Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Quốc phòng

Bộ Quốc phòng nói về việc xem xét khởi kiện Trung Quốc về Biển Đông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bộ Quốc Phòng vừa có văn bản trả lời kiến nghị cử tri Thành phố Đà Nẵng về việc đẩy mạnh tuyên truyền và giải pháp bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông.

 Tàu Hải Dương Địa chất 8 khi xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam từ tháng 5 - 10.2019 - Ảnh Ngư dân cung cấp
Tàu Hải Dương Địa chất 8 khi xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam từ tháng 5 - 10.2019 - Ảnh Ngư dân cung cấp



Theo đó, cử tri Thành phố Đà Nẵng kiến nghị Chính phủ cần tiếp tục có những giải pháp đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, định hướng tư tưởng và nhất là trên lĩnh vực truyền thông báo chí để nhân dân kịp thời có đầy đủ thông tin chính xác về tình hình trên Biển Đông, đặc biệt là tình hình tại bãi Tư Chính trong thời gian gần đây.

Bên cạnh đó, cử tri Đà Nẵng cũng đề nghị Chính phủ có biện pháp kiên quyết hơn nữa với hành động xâm phạm chủ quyền nước ta của Trung Quốc, đồng thời xem xét giải pháp khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế để bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.

Trả lời kiến nghị này, Bộ Quốc phòng khẳng định Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm công tác tuyên truyền, định hướng tư tưởng về bảo vệ chủ quyền biển, đảo, trong đó có lĩnh vực truyền thông báo chí. Chính phủ đã xây dựng Đề án tổng thể tuyên truyền bảo vệ chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông.

Hàng năm và trước các sự kiện phức tạp diễn ra ở Biển Đông, Ban Tuyên giáo Trung ương đã kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn về công tác tuyên truyền, định hướng tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước.

Bộ Quốc phòng cũng khẳng định, thời gian qua, công tác tuyên truyền, định hướng tư tưởng về bảo vệ chủ quyền biển, đảo được tiến hành đồng bộ, bài bản, hiệu quả, có sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương.

Văn bản trả lời của Bộ Quốc phòng cũng cho biết, trước sự việc Trung Quốc đưa tàu khảo sát địa chất HD-8 xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam tại khu vực bãi Tư Chính gần đây, ta đã kiên trì xử lý bình tĩnh, đồng thời đấu tranh kiên quyết với Trung Quốc, triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp đấu tranh chính trị, ngoại giao, dư luận, pháp lý và giữ vững trên thực địa.

“Những nỗ lực của ta đã góp phần giữ vững được môi trường hòa bình, ổn định; kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và các lợi ích chính đáng của ta ở Biển Đông; buộc Trung Quốc phải rút tàu khỏi vùng biển của ta; đồng thời, ta kiểm soát tốt tình hình và an ninh, trật tự xã hội; công tác thông tin tuyên truyền được tiến hành bài bản dưới nhiều hình thức khác nhau”, văn bản trả lời có đoạn.

Chuẩn bị hồ sơ đấu tranh pháp lý đưa ra quốc tế vào thời điểm phù hợp

Về kiến nghị xem xét khởi kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế để bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông, Bộ Quốc phòng nêu quan điểm: “Chúng ta thống nhất rằng, việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo là vấn đề hệ trọng, nhạy cảm, lâu dài. Do đó, quan điểm chung của ta là quán triệt tinh thần “kiên quyết, kiên trì”, “dĩ bất biến, ứng vạn biến”; những gì thuộc về nguyên tắc kiên quyết giữ; những gì thuộc về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ kiên quyết không nhân nhượng, song phải có đối sách phù hợp".

Trên cơ sở này, Bộ Quốc phòng cho rằng, cần kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia đối với các vùng biển, đảo, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của ta theo đúng Luật Biển 1982; vừa hợp tác, vừa đấu tranh, chủ động, kiên trì giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế.

Bên cạnh đó, xây dựng lực lượng biển đủ mạnh để xử lý thắng lợi các tình huống; đồng thời, tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế, khu vực, các nước lớn, tránh để bị cô lập; giữ vững quan điểm độc lập, tự chủ không để các nước khác chi phối, lôi kéo, chia rẽ, làm phương hại tới lợi ích quốc gia, dân tộc.

Theo Bộ Quốc phòng, dự báo tình hình Biển Đông sẽ còn diễn biến phức tạp, để đấu tranh kiên quyết hơn nữa đối với các hành động xâm phạm chủ quyền nước ta của Trung Quốc trong thời gian tới, chúng ta cần tập trung thực hiện đồng bộ, toàn diện các giải pháp về chính trị, kinh tế, ngoại giao, thông tin tuyên truyền trong và ngoài nước.

Bộ Quốc phòng cũng nhấn mạnh, “cần tích cực chuẩn bị, thu thập tài liệu, chuẩn bị sẵn hồ sơ đấu tranh pháp lý đưa ra quốc tế vào thời điểm phù hợp”. Tuy nhiên, cũng lưu ý cần kiên quyết phản bác các luận điệu xuyên tạc, lợi dụng tình hình phức tạp trên Biển Đông để kích động, lôi kéo gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

“Cần đẩy mạnh các giải pháp về quốc phòng, an ninh, có phương án bảo vệ vững chắc chủ quyền trên thực địa, sẵn sàng đấu tranh với các nhóm tàu Trung Quốc có khả năng xâm phạm vùng biển của ta, cũng như chủ động bảo vệ an ninh, an toàn, trật tự xã hội trên các tỉnh, thành, địa phương trong cả nước, đặc biệt trong các tình huống trên biển có diễn biến phức tạp xảy ra”, văn bản nêu.


Trước đó, từ tháng 5 - 10.2019, nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam tại khu vực Bãi Tư Chính. Nhiều chuyên gia đề nghị vận dụng công cụ pháp lý để bảo vệ chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông, trong đó có việc khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế.

Tại kỳ họp 8 của Quốc hội khóa 14, đại biểu Quốc hội cũng đề nghị xem xét khả năng kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế để bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông.

 

Theo Lê Hiệp (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm