Du lịch

Bồng bềnh ngắm cảnh hồ thủy điện Sê San 4

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đó là làng chài trên lòng hồ thủy điện Sê San 4 thuộc địa phận 2 xã: Ia O (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) và Ia Tơi (huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum) mà mới đây tôi đã có dịp đến thăm sau khi nghe lời giới thiệu hấp dẫn của một giáo viên công tác tại thị trấn Ia Kha.
Nếu khởi hành từ TP. Pleiku thì khoảng cách đến làng chài không dưới 70 km. Lên đến Ia O rồi qua cầu Sê San tiếp tục đi thêm chừng chục cây số nữa, sau đó gửi xe rồi xuống xuồng máy chạy chừng mươi phút ra đến giữa lòng hồ thì gặp làng chài.
Trên mặt hồ rộng mênh mông, dấu tích của ngày xưa vẫn còn đó: những ngọn núi cao giờ thành cù lao giữa hồ, những đọt cây rừng khô nổi lên trên không trung như bức tranh thủy mặc. Hàng mấy chục tấm rớ lớn đang phơi trên mặt nước chờ đêm đến sẽ thả xuống bắt cá hồ, phần lớn là cá cơm, cá thác lác, cá lăng, cá chép… Những chiếc cần trục lớn bằng gỗ làm công việc thả, kéo lưới.
Khác với những làng chài chúng ta thường gặp là làng nằm sát bờ sông (biển), cư dân xây dựng nhà cửa đàng hoàng, có thể sinh sống bằng nghề nông và cả nghề chài lưới. Thế nhưng, làng chài trên lòng hồ thủy điện Sê San 4 hoàn toàn khác hẳn: ngư dân sống bập bềnh trên những chiếc bè gắn trên những thùng phuy rỗng thả nổi trên làn nước. Mọi sinh hoạt nấu nướng, ăn uống, vệ sinh đều diễn ra trên bè. Việc đi lại giữa những ngôi nhà nổi này với nhau cũng trên mặt nước qua những tấm ván dày đóng chặt vào thân cây thả nổi. Tại khu vực làng, nhiều hộ còn làm bè nuôi cá lồng với các loại phổ biến như cá ba sa, cá trê.
Làng chài trên lòng hồ thủy điện Sê San 4. Ảnh: INTERNET
Làng chài trên lòng hồ thủy điện Sê San 4. Ảnh: Internet
Tiếp chúng tôi là anh Đặng Văn Thuộc, 38 tuổi. Anh người Tri Tôn, An Giang, có vợ và hai cô con gái sống cùng trên bè. Anh Thuộc cho biết, hầu hết các bè ở gần bè của gia đình anh là của người thân: anh vợ, em vợ, chú vợ… và những người cùng quê An Giang ra đây mưu sinh. Hiện làng chài có 29 hộ với trên 100 khẩu, tất cả đều làm nghề đánh bắt cá trên lòng hồ thủy điện Sê San 4.
Chính thức thì làng chài có mặt tại đây từ năm 2010, phần lớn đều là người An Giang, còn lại đến từ Thừa Thiên-Huế. Buổi đầu mưu sinh nơi xứ lạ không khỏi có nhiều bỡ ngỡ thế nhưng lâu dần cũng quen. Chỉ có việc học của con trẻ là khá vất vả do đi lại bằng xuồng rồi lên bộ. Mới đây, được sự quan tâm của chính quyền địa phương cho xây dựng khu nhà ven hồ nên sau 8 năm, làng chài đã sắp được lên bờ sống định cư, không còn cảnh lênh đênh sông nước nay đây mai đó như trước kia.
Làng chủ yếu làm nghề đánh bắt cá trên hồ nên việc phục vụ cho các nhóm phượt hay du lịch bất chợt như chúng tôi chỉ là công việc phụ. Hiện nay, cũng chỉ có gia đình anh Thuộc làm dịch vụ. Thường mỗi khi có khách đến tham quan lòng hồ và làng chài gọi điện, anh Thuộc mới chuẩn bị xuồng hay thuyền lớn nếu đoàn đi nhiều người, làm cá ướp sẵn, lò than nướng, đồ uống… Giá cả cũng khá hợp lý, trung bình mỗi người tiêu tốn không quá 200 ngàn đồng. Tuy nhiên, do chưa phải là nghề chính nên công việc phục vụ du khách của gia đình anh Thuộc cũng chỉ mới dừng lại ở khâu đón đưa và tổ chức ăn trưa. Nếu như được đầu tư chuyên nghiệp hơn như đi thuyền tham quan cả lòng hồ, câu cá, lên bộ chinh phục các đảo… thì chắc chắn sẽ còn thu hút du khách đến đông hơn.
Gia Lai có nhiều hồ thủy điện như: Ia Ly, Sê San 3, Sê San 3A, Ayun Hạ… Nhiều hồ đã được các cơ sở tổ chức nuôi trồng thủy sản khá thành công. Tuy nhiên, việc đưa vào phục vụ du lịch của các hồ thủy điện thì vẫn còn sơ khai. Vì vậy, chính quyền địa phương cùng các ngành hữu quan cần lưu tâm để khai thác hiệu quả tiềm năng lòng hồ mang lại và sao cho bảo đảm được môi trường. Giữa mặt nước mênh mông lãng đãng khói sương, ngồi trên nhà bè bồng bềnh thưởng thức món cá lăng nướng và nhâm nhi cốc rượu trong cái se se lạnh của cao nguyên, thật thú vị!
THANH PHONG

Có thể bạn quan tâm