Bất kể VFF đưa ra lựa chọn nào thì người kế nhiệm ông Troussier vẫn đối diện nhiều rủi ro và sức ép.
“Thế hệ vàng Việt Nam sắp tàn, dù họ là đội tuyển mạnh”, nhận xét có phần gây sốc này là của HLV Shin Tae-yong, sau chiến thắng của Indonesia trước đội ở Vòng loại thứ 2 World Cup 2026 khu vực châu Á trên sân Mỹ Đình hôm 26/3. Tính cả 2 lần đối đầu trước đó cũng ở Vòng loại World Cup 2026 và Asian Cup 2023, Indonesia đã liên tiếp đả bại Việt Nam 3 lần.
Trên thực tế trước khi ông Shin Tae-yong đưa ra nhận xét trên, giới chuyên môn Việt Nam phần nào đã đưa ra những nhận định tương tự. Trên cương vị HLV trưởng đội tuyển Việt Nam, ông Troussier chắc chắn là người chịu trách nhiệm chính với thất bại của đội. Hàng loạt vấn đề về chuyên môn của nhà cầm quân người Pháp đã được chỉ ra, từ nhân sự đến đội hình, chiến thuật, cách thức quản lý cầu thủ…Nhưng khó có thể chối cãi 1 thực tế, thực lực của đội tuyển Việt Nam đã suy yếu.
Các cầu thủ trụ cột của đội tuyển Việt Nam. |
Quang Hải, Hoàng Đức, Hùng Dũng hay Đoàn Văn Hậu, Tiến Linh… những trụ cột dưới thời ông Park Hang-seo, đã sa sút phong độ và mờ nhạt suốt 2 năm qua. Điều này thể hiện rõ qua màn trình diễn của các cầu thủ nói trên ở V-League và khi tập trung đội tuyển Việt Nam. Điều này không hề bất ngờ khi ngoài việc bị chấn thương, bị vắt kiệt sức dưới thời ông Park Hang-seo thì các ngôi sao trên đã có đầy đủ mọi thứ, suy giảm về động lực chiến đấu.
Còn đâu Nguyễn Quang Hải với những tình huống ngẫu hứng khiến vạn người mê? Đâu rồi Tiến Linh với những bàn thắng để đời vào lưới các đội bóng tầm cỡ châu lục? Ngay cả Hoàng Đức, ngôi sao mới nổi 3 năm qua nhưng gần đây cũng trở nên mờ nhạt ở Thể Công Viettel.
Trong khi thế hệ vàng sa sút thì các gương mặt trẻ của bóng đá Việt Nam lại chưa thực sự chín. Rất khó để tìm ra những cầu thủ thực sự triển vọng, mang tầm vóc khu vực như thế hệ trước. Cần để ý, khi ở tuổi 19 Đoàn Văn Hậu đã đạt được các danh hiệu cá nhân cấp Đông Nam Á. Nguyễn Quang Hải, Bùi Tiến Dũng… đã góp mặt ở FIFA World Cup U20 thế giới tại Hàn Quốc.
Nhìn rộng hơn, vấn đề bóng đá Việt Nam đang đối mặt cũng từng xảy ra với nhiều nền bóng đá. Barcelona vốn nổi tiếng về đào tạo trẻ nhưng lứa tài năng của Lionel Messi chỉ có một. Ở gần hơn, bóng đá Thái Lan từng trải qua một giai đoạn trắng tay suốt từ năm 2016 sau cuộc ra đi của HLV Kiatisuk Senamuang, ở cả đấu trường SEA Games cũng như AFF Cup. Dù là nền bóng đá số 1 Đông Nam Á, Thái Lan cũng chưa vươn được tới giấc mơ World Cup.
Thực tế trước ông Troussier, đội tuyển Việt Nam đã 2 năm liên tiếp thất bại tại AFF Cup 2020 và 2022. HLV Park Hang-seo dù tài năng nhưng cũng không vượt qua được quy luật chu kỳ, và nhà cầm quân Hàn Quốc đã chọn cách ra đi khi đỉnh cao. Hai năm cuối của ông Park, đội tuyển Việt Nam loay hoay với bài toán làm mới cả về nhân sự cũng như lối chơi nhưng bất thành.
Cho tới thời điểm hiện tại, bóng đá Việt Nam mới chỉ 2 lần lên đỉnh ở đấu trường khu vực, và mỗi lần cách nhau 10 năm. Đó là chức vô địch AFF Cup năm 2008 dưới thời HLV Henrique Calisto và 2018 thời ông Park Hang-seo. Đây đều là những thời điểm đội tuyển Việt Nam hội đủ các yếu tố về thiên thời, địa lợi và nhân hoà, đồng thời các đối thủ trong khu vực có phần đuối sức. Nhìn từ khía cạnh này, rất có thể bóng đá Việt Nam giai đoạn tới sẽ đối diện một thập kỷ thất bại, nhưng đó cũng là lúc nền bóng đá tích luỹ lại để hướng đến một chu kỳ mới thành công hơn.