Văn hóa

Cổ học tinh hoa

“Bóng hồng di sản”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong sinh hoạt diễn tấu cồng chiêng của đồng bào Bahnar, Jrai ở Tây Nguyên, phụ nữ thường chỉ tham gia đội hình múa xoang, các vị trí còn lại đều do nam giới đảm nhận. Tuy nhiên, những năm gần đây, cùng với sự xuất hiện ngày càng nhiều các đội chiêng nữ, một số buôn làng cũng xuất hiện các tay trống và pơtual (múa hề) nữ. Những “bóng hồng di sản” này tạo nên sự khác lạ, góp phần bảo tồn cồng chiêng đầy sáng tạo và mới mẻ.

Dịu dàng trống nữ

Chương trình phục dựng lễ mừng năm mới của đồng bào Bahnar sinh sống tại làng Krông Hra (xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ) vào cuối tháng 3-2023 mang đến cho khách phương xa cảm nhận thật đặc biệt. Khá lâu rồi, chúng tôi mới được “lạc” vào một không gian nguyên sơ đến vậy, từ nghi thức truyền thống, nếp nhà rông đến trang phục thổ cẩm, rượu cần, cồng chiêng cùng không khí hội hè miên man… Và trong không gian ấy bỗng bật lên một nét phá cách khiến ai cũng phải chú ý: người cầm dùi gõ lên mặt trống những thanh âm mạnh mẽ, vang rền kia lại là một cô gái trẻ xinh đẹp chứ không phải một thanh niên như thông thường. Cùng với thanh âm trầm hùng, thôi thúc, cô thổi thêm vào tiếng trống sự mềm mại đến lạ kỳ, thu hút sự dõi theo của mọi người.

Tay trống nữ Đinh Thị Hiền (làng Krông Hra, xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ). Ảnh: Lam Nguyên

Tay trống nữ Đinh Thị Hiền (làng Krông Hra, xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ). Ảnh: Lam Nguyên

Trò chuyện cùng chúng tôi, Đinh Thị Hiền (20 tuổi) cho biết, đội chiêng của làng Krông Hra gồm 45 thành viên; cô đảm nhận vị trí đánh trống 2 năm nay. Lý do cũng thật tình cờ: Chỉ vì thiếu người chơi trống, thấy Hiền thích và lại có khả năng nên cả đội cho cô tập luyện, thử sức. Người già trong làng gật đầu khen ngợi, dân làng cũng ưng bụng nên Hiền thành “biên chế” cứng.

Trong một đội cồng chiêng, tiếng trống đóng vai trò giữ nhịp cho cả đội nên người cầm dùi phải tập trung, chuẩn chỉnh. Khi tiếng trống vang lên, những chiếc cồng chiêng đồng thanh hưởng ứng nhịp nhàng. Dù vậy, cô gái trẻ hầu như không hề lúng túng mà tự tin hòa nhịp, cứ như được bản năng dẫn đường. Hiền cho hay, trong làng còn vài chị em nữa cũng có thể đảm nhận vị trí này.

Những nữ pram, pơtual “độc lạ”

Như đã thành lệ, trong thành phần của một đội cồng chiêng ở Tây Nguyên, ngoài chiêng và xoang thường có sự xuất hiện của các pram (nghệ nhân hóa trang) và pơtual (múa hề). Xưa kia, họ chủ ý hóa trang với bùn đất, rơm rạ, mặt nạ gỗ hay dùng màu tô vẽ khuôn mặt để dọa dẫm, xua đuổi thú dữ. Cuộc sống thay đổi, các pram và pơtual cũng biến cải, trở thành những nhân vật mới khuấy động không khí, gây cười, thu hút sự chú ý của đám đông.

Tham gia không ít liên hoan cồng chiêng, ngày hội văn hóa, chúng tôi chưa từng gặp pơtual hay pram nữ. Vì vậy, khi đến với Ngày hội văn hóa các dân tộc toàn tỉnh lần thứ II-2023 diễn ra trong 2 ngày 14 và 15-4 tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku), chúng tôi hết sức bất ngờ khi gặp 1 pơtual nữ, 1 pram nữ biểu diễn trong đoàn nghệ nhân huyện Ia Pa. Một người đeo mặt nạ gỗ, một người bôi than, vẽ màu trên mặt trông khá lạ lẫm. Họ dẫn đầu, tay cầm gậy, chân nhảy theo nhịp chiêng. Pơtual nữ liên tục làm trò hề bằng cách nhe răng, thè lưỡi, trợn mắt, chòng ghẹo khán giả xung quanh khiến ai nấy đều ngạc nhiên, thích thú. Đội cồng chiêng nối gót phía sau với những thanh âm hào hứng, rộn rã, thu phục cảm xúc người xem.

Chị Đinh H’Nơ (trái), nữ pơtual của đoàn nghệ nhân huyện Ia Pa. Ảnh: Lam Nguyên

Chị Đinh H’Nơ (trái), nữ pơtual của đoàn nghệ nhân huyện Ia Pa. Ảnh: Lam Nguyên

Kết thúc phần trình diễn, chị Đinh H’Nơ (làng Đrơn, xã Pờ Tó, huyện Ia Pa) dành cho chúng tôi một cuộc trò chuyện. Lâu nay ít có chị em hóa trang thành pơtual vì sợ xấu, nhưng chị thì không. Chị trình diễn ngẫu hứng chứ không bài bản gì cụ thể. “Thấy người ta càng cười, mình càng thích làm trò. Đàn bà, đàn ông, trẻ con trong làng bảo thấy mình diễn họ rất thích dù vừa vui, vừa sợ”-chị H’Nơ nói. Không chỉ mang đến tiếng cười sảng khoái cho người lớn, có lần chị còn khiến con nít sợ đến khóc thét. “Có đứa ôm vai mẹ khóc òa, mình sợ quá nên chạy qua chỗ khác”-nữ pơtual chia sẻ về một kỷ niệm đáng nhớ.

Chị H’Nơ vui vẻ cho biết thêm, pơtual và pram nữ là “đặc sản” của làng Đrơn, không làng nào khác ở Pờ Tó có được. Với phần trình diễn được du khách đón nhận, cổ vũ bằng tất cả sự yêu mến, chị H’Nơ và cả đội thấy rất tự hào. Chị khẳng định: “Ngày hội này năm sau, mình sẽ tiếp tục có mặt”.

Có thể bạn quan tâm