệp nước ngoài có rất nhiều lợi thế vì có những khách hàng lớn, lâu dài, có chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Trung Quốc, do vậy công tác tổ chức, tham gia của các doanh nghiệp đỡ khó khăn hơn các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh Trung Quốc áp dụng chính sách Zero COVID hiện nay.

Các doanh nghiệp tham gia Hội chợ lần này, đa phần vẫn dựa vào sự hỗ trợ của Bộ Công Thương trong công tác tổ chức tham dự, bố trí nhân sự, hỗ trợ vận chuyển hàng mẫu sản phẩm vào bố trí tại Hội chợ.

Cũng theo ông Vũ Tiến Hùng, trong số các sản phẩm của Việt Nam tham gia CIIE năm nay, nổi bật có những sản phẩm như sữa, sữa chua của Tập đoàn TH True milk; sản phẩm sữa đậu nành, sữa chua từ thực vật của Công ty đường Quảng Ngãi; các sản phẩm chế biến từ dừa của công ty AVC…

Đây là những sản phẩm mới, nhưng đã nhận được sự quan tâm rất lớn của khách tham quan Hội chợ.

 

Một số gian hàng Việt Nam tại CIIE-5. (Ảnh: Thành Dương/Vietnam+)
Một số gian hàng Việt Nam tại CIIE-5. (Ảnh: Thành Dương/Vietnam+)


Theo bà Đinh Tĩnh Anh (Ding Jingying) thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại quốc tế Bảo Câu Giang Tô (Tổng đại lý của Tập đoàn TH True Milk tại Trung Quốc), TH True Milk bắt đầu đưa các sản phẩm của mình vào thị trường Trung Quốc từ năm 2018, đến nay đã phát triển được 45 đại lý trên toàn Trung Quốc, doanh số hàng năm đạt trên 8 triệu nhân dân tệ (khoảng 1,2 triệu USD).

 

Cán bộ Văn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam tại Hàng Châu tham gia hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tại CIIE-5. (Ảnh: Thành Dương/Vietnam+)
Cán bộ Văn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam tại Hàng Châu tham gia hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tại CIIE-5. (Ảnh: Thành Dương/Vietnam+)


Thương hiệu TH True Milk hiện đã rất được đón nhận tại thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc là thị trường rộng lớn, cần thúc đẩy quảng cáo hơn nữa để sản phẩm TH True Milk được biết đến nhiều hơn nữa.

Kênh thương mại điện tử có cơ hội rất lớn, TH True Milk tới đây sẽ phát triển mạnh mẽ kênh này để thúc đẩy và mở rộng hơn nữa mạng lưới thiêu thụ sản phẩm.

CIIE lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2018, là hội chợ quốc tế rất quan trọng của Trung Quốc, tập trung doanh nghiệp là các nhà nhập khẩu khắp các địa phương trên toàn Trung Quốc. Tham gia CIIE lần này có hàng nghìn doanh nghiệp đến từ 145 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 248 công ty thuộc nhóm 500 công ty hàng đầu thế giới. Giá trị ký kết hợp đồng tại 4 kỳ hội chợ trước ước đạt hơn 270 tỷ USD.

Theo Tiến Trung-Mạnh Cường-Thành Dương (Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm