Pháp luật

Tin tức

BQL dự án Thủy điện 4: Từ sai phạm đến… sai phạm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ban Quản lý dự án Thủy điện 4 là đơn vị điều hành trực tiếp việc xây dựng công trình Thủy điện Sê San 4. Đây là công trình thủy điện phía cuối tuyến sông Sê San, nằm trên địa phận 2 huyện: Ia Grai của tỉnh Gia Lai và Sa Thầy của tỉnh Kon Tum, có tổng công suất lắp máy 360 MW (gồm 3 tổ máy, mỗi tổ máy công suất 120 MW), điện lượng trung bình hàng năm 1,402 tỷ kWh.

Tổng mức vốn đầu tư gần 5.546  tỷ đồng, tương đương 378,8 triệu USD với tỷ giá 15.500 đồng/USD ở thời điểm lập dự án đầu tư. Trong suốt quá trình xây dựng công trình này, ông Nguyễn Mạnh Long với tư cách là Trưởng ban, điều hành toàn bộ mọi hoạt động, đã để xảy ra nhiều sai phạm.

37 tỷ đồng thất thoát đi đâu?

Dự án công trình thủy điện Sê San 4 được khởi công từ tháng 12-2004 và hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng tháng 4-2010. Trong quá trình thực hiện xây dựng công trình thủy điện Sê San 4, theo kế hoạch đấu thầu được Hội đồng Quản trị EVN phê duyệt được chia thành 151 gói thầu, trong đó 11 gói thầu được thực hiện theo phương thức đấu thầu, 129 gói thầu chỉ định thầu, 11 gói thầu không thực hiện.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo kết quả từ đoàn thanh tra Bộ Xây dựng thì có rất nhiều sai sót dẫn đến thất thoát số tiền 37 tỷ đồng gồm: tính sai dự toán là trên11,536 tỷ đồng; giảm trừ thanh quyết toán trên 10,539 tỷ đồng; số tiền phải thu hồi về tài khoản tạm giữ trên 15 tỷ đồng (bao gồm hơn 4 tỷ đồng thanh toán thừa khối lượng và trên 11 tỷ đồng thanh toán thừa cho Bảo việt Việt Nam).

Cụ thể là trong quá trình lập dự toán hạng mục khoan tạo lỗ, công tác phá đá và tạo màng chống thấm, do giá vật tư khoan (cần khoan, mũi khoan, quả đập… là vật tư được mua phù hợp với thiết bị máy khoan) không có trong thông báo giá của Liên sở Tài chính và Xây dựng nên tư vấn thiết kế đã lấy giá theo hợp đồng mua bán của nhà thầu và nhà cung cấp. Việc sử dụng giá các loại vật tư theo hợp đồng mua bán nhưng không xây dựng định mức khấu hao vật tư cho phù hợp dẫn đến làm tăng giá trị công trình mà đơn vị chủ đầu tư mà cụ thể là Ban Quản lý dự án Thủy điện 4 không nắm được.

Áp dụng sai định mức đơn giá xây dựng ở nhiều khâu. Áp sai định mức xúc, vận chuyển đá sau khi nổ mìn từ mỏ đá làm tăng tổng dự toán 2,122 tỷ đồng. Áp sai đơn giá máy xúc đào bánh xích 1,25 m3 vào đơn giá máy xúc lật 1,25 m3 trong công tác sản xuất bê tông thường tại trạm trộn làm tổng dự toán sai tăng 7,188 tỷ đồng. Tương tự, việc áp dụng sai định mức đơn giá cần khoan, định mức vận chuyển đá… đều dẫn đến thất thoát.

Theo hợp đồng giữa tổng thầu và chủ đầu tư thì tổng thầu chỉ thực hiện xây dựng công trình chính và lắp đặt thiết bị. Do vậy chi phí quản lý điều hành của tổng thầu sẽ được xác định theo tỷ lệ giá trị xây lắp do tổng thầu thực hiện. Nhưng trong tổng dự toán được Ban Quản lý dự án Thủy điện 4 phê duyệt thì chi phí quản lý điều hành của tổng thầu xây lắp đã được xác định theo tỷ lệ toàn bộ chi phí của cả dự án, bao gồm giá trị xây dựng, lắp đặt thiết bị và giá trị thiết bị cơ điện, dẫn đến chi phí tổng thầu được phân bổ sai tăng 10,525 tỷ đồng.

Ngoài ra, trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt tổng dự toán và dự toán xây dựng công trình còn một số sai sót là vận dụng đơn giá máy xúc 3,2 m3 cho máy xúc 3,3 m3 của hạng mục trộn bê tông đầm lăn là không đúng do thực tế công trường không có máy xúc loại 3,3 m3.

Đối với công tác thực hiện hợp đồng bảo hiểm công trình xây dựng thì Ban Quản lý dự án Thủy điện 4 đã thanh toán phí bảo hiểm… vượt quá giá trị bảo hiểm ứng với khối lượng thực hiện trong thời hạn hợp đồng bảo hiểm là 11,016 tỷ đồng trong tổng số tiền có giá trị hợp đồng là 42,611 tỷ đồng, trong hợp đồng số 225/DA05/CAR ký ngày 24-6-2005 với Bảo việt Việt Nam.

Công tác quản lý chất lượng, nghiệm thu thanh toán có nhiều mờ ám. Một số phiếu thí nghiệm không có chữ ký của đơn vị tư vấn, giám sát; một số phiếu thí nghiệm, người ký chức danh phòng thí nghiệm không phải là trưởng phòng thí nghiệm. Trong nghiệm thu quyết toán khối lượng của một số hạng mục công trình không phù hợp với hồ sơ hoàn công làm tăng lên 14,598 tỷ đồng và thanh toán vượt 4,059 tỷ đồng…

Ban Quản lý dự án Thủy điện 4 cũng đã sử dụng nguồn vốn sai mục đích, lấy nguồn vốn xây dựng công trình thủy điện Sê San 4 để thực hiện việc sửa chữa trụ sở làm việc của Ban Quản lý dự án Thủy điện 4 với số tiền là 382,675 triệu đồng và chi phí cho việc tư vấn thành lập, chi phí phục vụ công tác thành lập, xây dựng Công ty cổ phần thủy điện Sê San 4 với số tiền là 339 triệu đồng (ngay sau khi thành lập một thời gian ngắn, Công ty này đã phải ngừng hoạt động vì thành lập trái luật).

Ngoài việc điều hành để xảy ra thất thoát với số tiền trên, Trưởng ban Quản lý dự án Thủy điện Sê San 4, còn tắc trách trong việc điều hành khắc phục thay thế thiết bị quan trắc của công trình thủy điện Sê San 4 bị hư hỏng. Tuy công trình thủy điện Sê San 4 đã được vận hành từ lâu (giữa năm 2010), nhưng đến đầu tháng 7-2012, hệ thống thiết bị quan trắc của công trình này vẫn chưa được nghiệm thu liên động, đưa kết nối về phòng điều khiển trung tâm vì vậy, công tác thu thập tài liệu quan trắc phải  thực hiện tại chỗ bằng máy xách tay.

Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam ông Trần Văn Được phải ký công văn nghiêm khắc phê bình lãnh đạo Ban Quản lý Dự án Thủy điện 4 trong việc chậm trễ chỉ đạo thực hiện và yêu cầu tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, các cá nhân liên quan và khẩn trương chỉ đạo nhà thầu tiến hành xử lý các tồn tại…  

Sai sót trong điều hành

Do đặc điểm hầu hết những cán bộ, nhân viên trong Ban Quản lý dự án Thủy điện 4 là người từ rất nhiều địa phương khác nhau đến công tác, nên hầu hết không ai có điều kiện xây dựng nhà ở. Thấy được khó khăn trên, tỉnh Gia Lai đã ưu tiên bán và cho thuê một khu đất khá đẹp và thuận lợi trong việc đi lại, sinh hoạt… cho EVN tại trung tâm TP. Pleiku có tổng diện tích khoảng gần 2 ha để xây dựng khu nhà ở, nhà trẻ, công viên…

EVN cũng đã hoàn chỉnh việc xây dựng khu quy hoạch này để phục vụ nhu cầu trên cho cán bộ, công nhân viên (CBCNV) Ban Quản lý dự án Thủy điện 4 trong những năm trước đây, trong đó có 54 căn hộ cho các gia đình và 3 khu nhà tập thể…

Việc bố trí nhà ở tại khu vực trên là hết sức bình thường, không có sự thắc mắc, bức xúc nếu theo đúng trình tự xét duyệt. Ngày 29-10-2012, phòng Tổ chức Hành chính do ông Nguyễn Ngọc Sơn chủ trì tổ chức xét duyệt danh sách cho 9 CB-CNV đang công tác tại Ban được bố trí nhà ở theo thang điểm ưu tiên cộng lại bao gồm các căn cứ thời gian công tác, chức danh, yếu tố khác và dựa trên Quyết định ngày 14-5-2003 của Trưởng ban Quản lý dự án Thủy điện 4 về việc ban hành quy chế giải quyết nhà ở cho CB-CNV và trên cơ sở đơn đề nghị bố trí nhà ở của CB-CNV.

Trong danh sách xét duyệt bố trí nhà ở, hoàn toàn không có ai tên Nguyễn Thị Hương nhưng đến ngày 9-11-2012 họp Hội đồng giải quyết nhà ở khu tập thể do ông Nguyễn Mạnh Long chủ trì thì danh sách gồm 7 người được bố trí nhà ở trong đó “lòi” một trường hợp mới là vợ chồng bà Nguyễn Thị Hương-nguyên là cán bộ Ban Quản lý dự án Thủy điện 4, nay đã chuyển công tác sang Công ty Phát triển Thủy điện Sê San được 2 năm.

Một trường hợp khác liên quan đến việc trước đây không được bố trí nhà ở là ông Lương Xuân Sự. Do có nhu cầu thực sự về nhà ở và đủ điều kiện được bố trí nhà ở theo những tiêu chí của Ban Quản lý dự án Thủy điện 4, nhưng ông Sự đã không được quan tâm xem xét. Bức xúc, ông làm đơn gửi lên Ban và EVN. Chưa biết quyền lợi mình có được giải quyết hay không nhưng ông Sự đã nhận ngay một quyết định kỷ luật do ông Nguyễn Mạnh Long ký ngày 14-11-2012.

Theo phản ánh của CB-CNV trong Ban Quản lý dự án Thủy điện 4, trước đây bà Nguyễn Thị Ngọc đã từng công tác tại Ban nhưng đến tháng 4-2010 đã chuyển sang công tác tại Công ty Phát triển Thủy điện Sê San. Được khoảng 1 năm thì bà Ngọc đã nghỉ công tác tại đơn vị này. Nhưng đến ngày 16-8-2011 lại được ông Nguyễn Mạnh Long ký hợp đồng lao động thời hạn 1 năm với chức danh chuyên viên với hệ số lương 3,89 tương đương bậc 6/8.

Hoàng Anh Phượng

Có thể bạn quan tâm