Thể thao

Thể thao cộng đồng

Bóng chuyền Việt: Gian nan đường lên chuyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Việc 2 đội bóng nữ Truyền hình Vĩnh Long và nam Đắk Lắk bị giải thể trước thềm mùa giải mới như hồi chuông báo động với những ê-kíp bóng chuyền đang phải sống bằng ngân sách địa phương

Chẳng phải đến khi chuyện xảy ra thì người ta mới nhận ra thể thao giai đoạn mở cửa không có chỗ cho những môn thi đấu tập thể hoạt động như ở thời kỳ bao cấp. Bóng đá là một ví dụ cụ thể khi nhiều đội bóng tên tuổi một thời biến mất hoặc may mắn tồn tại thì cũng phải chuyển đổi chủ sở hữu.

Môn thể thao "vua" đã mở đường, không có lý do gì để bóng chuyền ngó lơ với lộ trình chuyên nghiệp hóa để phù hợp với yêu cầu của tình hình mới. Chỉ có điều mọi việc vẫn còn chuyển biến rất chậm ở môn thể thao được yêu mến chỉ sau bóng đá. Năm 2013, đội bóng nữ Vietsovpetro gần như chắc chắn chuyển sang phiên hiệu mới là Bia Sài Gòn - Thái Bình Dương theo thỏa thuận của lãnh đạo đôi bên thì bỗng dưng tất cả đổ vỡ vì những chuyện hậu trường chẳng đâu vào đâu, như khẳng định sau này của cựu HLV Trần Minh Khang.


 

Thông tin Liên Việt Post Bank là trường hợp đặc thù của bóng chuyền Việt Nam Ảnh: ĐÀO TÙNG
Thông tin Liên Việt Post Bank là trường hợp đặc thù của bóng chuyền Việt Nam Ảnh: ĐÀO TÙNG



Trong bối cảnh nhiều đội bóng "nhà nước" không đứng vững nổi trong cơ chế thị trường, lần lượt phải giải thể như Giấy Bãi Bằng, Cao su Phú Riềng (nữ) hay Bưu điện Hà Nội, Công An TP HCM (nam), việc nữ Truyền hình Vĩnh Long bên bờ vực sụp đổ bỗng hồi sinh bằng phiên hiệu mới thực sự là câu chuyện vô cùng hy hữu. Tất nhiên, vận may của đội bóng nữ Vĩnh Long bao hàm cả việc họ sở hữu tài năng đặc biệt Nguyễn Thị Bích Tuyền cùng một suất thi đấu ở giải vô địch quốc gia mà đơn vị tiếp nhận Ninh Bình không phải đầu tư quá nhiều về nhân tài, vật lực và cả thời gian vẫn nghiễm nhiên được góp mặt ở sân chơi cao nhất.

Không may mắn như nữ Truyền hình Vĩnh Long, đội bóng hạng nhất Đắk Lắk chính thức tan rã khi địa phương không còn đủ sức cung cấp "bầu sữa ngân sách" vài trăm triệu mỗi năm để nuôi tập thể này cho đến khi lên hạng cao nhất. Đội bóng cao nguyên nói lời chia tay, dàn cầu thủ tứ tán trong khi tuyến VĐV trẻ được phân bổ qua các môn chèo thuyền, bắn cung, bắn súng (!?), thực sự là một đoạn kết ảm đạm.

Chuyện các đội bóng nghèo kinh phí, khó hoặc không "chạy" nổi nguồn tài trợ để bảo đảm sự tồn tại và phát triển không phải hiếm, vẫn được thấy qua từng năm ở nhiều địa phương có truyền thống ở bộ môn này như Thanh Hóa, Quảng Ninh, Thái Bình, kể cả TP HCM. Trong khi đội nam luôn có được nguồn kinh phí hoạt động lên đến vài tỉ đồng hằng năm thì đội nữ TP HCM cứ phải gói ghém, xoay xở để rồi luôn phải lận đận chuyện lên xuống hạng.

Thanh Hóa, Quảng Ninh, Thái Bình gần như mỗi mùa đều phải tìm nhà tài trợ mới, trụ lại được ở sân chơi cao nhất quốc gia đã là điều may mắn, khó nghĩ đến việc tranh chấp các thứ hạng cao như trong quá khứ.

Trừ "đội bóng quốc doanh" Thông Tin Liên Việt Post Bank có hệ thống đào tạo bài bản, được đầu tư trọng điểm và luôn giữ vị trí số 1, toàn bộ các đội nữ nằm trong 3 hạng đầu quốc gia trong vòng 10 năm qua đều được đầu tư theo mô hình xã hội hóa như VTV Bình Điền Long An, Ngân hàng Công Thương, Vietsovpetro và mới nhất là Kinh Bắc Bắc Ninh, Hóa chất Đức Giang Hà Nội. Trong khi đó, bóng chuyền nam có Sanest Khánh Hòa, Tràng An Ninh Bình, Maseco TP HCM.


Trách nhiệm của Liên đoàn Bóng chuyền

Thân phận chìm nổi của các đội bóng không tách rời trách nhiệm của Liên đoàn Bóng chuyền (LĐBC) các địa phương. Ai có thể hình dung LĐBC Vĩnh Long vừa bầu ban chấp hành nhiệm kỳ mới thì 3 ngày sau, đội nữ tuyên bố giải thể? Cũng chẳng người hâm mộ nào nhớ ra LĐBC TP HCM hầu như không có lãnh đạo trong hơn 6 năm qua hoặc ông chủ tịch LĐBC Việt Nam chỉ lo "nhắm" ghế phó chủ tịch tài chính của LĐBĐ trong nhiều năm thay vì tập trung chỉ đạo, đầu tư cho 2 đội tuyển nam, nữ quốc gia tìm cách xóa bỏ thế thống trị của người Thái ở đấu trường khu vực.

Theo Đông Linh (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm