Xã hội

Bộ Thông tin và Truyền thông cảnh báo việc giả mạo ngân hàng, gửi tin nhắn lừa đảo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC) thuộc Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã đưa ra cảnh báo nhận dạng để người dùng cảnh giác với loạt tin nhắn giả mạo tên định danh (brand name) của các ngân hàng được các đối tượng sử dụng để trục lợi, lừa chiếm đoạt tài sản người dân.
Ngân hàng VCB gửi thông báo nhắc khách hàng cảnh giác với chiêu lừa đảo mạo danh ngân hàng. Ảnh XUÂN PHẠM
Ngân hàng VCB gửi thông báo nhắc khách hàng cảnh giác với chiêu lừa đảo mạo danh ngân hàng. Ảnh: Xuân Phạm
Theo thông tin từ chinhphu.vn, những website giả mạo trang thông tin điện tử của ngân hàng được các đối tượng lừa đảo "dụ" người dùng truy cập, có tên miền như    online.acbvnx.com,online.acbonliine.com, acb.vn-ul.top, scb.vn-kr.xyz, scb.vn-scb.xyz, scb.vn-scb.top, scb.vn-eg.xyz, scb.vn-zt.xyz, scb.vn-co.top, scb.vn-cb.xyz, scb.vn-vp.xyz, scb.vn-zl.xyz, techcombank.vn-lt.xyz, vpbank.vn-sc.top, vpbank.vn-ic.top, vpbank.vn-ty.top, vpbank.vn-ty.info...
Các tin nhắn giả mạo tin nhắn định danh của ngân hàng thường được đối tượng lừa đảo gắn nội dung về việc thông báo tài khoản của khách hàng đã bị khóa hoặc đã đăng nhập ở một thiết bị khác, thông báo về đăng ký dịch vụ mới, tài khoản bị trừ tiền... với đường dẫn đính kèm yêu cầu người dùng nhập user/mật khẩu/OTP để làm theo hướng dẫn. Thực tế, đã có không ít người dùng do thiếu cảnh giác đã thực hiện theo hướng dẫn của các đối tượng xấu và bị "sập bẫy" lừa đảo.
Do đó, VNCERT/CC khuyến cáo người dùng khi nhận được các tin nhắn, cần kiểm tra kỹ nội dung, không vội vã trả lời hay thực hiện theo nội dung hướng dẫn trong tin nhắn. Người dùng các dịch vụ ngân hàng cũng cần lưu ý rằng website chính thức của các tổ chức ngân hàng thường sử dụng giao thức "https" và tên miền quốc gia Việt Nam ".vn".
Trường hợp nhận được các tin nhắn, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần lưu lại các bằng chứng (tin nhắn hoặc ghi âm cuộc gọi), phản ánh tới doanh nghiệp viễn thông quản lý thuê bao để yêu cầu xử lý; đồng thời cung cấp các bằng chứng đã có tới các cơ quan chức năng của Bộ Công an nơi gần nhất đề nghị xử lý hành vi sai phạm của các đối tượng theo quy định pháp luật.
Theo PLO, để ngăn chặn tình trạng tin nhắn giả tràn lan, nhà mạng MobiFone đã cung cấp kênh tra cứu hoàn toàn miễn phí cho khách hàng.
Theo đó, trong trường hợp nhận được tin nhắn nghi giả mạo tin nhắn ngân hàng, khách hàng thực hiện chuyển tiếp tin nhắn đó tới đầu số 9241 để hệ thống hỗ trợ tra cứu và trả về thông tin cho khách hàng. MobiFone sẽ tra cứu tin nhắn có được gửi từ hệ thống của MobiFone trong vòng 7 ngày hay không.
Với khách hàng sử dụng mạng Viettel, khi nhận được tin nhắn từ các định danh tổ chức tài chính, ngân hàng nghi ngờ là tin nhắn giả mạo, khách hàng có thể chuyển tiếp/sao chép nội dung tin nhắn nghi ngờ gửi đến đầu số 9548. Hệ thống Viettel sẽ kiểm tra và gửi tin nhắn phản hồi kết quả tra cứu cụ thể cho khách hàng. Thời gian hỗ trợ tra cứu là trong vòng 7 ngày kể từ thời điểm khách hàng thực hiện tra cứu trở về trước. Tin nhắn này cũng hoàn toàn miễn phí.
XUÂN PHẠM (tổng hợp từ chinhphu.vn, plo.vn)
 

Có thể bạn quan tâm