Xã hội

Bộ GD&ĐT ban hành thông tư mới về đánh giá học sinh Tiểu học

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Thông tư mới chú trọng việc đánh giá sự tiến bộ và vì sự tiến bộ của học sinh; coi trọng việc động viên, khuyến khích sự cố gắng trong học tập, rèn luyện của học sinh...

 

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư số 27/2020/TT-BGDĐT quy định đánh giá học sinh Tiểu học.

Thông tư được xây dựng trong bối cảnh từ năm học 2020-2021, Việt Nam triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới (Chương trình giáo dục phổ thông 2018), bắt đầu từ lớp 1.

Việc ban hành Thông tư là rất cần thiết, đáp ứng chương trình mới, trên cơ sở kế thừa những ưu việt của Thông tư hiện hành.

Đa dạng các phương pháp đánh giá học sinh

Chương trình giáo dục phổ thông mới với sự thay đổi về mục tiêu giáo dục là chuyển từ nền giáo dục chú trọng truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục định hướng phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh và có thêm một số môn học, hoạt động giáo dục mới, nên tác động trực tiếp đến nội dung, hình thức tổ chức, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá học sinh.

Mục đích của việc đánh giá học sinh là cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, xác định được thành tích học tập, rèn luyện theo mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt của Chương trình giáo dục phổ thông mới cấp Tiểu học và sự tiến bộ của học sinh, từ đó hướng dẫn hoạt động học tập, điều chỉnh các hoạt động dạy học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.

Thông tư đánh giá học sinh đặt ra yêu cầu đánh giá qua mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt và biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của từng môn học, hoạt động giáo dục và những biểu hiện phẩm chất, năng lực của học sinh theo yêu cầu của chương trình cấp tiểu học.

Đánh giá thường xuyên bằng nhận xét, đánh giá định kỳ bằng điểm số kết hợp với nhận xét. Việc đánh giá sẽ kết hợp giữa đánh giá của giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh, trong đó đánh giá của giáo viên là quan trọng nhất.

Thông tư mới chú trọng việc đánh giá sự tiến bộ và vì sự tiến bộ của học sinh; coi trọng việc động viên, khuyến khích sự cố gắng trong học tập, rèn luyện của học sinh; giúp học sinh phát huy nhiều nhất khả năng, năng lực; đồng thời đảm bảo kịp thời, công bằng, khách quan; không so sánh học sinh này với học sinh khác, không tạo áp lực cho học sinh, giáo viên và cha mẹ học sinh.

Đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới, học sinh sẽ được đánh giá sự hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực thông qua những phẩm chất chủ yếu và những năng lực cốt lõi.

Những phẩm chất chủ yếu như: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm. Những năng lực cốt lõi học sinh sẽ được đánh giá, gồm năng lực chung là: tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo; năng lực đặc thù là: ngôn ngữ, tính toán, khoa học, công nghệ, tin học, thẩm mỹ, thể chất.

 

 Lễ chào cờ trong ngày khai giảng tại trường Tiểu học Trung Yên (quận Cầu Giấy). (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)
Lễ chào cờ trong ngày khai giảng tại trường Tiểu học Trung Yên (quận Cầu Giấy). (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)


Giáo viên có thể sử dụng nhiều phương pháp đánh giá như: quan sát; vấn đáp; đánh giá qua hồ sơ học tập, các sản phẩm, hoạt động của học sinh; kiểm tra viết dưới hình thức trắc nghiệm, tự luận hoặc kết hợp trắc nghiệm và tự luận.

Giáo viên đánh giá thường xuyên về nội dung học tập các môn học, hoạt động giáo dục của học sinh, về sự hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực của học trò.

Việc đánh giá định kỳ về nội dung học tập các môn học, hoạt động giáo dục được thực hiện vào giữa học kỳ I, cuối học kỳ I, giữa học kỳ II và cuối năm học. Giáo viên dạy môn học căn cứ vào quá trình đánh giá thường xuyên và yêu cầu cần đạt, biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của từng môn học, hoạt động giáo dục để đánh giá học sinh đối với từng môn học, hoạt động giáo dục theo các mức: hoàn thành tốt, hoàn thành và chưa hoàn thành.

Vào cuối học kỳ I và cuối năm học, đối với các môn học bắt buộc gồm: Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ 1, Lịch sử và Địa lý, Khoa học, Tin học và Công nghệ, sẽ có bài kiểm tra định kỳ để đánh giá học sinh. Đối với lớp 4, lớp 5, có thêm bài kiểm tra định kỳ môn Tiếng Việt, môn Toán vào giữa học kỳ I và giữa học kỳ II.

Bài kiểm tra được giáo viên sửa lỗi, nhận xét, cho điểm theo thang  điểm 10, không cho điểm thập phân và được trả lại cho học sinh. Điểm của bài kiểm tra định kỳ không dùng để so sánh học sinh này với học sinh khác. Nếu kết quả bài kiểm tra cuối học kỳ I và cuối năm học bất thường so với đánh giá thường xuyên, giáo viên đề xuất với nhà trường có thể cho học sinh làm bài kiểm tra khác để đánh giá đúng kết quả học tập của học sinh.

Khắc phục hạn chế trong khen thưởng

Kế thừa việc khen thưởng theo các quy định hiện hành, Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT cụ thể hóa việc viết trên giấy khen nhằm khắc phục hạn chế, tiêu cực về việc khen thưởng. Theo đó, vào cuối năm học, Hiệu trưởng tặng danh hiệu Học sinh Xuất sắc hoặc danh hiệu Học sinh Tiêu biểu hoàn thành tốt trong học tập và rèn luyện cho những học sinh thực sự xuất sắc và xứng đáng, được tập thể lớp công nhận.

Cụ thể, danh hiệu Học sinh Xuất sắc được trao cho những học sinh được đánh giá kết quả giáo dục đạt mức Hoàn thành xuất sắc; danh hiệu Học sinh Tiêu biểu hoàn thành tốt trong học tập và rèn luyện sẽ trao cho những học sinh được đánh giá kết quả giáo dục đạt mức Hoàn thành tốt, đồng thời có thành tích xuất sắc về ít nhất một môn học hoặc có tiến bộ rõ rệt ít nhất một phẩm chất, năng lực; được tập thể lớp công nhận.

Việc khen thưởng đột xuất được áp dụng với học sinh có thành tích đột xuất trong năm học. Học sinh có thành tích đặc biệt được nhà trường xem xét, đề nghị cấp trên khen thưởng.

Bên cạnh đó, Thông tư mới bổ sung hình thức “thư khen” trong hoạt động khen thưởng học sinh. Cán bộ quản lý và giáo viên có thể gửi thư khen cho những học sinh có thành tích, cố gắng trong quá trình học tập, rèn luyện phẩm chất, năng lực hoặc có những việc làm tốt nhằm động viên kịp thời. Điều này, giúp các em có thêm động lực cùng nhau rèn luyện tu dưỡng đạo đức, trau dồi kiến thức để không ngừng tiến bộ.

 

Tiết học đầu tiên của khối lớp 1 trường Tiểu học Trung Yên (quận Cầu Giấy). (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)
Tiết học đầu tiên của khối lớp 1 trường Tiểu học Trung Yên (quận Cầu Giấy). (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)


Hình thức viết trên giấy khen vào cuối năm học được ghi theo danh hiệu đạt được nên tạo thuận lợi cho giáo viên và khắc phục một số hạn chế hiện nay.

Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: Các quy định trong Thông tư số 27/2020/TT-BGDĐT không làm tăng khối lượng công việc của giáo viên và học sinh. Đồng thời, các nội dung quy định tường minh về phương pháp, kỹ thuật, quy trình đánh giá sẽ giúp giáo viên tiếp cận, triển khai hệ thống, bài bản, khoa học và giảm được thời lượng dành cho việc đánh giá, để tập trung vào quá trình giảng dạy.

Theo ông Thái Văn Tài, quá trình soạn thảo Thông tư này được Bộ thực hiện nghiêm túc, bài bản, đúng quy trình, quy định, đảm bảo tính khoa học và khả thi. Bởi đây là Thông tư giữ vai trò quan trọng, đột phá trong quá trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới và sẽ tác động nhất định tới đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhiều lần khảo sát tại các địa phương để lấy ý kiến của cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh.

Bộ cũng trực tiếp phối hợp với các tổ chức, cá nhân, các nhà quản lý giáo dục, nhà giáo, nhà khoa học có uy tín, tổng chủ biên, các chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới, các nhóm nghiên cứu đề tài khoa học có liên quan, để tổ chức nhiều hội thảo chuyên sâu, diện rộng nhằm xin ý kiến về từng nội dung liên quan đến quy định đánh giá học sinh Tiểu học, trước khi ban hành Thông tư này.

Theo Việt Hà (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm