Sống trẻ - Sống đẹp

Thế giới trẻ

Bỏ phố, 3 chàng kỹ sư trẻ về quê khởi nghiệp bằng nghề trồng nấm

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Từ bỏ công việc ở thành phố, ba chàng kỹ sư trẻ quyết định về quê lập nghiệp với lý do đơn giản được thỏa sức sáng tạo và tự làm chủ công việc của mình.

Tốt nghiệp ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng, 3 chàng kỹ sư trẻ gồm Trần Dương Tài, Tạ Quốc Việt và Hồ Thanh Vỹ (cùng sinh năm 1990, thôn Gia Hòa, xã Duy Hòa, Duy Xuyên, Quảng Nam) tiếp tục ở lại thành phố lập nghiệp.

 

Mô hình trồng nấm sạch theo quy trình khép kín của ba chàng kỹ sư trẻ.
Mô hình trồng nấm sạch theo quy trình khép kín của ba chàng kỹ sư trẻ.

Cả 3 nhanh chóng tìm được công việc phù hợp, nhưng ý chí tuổi trẻ, niềm đam mê tự thân lập nghiệp, đem sức mình cống hiến cho quê hương đã thôi thúc cả ba trở về quê.

Nhận thấy nghề trồng nấm sạch mang lại thu nhập cao, dễ trồng, thích hợp với điều kiện địa phương, năm 2015, anh Hồ Thanh Vỹ quyết định bỏ ra 2 tháng để vào Khu công nghiệp công nghệ cao Củ Chi (TP. HCM) học tập quy trình sản xuất và trực tiếp thử nghiệm tại đây. Sau đó, anh về quê phối hợp cùng 2 người bạn của mình quyết tâm trở thành nông dân tiên tiến, tự lập trên chính đôi tay của mình.

Cả ba góp vốn, vay mượn thêm từ gia đình, bạn bè và các kênh vay vốn thanh niên, hội nông dân cải tạo khu vườn gia đình, xây dựng nhà xưởng. Giai đoạn 1, cơ sở rộng 250m2 dùng sản xuất phôi nấm, gồm phân xưởng đóng phôi, phòng cấy, phòng hấp, phòng kho, trại ươm và trại chăm sóc phôi nấm.

Cuối năm 2016, trại nấm sạch theo hướng khép kín của ba chàng kỹ sư trẻ đã được cấp phép thành lập HTX nông nghiệp nấm sạch Thu Bồn. Ban đầu dù gặp nhiều khó khăn, vất vả nhưng cả ba vẫn quyết chí vươn lên, dần dần học hỏi, rút kinh nghiệm để phát triển hơn.

Hiện trại nấm sản xuất 2 loại nấm chính đó là nấm sò tím và nấm rơm. Anh Hồ Thanh Vỹ cho biết: “Quá trình sản xuất ra bịch phôi giống sò và nấm rơm khoảng 25-30 ngày và trải qua nhiều công đoạn: chọn mùn cưa, rây lọc và ủ mùn cưa trong vòng 15 ngày. Sau đó, mùn cưa sẽ được trộn và đóng bịch đưa vào lò hấp thanh trùng ở nhiệt độ 120ºC trong vòng 8 tiếng. Hoàn thành công đoạn hấp, bịch phôi nấm sẽ đưa ra ngoài cho nguội và bắt đầu cấy meo giống, quy trình phải hoàn toàn vô trùng và tránh ảnh hưởng đến chất lượng nấm giống”.

 

Lò hấp nấm được đo chuẩn nhiệt độ, sắp tới HTX sẽ chuyển từ lò hấp bằng gas sang sử dụng khí biogas để đảm bảo môi trường, giảm chi phí.
Lò hấp nấm được đo chuẩn nhiệt độ, sắp tới HTX sẽ chuyển từ lò hấp bằng gas sang sử dụng khí biogas để đảm bảo môi trường, giảm chi phí.

Thông thường, mỗi bịch meo giống 1 ký sẽ cấy được khoảng 50 bịch phôi giống với khối lượng 1,3 kg/bịch. Hiện trại nấm của HTX sản xuất khoảng 4.000 bịch phôi giống/tháng để phân phối cho một số trại tại các địa phương trong tỉnh. Với nhu cầu thị trường hiện nay, thời gian đến trại nấm sẽ phát triển lên 14.000 bịch phôi giống/tháng để cung cấp cho các nơi có nhu cầu. Mỗi bịch phôi giống bán với giá 6.000 đồng/bịch, cao điểm trại nấm sẽ sinh lãi từ 35-40 triệu đồng/tháng.

Đặc biệt, cơ sở sẽ chịu trách nhiệm hướng dẫn kỹ thuật, xử lý sâu bệnh và bao tiêu sản phẩm theo giá thị trường nếu người dân có nhu cầu trở thành trại vệ tinh của HTX. Hiện HTX đang có 3 trại vệ tinh, thời gian tới sẽ phát triển thêm 10 trại vệ tinh.

Anh Trần Dương Tài chia sẻ: “Các trại vệ tinh này được thành lập dựa trên nguyện vọng, nhu cầu của người dân. Nếu người dân muốn trở thành trại vệ tinh của HTX sẽ được hỗ trợ đầy đủ về kỹ thuật, xử lý sâu bệnh và bao tiêu sản phẩm theo giá thị trường. Đồng thời người dân cũng phải ký kết hợp đồng cùng HTX sẽ sản xuất theo tiêu chuẩn sạch, an toàn, đảm bảo các quy trình nghiêm ngặt trong sản xuất nấm…

Ở đây người dân chính là chủ của các trại nấm, nếu họ muốn có thành quả cao thì phải cố gắng chăm sóc, nuôi trồng nấm đạt chất lượng… khi sản phẩm cao thì nông dân có thể tăng thêm thu nhập. HTX chính là người đồng hành cùng nông dân trong con đường làm giàu chính đáng, trở thành nông dân tiên tiến, hội nhập. Ngoài ra, để kiểm soát chất lượng nấm, đảm bảo người dân tuân thủ an toàn vệ sinh, quy trình sản xuất nấm sạch… chúng tôi cũng sẽ thường xuyên kiểm tra, đối chiếu các trại nấm lân cận để có kết quả chính xác…”.

Trong tương lai, trại nấm HTX sản xuất nấm sạch Thu Bồn sẽ nghiên cứu thêm nhiều loại nấm có tiềm năng kinh tế như nấm linh chi. Bao dự định, ước mơ, ý chí vươn lên cùng sự sáng tạo không ngừng nghỉ của tuổi trẻ sẽ là động lực thúc đẩy ba chàng kỹ sư trẻ vững bước trong con đường tương lai, làm giàu và phát triển trên chính mảnh đất quê hương.

Đánh giá về HTX sản xuất nấm Thu Bồn, Anh Nguyễn Sơn Tùng (Bí thư Đoàn xã Duy Hòa) cho biết: “Mô hình trồng nấm của ba bạn trẻ rất ấn tượng và triển vọng. Đây là mô hình không những giúp phát triển kinh tế cá nhân mà còn giúp đỡ nhiều người dân trong và ngoài huyện Duy Xuyên có cơ hội vươn lên làm giàu.

Sắp đến, tôi sẽ tham gia vào trại vệ tinh của HTX nấm Thu Bồn và giới thiệu cho nhiều thanh niên khác trong xã làm theo, góp phần tạo điều kiện để thanh niên có hướng phát triển kinh tế, vươn lên trong cuộc sống”.

Theo dantri

Có thể bạn quan tâm