Bạn đọc

Bộ Nông nghiệp và PTNT trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Kiến nghị: Đề nghị quan tâm hơn nữa đối với các chính sách nhằm bình ổn, phát triển về chất và lượng ở ngành nông nghiệp, chú trọng xu hướng đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, chuỗi giá trị, quy hoạch bền vững các cây công nghiệp có giá trị cao từ đó có đủ tiềm lực cạnh tranh, đẩy mạnh việc xúc tiến thương mại tại các thị trường tiêu thụ lớn.
Ảnh nguồn internet
Ảnh nguồn internet
Trả lời: Để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng tập trung, quy mô lớn, không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành và chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các chính sách, giải pháp để cơ cấu lại ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; trong đó có chính sách, giải pháp về quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp theo mô hình chuyên canh, ứng dụng công nghệ cao, gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; đẩy mạnh xúc tiến thương mại nông sản; bên cạnh đó thực hiện những cân đối vĩ mô để bình ổn, hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh nông nghiệp. Cụ thể như sau:
1. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch và quy mô, cơ cấu phát triển của từng lĩnh vực, sản phẩm gắn với vùng chuyên canh tập trung sản xuất nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường
Thời gian qua, công tác quy hoạch sản xuất nông nghiệp luôn được quan tâm, chú trọng chỉ đạo thực hiện, là 1 trong 5 giải pháp chủ yếu thực hiện cơ cấu lại ngành. Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các địa phương tiến hành rà soát các quy hoạch ngành, sản phẩm chủ yếu để điều chỉnh, bổ sung hoặc lập mới phù hợp hơn với lợi thế, tiềm năng của các địa phương, thích ứng với biến đổi khí hậu và nhu cầu thị trường. Giai đoạn 2014-2018, bộ đã thực hiện rà soát, điều chỉnh và lập mới 7 quy hoạch ngành, lĩnh vực và 17 quy hoạch sản phẩm phục vụ cơ cấu lại ngành; đang rà soát điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 để phục vụ cơ cấu lại ngành theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. 
Trên cơ sở quy hoạch, cả nước đã hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn như: lúa gạo (Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long); chè (Trung du miền núi phía Bắc, tỉnh Lâm Đồng); cà phê, cao su (Tây Nguyên, Đông Nam bộ, Bắc Trung bộ...); hồ tiêu (Tây Nguyên, Đông Nam bộ, Nam Trung bộ...); điều (Đông Nam bộ); rau quả, cá tra, tôm (Đồng bằng sông Cửu Long, Duyên hải miền Trung...), rừng sản xuất nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ (miền Trung, Tây Nguyên...); chuyển mạnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
Để tiếp tục hỗ trợ đắc lực cho cơ cấu lại nông nghiệp, phù hợp với kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 theo Nghị quyết số 24/2016/QH14 của Quốc hội, Bộ đã rà soát đề đề án tái cơ cấu ngành và xâv dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch cơ cấu lại ngành giai đoạn 2017-2020 (phê duyệt tại Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 16-11-2017) theo hướng cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp với 3 nhóm sản phẩm chủ lực (nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia; nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh; nhóm sản phẩm là đặc sản địa phương); cơ cấu lại sản xuất theo vùng kinh tế-xã hội; tổ chức liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong vùng, tăng cường năng lực cạnh tranh. Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 7-5-2018. Đồng thời, đang khẩn trương hoàn thành việc rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các chiến lược, quy hoạch từng ngành hàng, sản phẩm để tích hợp chung vào các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội quốc gia và các vùng lãnh thổ và để chuyển đổi thành các đề án/chương trình phù hợp với Luật Quy hoạch năm 2017.
Trên cơ sở đó, đánh giá nhu cầu thị trường (cả trong và ngoài nước) để xây dựng các đề án tổ chức lại sản xuất, điều chỉnh quy mô và cơ cấu sản xuất phù hợp; tổ chức hợp tác liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, giảm bớt khâu trung gian nhằm hạ giá thành sản phẩm. Đồng thời, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng, phát triển các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao do Trung ương, địa phương và khu vực tư nhân đầu tư để nâng cao chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu của cả thị trường khó tính.
2. Tăng cường xúc tiến thương mại và thúc đẩy tiêu thụ nông sản
Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các bộ, ngành và địa phương đã kiến nghị Chính phủ thực hiện các giải pháp dài hạn về cơ chế chính sách, tổ chức quản lý và đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển thị trường... nên tiêu thụ và xuất khẩu nông sản tăng mạnh: Tổng kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2013-2017 đạt 157,07 tỷ USD, bình quân đạt 31,5 tỷ USD/năm; tính riêng 6 tháng đầu năm 2018 đạt 19,4 tỷ USD, tăng 12,0% so với cùng kỳ năm 2017. Đã có 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu từ 1,0 tỷ USD trở lên (trồng trọt có: lúa gạo, cao su, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, mì, rau quả; thủy sản có: tôm, cá tra; lâm nghiệp có: gỗ và sản phẩm từ gỗ), trong đó có 5 mặt hàng (trồng trọt có: trái cây, hạt điều, cà phê; thủy sản có: tôm; lâm nghiệp có: đồ gỗ) đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD. Nông sản Việt Nam hiện có mặt trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có những thị trường lớn như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, EU... Thời gian tới, bộ sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương thực hiện:
- Tổ chức lại hệ thống thương mại nông sản, phối hợp với Bộ Công thương và các địa phương phát triển các kênh bán buôn, bán lẻ để phát triển mạnh thị trường nội địa; tăng cường tuyên truyền, đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; hỗ trợ người sản xuất xây dựng thương hiệu và truy xuất nguồn gốc nông sản. Các địa phương tổ chức quản lý lại hệ thống thương mại quy củ hơn, nhất là lực lượng thương lái để họ thực sự là cánh tay nối dài của các tổ nhóm, hợp tác xã hoặc của doanh nghiệp; khuyến khích thương lái hợp tác với doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia vào chuỗi sản xuất nông sản để đem lại giá trị cao và bền vững hơn.
- Phát triển mạnh thị trường xuất khẩu: Tích cực đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu, giữ ổn định các thị trường truyền thống, tìm kiếm và mở rộng, mở mới các thị trường tiềm năng; hạn chế thấp nhất sự phụ thuộc vào một thị trường nhất định. Cập nhật các thông tin về chính sách thương mại của các đối tác, các thị trường nhập khẩu; phát hiện nhanh và giải quyết kịp thời những rào cản thương mại, kỹ thuật để hỗ trợ tốt nhất cho nông sản xuất khẩu.
- Phát huy vai trò của Hiệp hội ngành hàng, nắm bắt nhu cầu, khả năng tiêu thụ của thị trường, thống nhất hoạt động của các doanh nghiệp thành viên, tham gia điều chỉnh kế hoạch sản xuất và xây dựng chính sách.
- Nâng cao năng lực hệ thống thông tin thị trường; phát triển nghiên cứu và dự báo cung cầu, quy mô và đặc điểm của từng loại thị trường, cung cấp kịp thời cho các địa phương, doanh nghiệp và người dân điều chỉnh sản xuất phù hợp; tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu, kết nối giữa vùng sản xuất với hệ thống phân phối; kết nối giữa thị trường trong nước với quốc tế.
3. Thực hiện các cân đối vĩ mô hỗ trợ sản xuất kinh doanh nông nghiệp
- Về cân đối hỗ trợ đầu vào cho sản xuất nông nghiệp: Nhà nước tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế đầu tư, sản xuất kinh doanh vật tư đầu vào phục vụ sản xuất để nông dân lựa chọn những sản phẩm phù hợp, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm. Ngoài ra, căn cứ vào điều kiện thực tiễn, Chính phủ thực hiện những chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản hoặc một phần chi phí sản xuất ban đầu để khôi phục sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm theo Nghị định số 02/2017/NĐ- CP ngày 9-1-2017. Khi có thiên tai, dịch bệnh, Chính phủ xuất dự trữ quốc gia gồm giống cây trồng, vắc xin, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật hỗ trợ nông dân sớm khôi phục sản xuất, đời sống; đối với vùng sâu, vùng xa, Chính phủ cũng có chính sách hỗ trợ chi phí vận chuyển vật tư nông nghiệp để giảm chi phí đầu vào cho sản xuất.
- Về điều tiết cung cầu hàng hóa thiết yếu: Bộ Nông nghiệp và PTNT có trách nhiệm chỉ đạo sản xuất và phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương theo dõi diễn biến thị trường, nhất là các mặt hàng lớn, quan trọng, nhạy cảm để xây dựng những cân đối lớn phục vụ tiêu dùng xã hội (lương thực, thực phẩm...) và xuất khẩu; đồng thời kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có chính sách đảm bảo tiêu thụ nông sản kịp thời và hiệu quả cho nông dân.

Có thể bạn quan tâm