TN - Đất & Người

Bộ Công Thương sẽ đề xuất mở rộng khai thác bauxite ở Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, 2 nhà máy sản xuất alumin bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế khả quan nên tiếp tục đề nghị quy hoạch mở rộng khai thác bauxite ở Tây Nguyên.

Ngày 4-4, đoàn công tác của Bộ Công Thương do Bộ trưởng Trần Tuấn Anh làm trưởng đoàn đã làm việc với tỉnh Đắk Nông để đánh giá tình hình thực hiện các dự án khai thác bauxite, sản xuất alumin tại Tây Nguyên.

 

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh (thứ 2 từ phải sang) thị sát khu vực khai thác quặng bauxite
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh (thứ 2 từ phải sang) thị sát khu vực khai thác quặng bauxite



Theo báo cáo của Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV), dự án tổ hợp bauxite - nhôm Lâm Đồng (Alumim Tân Rai) có công suất thiết kế 650.000 tấn alumin/năm với tổng mức đầu tư hơn 15.000 tỉ đồng.

Từ tháng 10-2013 đến hết năm 2018 đã sản xuất được hơn 3 triệu tấn alumin. Sản phẩm tiêu thụ thuận lợi với 97% được xuất khẩu sang các thị trường Ấn Độ, Trung Đông, Trung Quốc… Doanh thu 3 năm đầu dự án bị lỗ theo kế hoạch. Từ năm 2017 đến nay, dự án chuyển sang có lãi; riêng năm 2018 lãi trên 1.700 tỉ đồng.


 

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh (giữa) thị sát khu vực sản xuất Alumin
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh (giữa) thị sát khu vực sản xuất Alumin



Dự án nhà máy sản xuất Alumin Nhân Cơ (Đắk Nông) có công suất thiết kế tương tự nhưng tổng mức đầu gần 17.000 tỉ đồng. Kết thúc năm 2018, sản xuất đạt hơn 655.000 tấn alumin, tương đương 102,43% kế hoạch năm, vượt mức công suất thiết kế, doanh thu đạt trên 6.400 tỉ đồng. Riêng quý I-2019, nhà máy đạt công suất trên 162.000 tấn alumin và dự kiến quý II-2019 sẽ sản xuất đạt khoảng 173.000 tấn alumin. Mặc dù theo kế hoạch dự án lỗ trong 5 năm đầu đi vào hoạt động nhưng ngay năm đầu tiên đã có lãi.

 

 Đoàn công tác của Bộ Công Thương làm việc với tỉnh Đắk Nông
Đoàn công tác của Bộ Công Thương làm việc với tỉnh Đắk Nông



Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng trước đây có những nghi ngờ của xã hội về hiệu quả của dự án nhưng thực tế, 2 nhà máy alumin đã đạt hiệu quả. Do đó, Bộ Công Thương đang khẩn trương phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thành báo cáo tổng kết, đánh giá thí điểm 2 dự án để báo cáo Chính phủ, Quốc hội làm cơ sở tiếp tục nâng công suất 2 dự án và mở rộng đầu tư khai thác bauxite, ngành công nghiệp nhôm ở Tây Nguyên.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng lưu ý việc đánh giá hiệu quả không chỉ đơn thuần dựa trên tiêu chí kinh doanh mà còn phải bảo đảm các vấn đề an sinh xã hội, an ninh quốc phòng và môi trường.

Cao Nguyên (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm