Xã hội

Bok Tim về cõi atâu

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Tôi vừa nhận được điện thoại báo một tin buồn, thảng thốt cả trong giọng người em thân thiết ở làng xa: “Ông Tim mất rồi anh ạ”. Tôi lặng đi hồi lâu. Khi tôi viết những dòng này, nghệ nhân sử thi (hơmon) tài giỏi Đinh Tim (làng Brang Đak Kliết, xã Ya Hội, huyện Đak Pơ) đã về cõi atâu.

Ông Đinh Tim sinh năm 1941 ở làng Kliết, nay là làng Brang Đak Kliết. Tôi quen biết rồi thân thiết với ông khi xã Ya Hội còn thuộc huyện An Khê. Đường đi lối lại những năm ấy khó khăn, thành thử, từ Pleiku xuống đó chỉ hơn trăm cây số nhưng đã về làng là cầm chắc ngủ lại.

Chính cái sự xa xôi cách trở, khó khăn ấy đã kéo con người lại gần nhau hơn, chân thành, quý mến nhau hơn. Không có điện thoại để trò chuyện như ngày nay nên mỗi khi gặp được là ôm chầm lấy nhau, vỗ vào lưng nhau bồm bộp hồi lâu, rồi buông nhau ra, rồi lại ôm chầm lấy nhau, như vẫn chưa tin vào cái điều… bình thường mà kỳ diệu ấy. Tôi còn nhớ có lần, bà con dân làng bỗng một ngày chia thành 2 phe cãi nhau. Một bên cho rằng tôi đã… chết, vì lâu lắm không thấy về làng. Bên còn lại tin rằng tôi vẫn còn sống, vì mới gần đây trông thấy tôi ngồi họp trên ti vi.

Cố Nghệ nhân Ưu tú Đinh Tim. Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ

Cố Nghệ nhân Ưu tú Đinh Tim. Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ

Gặp lại nhau trong bữa rượu do già làng Tim làm trọng tài, đại diện phe “thua cuộc” nói: “Người làng mình từ xưa đến giờ, còn sống thì phải thăm hỏi nhau. Do thấy anh lâu không về làng nên chúng tôi đã nghĩ sai. Xin lỗi anh…”. Người Bahnar chân tình là vậy. Đúng ra, tôi là người có lỗi. Tôi phải xin được tha thứ cho cách xử sự không hay của mình.

Đêm đó, già làng Tim ngồi dựa cột nhà hút thuốc như bao lần khác, mái tóc dài bồng bềnh trong khói, lâu lâu lại nở một nụ cười hiền lành. Ông trở thành người hát sử thi từ khi còn khá trẻ. Bắt đầu bằng việc đi theo cha mình khắp nơi, ông kể, nghe những người già hát kể mãi thì nó ngấm vào mình rồi thuộc lúc nào không rõ. Người già yếu đi thì mình lên thay. Hồi còn chiến tranh, hơmon cũng là một nhiệm vụ cách mạng, vì nó làm anh em vui vẻ, hăng hái đi vác đạn, tải lương hay cắm chông bố phòng. Những năm tháng sau này, ông vẫn giữ nguyên suy nghĩ ấy, mặc dù cuộc sống mỗi ngày đã một thêm đa dạng, thậm chí có thể nói là không kém phần bận rộn, khó khăn.

Nghĩa là nếu dân làng có nhu cầu, ông sẽ không ngần ngại nằm xuống sàn nhà cất tiếng, bất kể thời gian ấy có phải lúc nông nhàn hay không. Giọng hát của già làng Tim đẹp một cách huyền ảo. Nó vút cao, trong veo như nước suối rồi cũng lại bất chợt ầm ào tựa hồ thác đổ. Ông có thể đóng được nhiều vai, từ tiếng chim hót, tiếng chó sủa đến tiếng từng nhân vật trong câu chuyện. Ông chính là một người thầy đã dẫn dắt tôi vào thế giới lạ lùng của sử thi Bahnar ngay từ những ngày đầu tiên tập tành sưu tầm văn hóa dân gian. Nghệ nhân Đinh Tim không biết chữ, đúng hơn, thời chiến tranh, ông có học nhưng sau thì quên nên chỉ còn có thể ký được mỗi cái tên mình. Bù lại, ông thuộc hàng chục sử thi và luôn sẵn sàng chia sẻ với tất cả mọi người.

Ông để tóc dài khi còn ở tuổi trung niên. Tôi hỏi sao lại như vậy, ông cười đáp: Không biết nữa, trước đã như vậy, nay cũng để như vậy thôi. Thêm mái tóc là lạ sau lưng, già làng Tim mang dáng dấp nghệ sĩ hơn là một người nông dân thực thụ. Nhưng để nuôi sống bản thân và cái gia đình đông con của mình, ông là lao động chính trong nhà. Ông làm rẫy giỏi như phần lớn đàn ông Bahnar, biết đan lát, bắt cá suối nhưng nổi trội hơn người làng ở khả năng tìm kiếm mật ong. Đến mùa hoa, ông thường lang thang trong rừng cả tháng không về nhà, cho đến khi cắt được một vài tổ ong, vắt xong và gánh mật trở về. Sống phóng khoáng, mật ong bán được bao nhiêu tiền, ông đưa cho vợ phần lớn, trước khi đã “cấp phát” cho con cháu “mỗi đứa một vài đồng” như cách ông hay nói.

Sẽ là rất bình thường, nếu chúng ta biết rằng: Nghệ nhân Đinh Tim hay bất kỳ người Bahnar, Jrai, Ê Đê… nào ở Tây Nguyên này cũng vậy, dù có được phong tặng danh hiệu cao quý, được cộng đồng trọng vọng thì đó vẫn chỉ là những giá trị tinh thần. Cuộc sống cơm áo hàng ngày bắt buộc đôi chân họ phải bước, đôi tay họ phải làm việc không ngừng. Và, cuộc sống vất vả ấy đã góp phần mài mòn cuộc đời của những nghệ nhân quý hiếm, thực sự một đi không trở lại. Chúng ta biết cả đấy, nhưng nhiều khi chưa thể làm gì nhiều hơn cho các cụ.

Ya Hội nhiều năm qua nắm giữ một kỷ lục mà không một địa phương nào có. Đó là xã này có 3 người cao tuổi ở 3 làng khác nhau cùng được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực hát kể sử thi, gồm các ông: Đinh Nhưr, Đinh Tim và Đinh Yie. Tiếc là theo thời gian, đến nay chỉ còn lại nghệ nhân Yie ở làng Groi. Xưa kia, thường khi nếu các bậc thầy hơmon ở làng buộc phải về với atâu thì trong cộng đồng ấy dăm bảy năm sau, thể nào cũng xuất hiện một người kế tục. Còn nay, ước mong cháy bỏng ấy liệu có cơ sở để chờ đợi hay không vẫn là điều nhói lòng khi nghĩ đến. Thành ra, không thể nói khác, chỉ đành xin được vĩnh biệt ông, Nghệ nhân Ưu tú Đinh Tim, một người Bahnar đã cháy hết mình cho sử thi ở miền đất này.

Có thể bạn quan tâm