Xã hội

Lao động - Việc làm

Bộ Nội vụ đề xuất bỏ quy định về cán bộ, công chức cấp xã

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bộ Nội vụ đề xuất bỏ quy định về cán bộ, công chức cấp xã; thống nhất một cơ chế tuyển dụng, sử dụng, quản lý và chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức.

Bộ Tư pháp vừa công bố hồ sơ thẩm định đối với đề nghị xây dựng luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) do Bộ Nội vụ chủ trì soạn thảo.

Tại dự thảo, Bộ Nội vụ đề xuất bỏ quy định về cán bộ, công chức cấp xã; thống nhất một cơ chế tuyển dụng, sử dụng, quản lý và chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức.

Bộ Nội vụ đề xuất bỏ quy định về cán bộ, công chức cấp xã (ảnh minh họa)
Bộ Nội vụ đề xuất bỏ quy định về cán bộ, công chức cấp xã (ảnh minh họa)

Tạo sự thống nhất cho nền công vụ hành chính quốc gia

Theo cơ quan soạn thảo, luật Cán bộ, công chức hiện hành có một chương riêng quy định về cán bộ, công chức làm việc ở cấp xã với một số quy định khác nhau giữa nhóm này với cán bộ, công chức cấp huyện, cấp tỉnh.

Điển hình là vẫn còn quy định việc tiếp nhận cán bộ, công chức cấp xã vào làm việc ở các cơ quan từ cấp huyện trở lên phải có đủ tiêu chuẩn, điều kiện (nhất là đủ 5 năm kinh nghiệm) và qua hội đồng kiểm tra, sát hạch mới được tiếp nhận.

Hoạt động của cán bộ, công chức cấp xã là hoạt động công vụ nhưng lại không được bổ nhiệm giao giữ một ngạch công chức mà chỉ được xếp lương theo trình độ đào tạo gắn với ngạch công chức tương ứng (trung cấp thì hưởng lương ở ngạch cán sự, đại học thì hưởng lương ở ngạch chuyên viên).

Ngoài ra, chế độ, chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức cấp xã căn cứ theo quy định thang, bảng lương của Nhà nước nhưng việc thực hiện lại không thống nhất như cán bộ, công chức, viên chức nói chung.

Ví dụ, với cán bộ cấp xã, trình độ sơ cấp hoặc chưa qua đào tạo thì xếp lương theo một bảng lương; từ trung cấp trở lên xếp lương như công chức hành chính. Cùng một chức danh, công việc như nhau nhưng trình độ đào tạo cao thấp khác nhau thì tiền lương sẽ hưởng ở các ngạch khác nhau với mức lương không giống nhau.

Với công chức cấp xã, nếu chưa tốt nghiệp đào tạo chuyên môn thì chỉ được hưởng lương bằng 1,18 so với mức lương cơ bản chung.

Những tồn tại nêu trên đã tạo nên sự phân biệt cán bộ, công chức cấp xã với cán bộ, công chức từ cấp huyện. Để giải quyết tình trạng này, đồng thời tạo sự thống nhất trong nền công vụ hành chính quốc gia, Bộ Nội vụ đề xuất như đã nêu.

Sẽ tinh giản số lượng lớn

Bộ Nội vụ đánh giá, việc sửa đổi các quy định về cán bộ, công chức cấp xã như giải pháp đề xuất sẽ tinh giản được một số lượng lớn công chức và những người làm việc không chuyên trách cấp xã. Đồng nghĩa sẽ tiết kiệm được các khoản tiền trả lương, phụ cấp được chi trả từ ngân sách.

Về mặt xã hội, chính quyền cấp xã và những người làm việc không chuyên trách ở cấp xã tiếp xúc, làm việc trực tiếp với người dân nhiều nhất. Do đó, việc tinh giản biên chế gắn với nâng cao trình độ, năng lực đáp ứng các vị trí việc làm, nâng cao thái độ phục vụ người dân sẽ mang lại nhiều tác động tích cực.

Người dân và doanh nghiệp sẽ được thụ hưởng các dịch vụ tốt và sự hài lòng từ chính quyền cấp xã hiệu năng, trách nhiệm, khắc phục các bức xúc về thái độ làm việc và những tiêu cực ở một số chính quyền cấp xã hiện nay.

Bên cạnh những kết quả mang lại, đề xuất của Bộ Nội vụ dự kiến cũng có tác động tiêu cực nhất định. Đó là một bộ phận cán bộ, công chức, người làm việc kiêm nhiệm ở cấp xã bị tinh giản, mất việc làm.

Tuy nhiên, chính sách trên được đề xuất nhằm phục vụ mục tiêu chung, lợi ích chung của Nhà nước và xã hội. Những người mất việc làm hoặc mất phụ cấp có thể được xem xét hỗ trợ những chế độ khác phù hợp.

Theo Tuyến Phan (TNO)

Có thể bạn quan tâm