Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Bốn mùa trên đỉnh tháp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đã bao lần xuôi hết đèo An Khê về đến huyện Tuy Phước (tỉnh Bình Định), tôi đều ngước nhìn ngọn tháp xa xa qua ô cửa kính xe. Và lần nào cũng thế, ngọn tháp Bánh Ít luôn mang đến cho tôi những mến thương khó tả, những gọi mời quyến rũ. Vậy nên, hành trình tìm đến vẻ đẹp của những tầng tháp cổ bên dòng sông Côn với tôi luôn là một hành trình ý nghĩa và thú vị.
Theo sách “Đại Nam nhất thống chí”, thời xưa tháp còn có tên là Thị Thiện do có quán bán bánh của bà Thị Thiện đặt dưới chân núi. Một số tài liệu khác thì gọi theo tên thôn là tháp Đại Lộc, người Pháp thì đặt tên cho nó là Tour d’Argent (tháp Bạc) và một số tên gọi khác như tháp Cầu Bà Gi, tháp Thiện Mẫu, tháp Thổ Sơn... Song tên gọi hay được dùng nhất là tháp Bánh Ít vì 4 ngọn tháp đứng gần nhau, 1 lớn ở trên cao và 3 nhỏ ở dưới thấp, ngước mắt từ dưới lên liên tưởng đến một mâm bánh ít đã được bóc lá-một loại bánh ngon nức tiếng của Bình Định.
Toàn bộ quần thể tọa lạc trên một ngọn đồi thoai thoải thuộc thôn Đại Lộc (xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định), cách mực nước biển chỉ chừng 100 m. Tháp được xây dựng vào thế kỷ thứ X. Mới đây, một nhóm tác giả người Anh đã đưa tháp Bánh Ít vào cuốn sách “1.001 công trình kiến trúc phải đến” và đây cũng là công trình cổ duy nhất của Việt Nam có mặt trong cuốn sách này. Hầu hết các tháp của người Chăm đều được xây hướng về phía Đông, tháp Bánh Ít cũng không ngoại lệ. Vì thế, để lên khu vực này sẽ bắt đầu di chuyển từ cổng phía Đông Bắc ngọn đồi, rồi đi trên con đường được xây từ những bậc tam cấp.
Thật khó để thấu hiểu hết những giá trị văn hóa nơi đây khi tôi là kẻ “ngoại đạo” trong lĩnh vực kiến trúc, điêu khắc cũng như tín ngưỡng tôn giáo. Thế nhưng, dạo bước qua từng không gian của tháp, tôi tin chắc rằng bạn cũng không thể rời mắt khỏi những phiến đá thăng trầm qua bao lịch sử, mê mẩn trước nghệ thuật chạm khắc đá cầu kỳ, tinh tế. Khoan nói đến góc nhìn mỹ thuật hay kỹ thuật kiến trúc của quần thể tháp Bánh Ít vì liên quan đến nó đã có biết bao công trình nghiên cứu khảo cổ được công bố; điều mà người bộ hành như tôi thích thú không kém là thời tiết ở đây, 1 ngày cũng cảm nhận được 4 mùa khá rõ rệt với buổi sáng kiểu khí hậu ôn đới, giữa trưa nắng nóng và chiều mát mẻ, đêm se se gió lạnh.
Tháp Bánh Ít (xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định). Ảnh: Nguyễn Thị Diễm
Tháp Bánh Ít (xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định). Ảnh: Nguyễn Thị Diễm
Có dịp đến với tháp Bánh Ít vào thời gian này, ta dễ dàng bắt gặp khung cảnh lãng mạn của đất trời giao hòa, cây cỏ thay nhau hát ca. Nơi đây, hoa thơm cỏ lạ được đất trời ưu ái mà không phải đến từ sự sắp đặt càng làm cho quần thể tháp thêm vẻ hoang sơ, nên thơ và hữu tình.
Vừa hay, đặt chân đến bậc tam cấp đầu tiên chạm vào mắt tôi là những tia nắng vàng lấp lánh nhảy múa dưới chân tháp. Bạn dẫn đường của tôi giới thiệu, mới hôm qua thôi, giọt mưa nhỏ nhẹ mùa thu vẫn còn vương trên áo lữ khách, tinh khiết trên phiến cỏ phía con đường hướng tới đỉnh tháp; vậy mà hôm nay, chúng tan biến đâu mất giữa thinh không vắng lặng. Trong cùng một ngày, có thể chiêm ngưỡng màu xanh biêng biếc của mùa xuân, một chút vàng mơ óng ánh của mùa hè, cái vẻ dìu dặt xanh cốm của mùa thu và cái lạnh xam xám của nền trời bàng bạc mùa đông. Thật là thú vị biết bao!
Để rồi, khi làn gió của mùa thu nhẹ vương trên từng góc nhỏ của không gian, tôi tưởng như quên mất ngày đang dần trôi qua. Bên cổ tháp với tứ bề mênh mang cây cỏ xanh biếc, nhìn về phía dòng sông Côn, ta bỗng chốc tự nhận mình sao hiền hòa thế; như vẻ trầm mặc, kiêu hãnh trong bước đi của ngàn năm với biết bao mưa nắng bão giông cùng những thăng trầm lịch sử. Những hiện sinh qua ô cửa tháp, thân tháp phủ màu rêu phong, những hoa văn, họa tiết, phù điêu…
Giữa không gian khoáng đạt, tôi cố tình vịn lý do, điềm nhiên nhìn ngọn tháp đang khoác chiếc áo cổ kính hòa cùng màu dâu da đỏ in trên mặt bóng những viên gạch như được dán chặt vào nhau vì giữa chúng không có một đường lằn hiện diện của vôi vữa. Một bức tranh phản chiếu giữa thực và mơ rồi lại càng huyền diệu hơn trong bóng sương mờ đang lan tỏa.
Cuối thu, đầu đông, tiết trời se lạnh nhưng vẫn có nắng. Từ trên đỉnh tháp, khách bộ hành có thể nhìn xa hàng chục dặm. Tưởng như, mình đang đứng trên một ốc đảo duy nhất giữa biển xanh bạt ngàn. Đó là cảm giác tự do mà thiết nghĩ, dù khung cảnh phía trước có xa xôi cao xa hay trắc trở vạn dặm thì cũng không chùn chân mỏi gối bước chân người bộ hành như tôi. Điều tôi tự hào duy nhất lúc ấy là việc chinh phục được đỉnh tháp. Điều đó cũng nghĩa đôi chân tôi vẫn còn khỏe khoắn, trái tim tôi vẫn đang hòa nhịp đập cùng trời, mây, non nước ở nơi đây.
Tôi chưa được đi thăm hết những cụm tháp Chăm ở Bình Định, nhưng chỉ qua quần thể tháp Bánh Ít cũng đủ hiện ra trong tôi hình ảnh của một người bộ hành xuyên qua không gian và đi qua thời gian. Vậy nên, nếu có dịp ngang qua quốc lộ 1A thuộc địa phận huyện Tuy Phước, bạn đừng quên dành thời gian ghé thăm tháp Bánh Ít để thêm một lần được khám phá những nét văn hóa độc đáo của dân tộc Champa.
NGUYỄN THỊ DIỄM

Có thể bạn quan tâm