Bạn đọc

Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Y tế trả lời kiến nghị cử tri Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Báo Gia Lai điện tử xin trích đăng nội dung trả lời của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Y tế liên quan đến kiến nghị cử tri Gia Lai gửi đến trước kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV.

Bộ Nông nghiệp và PTNT

Kiến nghị:

Theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao: Chỉ tiêu 17.10: Tỷ lệ sử dụng hình thức hỏa táng, quy định tỷ lệ đạt =5%. Qua thực tiễn thực hiện tại tỉnh Gia Lai cho thấy quy định này không phù hợp, đề nghị Bộ có hướng giải quyết cho phù hợp với tình hình thực tế của các xã trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Trả lời:

Bộ tiêu chí nông thôn mới các cấp (xã, huyện, tỉnh) theo các mức độ (đạt chuẩn, nâng cao, kiểu mẫu) giai đoạn 2021-2025 được Thủ tướng Chính phủ ban hành (tại các Quyết định: số 318/QĐ-TTg, số 319/QĐ-TTg, số 320/QĐ-TTg và số 321/QĐ-TTg ngày 8-3-2022) trên cơ sở ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương, được triển khai thực hiện từ ngày 8-3-2022.

Việc thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, để các xã hiện nay đã đạt chuẩn nông thôn mới cần tiếp tục thực hiện xây dựng xã nông thôn mới nâng cao theo hướng phát triển toàn diện, bền vững, đi vào chiều sâu, từng bước tiệm cận điều kiện về hạ tầng và dịch vụ của đô thị văn minh, sáng, xanh, sạch, đẹp, bình yên, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, nâng cao hơn đời sống vật chất, tinh thần và môi trường sống của người dân nông thôn.

Theo Đề án khuyến khích sử dụng hình thức hỏa táng (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2282/QĐ-TTg ngày 26-11-2013), cần từng bước đưa việc sử dụng hình thức hỏa táng trở thành hình thức táng phổ biến của người dân Việt Nam tại các địa phương trên toàn quốc theo hướng văn minh, hiện đại, tiết kiệm đất đai và bảo vệ môi trường. Theo đó, mục tiêu của Đề án đề ra là đến năm 2020, các khu vực nông thôn, tỷ lệ sử dụng hình thức hỏa táng trung bình đạt 5%; các thành phố, thị xã tỷ lệ sử dụng hình thức hỏa táng trung bình đạt 15%. Như vậy, quy định đối với xã nông thôn mới nâng cao có tỷ lệ sử dụng hình thức hỏa táng đạt =5% là phù hợp. Do vậy, đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan triển khai thực hiện theo quy định trên địa bàn.

Bộ Y tế:

Kiến nghị:

Để nhân viên ngành Y tế dồn tâm lực cho công tác phòng-chống dịch, hạn chế những sai sót trong mua sắm, không phù hợp với ngành nghề chính được đào tạo, đề nghị Chính phủ có cơ chế giao cho cơ quan chuyên môn về đấu thầu mua sắm thực hiện mua sắm tập trung, thống nhất một đầu mối để mua sắm vật tư, hóa chất, trang-thiết bị phòng-chống dịch, không chỉ cho ngành Y tế mà còn cho tất cả các ngành tham gia chống dịch.

Trả lời:

Trước hết, Bộ Y tế trân trọng cảm ơn sự chia sẻ của cử tri đối với những khó khăn của ngành Y tế và đề nghị có cơ chế giao cho cơ quan chuyên môn về đấu thầu mua sắm thực hiện mua sắm tập trung, thống nhất một đầu mối để mua sắm vật tư, hóa chất, trang-thiết bị phòng-chống dịch, để cán bộ y tế tập trung và việc chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Việc mua sắm tập trung đã được quy định tại Luật Đấu thầu, Nghị định số 63/2013/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thực hiện Luật Đấu thầu, Quyết định số 08/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định việc mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung, theo đó đơn vị mua sắm tập trung bao gồm (1) Đơn vị mua sắm tập trung quốc gia tại Bộ Tài chính; (2) Đơn vị mua sắm tập trung thuốc tại Bộ Y tế; (3) Đơn vị mua sắm tập trung của các bộ, cơ quan trung ương, các tỉnh.

Mua sắm tập trung do đơn vị chuyên môn về mua sắm thực hiện có ưu điểm là có thể có hiệu quả kinh tế nếu số lượng mua sắm lớn, giá cả thống nhất, hạn chế một số sai sót so với việc các cơ sở y tế tự thực hiện. Tuy nhiên, việc giao cho đơn vị chuyên môn mua sắm thực hiện mua sắm tập trung cũng có những khó khăn, hạn chế như phải cần thời gian để xây dựng năng lực của đơn vị mua sắm; việc tập hợp nhu cầu sử dụng vật tư, trang-thiết bị, hóa chất, thuốc cần nhiều thời gian trong khi mỗi đơn vị sử dụng có yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật hàng hóa khác nhau, nhất là khi dịch bệnh có diễn biến nhanh, phức tạp nếu không khẩn trương mua sắm sẽ không đáp ứng được yêu cầu phòng-chống dịch.

Hiện nay, tại Bộ Y tế đã có Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia, tại một số địa phương đã hình thành đơn vị mua sắm tập trung và đã tổ chức mua sắm tập trung một số loại thuốc biệt dược, thuốc generic, vật tư, trang-thiết bị y tế, bước đầu đã mang lại những hiệu quả nhất định về kinh tế, nhưng cũng nảy sinh một số khó khăn, vướng mắc như đã nêu trên.

Tiếp thu ý kiến của cử tri, Bộ Y tế sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính rà soát các quy định về mua sắm tập trung để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh cho phù hợp, qua đó thúc đẩy việc thành lập các đơn vị mua sắm chuyên nghiệp để thực hiện mua sắm tập trung một số vật tư, trang-thiết bị, hóa chất phù hợp, có hiệu quả tại cả cấp trung ương và cấp địa phương; đồng thời hoàn thiện thể chế, chính sách về mua sắm, đấu thầu để hạn chế các sai sót, cho dù là giao cho đơn vị mua sắm chuyên nghiệp hay các đơn vị chủ động thực hiện.

Có thể bạn quan tâm