Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Quốc phòng

Bước đi mới trong tham vọng tàu sân bay của Trung Quốc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trung Quốc đang đẩy nhanh việc phát triển nền tảng huấn luyện phi công dành cho tàu sân bay nhằm đẩy nhanh tham vọng phát triển loại “cỗ máy chiến tranh” này.

 

Tàu sân bay Sơn Đông do Trung Quốc tự đóng Ảnh: Reuters
Tàu sân bay Sơn Đông do Trung Quốc tự đóng Ảnh: Reuters



Ngày 8.4, trả lời Thanh Niên, TS James Holmes (Đại học Hải chiến Mỹ) nhận định: “Tàu sân bay Liêu Ninh hiện có của Trung Quốc có lẽ sẽ sớm được chính thức hóa việc chỉ đóng vai trò là tàu huấn luyện, khi nước này bổ sung thêm tàu sân bay”. Theo ông, tàu Liêu Ninh cùng với số máy bay huấn luyện mà Trung Quốc đang phát triển chính là cơ sở cho chiến lược phát triển hạm đội tàu sân bay.

Đầu tư dàn máy bay tốc độ cận âm

Trước đó, ngày 6.4, truyền thông quốc tế đưa tin Trung Quốc đang phát triển loại máy bay huấn luyện JL-9 đạt tốc độ cận âm để đào tạo lực lượng phi công phù hợp với tàu sân bay Type-002 mà nước này đang phát triển. Theo tờ South China Morning Post, máy bay JL-9 vốn đã được quân đội Trung Quốc sử dụng. Tuy nhiên, để có thể dùng đào tạo cho phi công của tàu sân bay thì loại máy bay này cần được nâng cấp. Việc thay đổi sẽ giúp JL-9 có thể triển khai cùng bộ phóng máy bay được tích hợp trên tàu sân bay Type-002.

Hiện nay, Bắc Kinh đã biên chế tàu sân bay Liêu Ninh và tàu sân bay Sơn Đông. Trong đó, tàu Liêu Ninh vốn là tàu cũ mua lại từ Ukraine và được tân trang. Còn tàu Sơn Đông thuộc Type-001A thực chất là một phiên bản nội địa của Trung Quốc được phát triển từ chính chiếc Liêu Ninh.


 



Máy bay huấn luyện Quý Châu JL-9

Ảnh: Alert5
Ảnh: Alert5
Quý Châu JL-9 (ảnh) là dòng máy bay huấn luyện đạt tốc độ cận âm với vận tốc tối đa khoảng 1.100 km/giờ và tốc độ hành trình khoảng 870 km/giờ. Máy bay này có tầm bay hơn 800 km.

Bên cạnh đó, đây cũng là một mẫu chiến đấu cơ hạng nhẹ có thể được trang bị pháo 23 mm cùng một số loại vũ khí khác như tên lửa đối không tầm ngắn PL-9 được dẫn đường bằng hồng ngoại, hoặc loại tên lửa đối không PL-8. Cả hai loại tên lửa này đều có tầm bắn khoảng 20 km.

 




Bắt đầu được đóng vào năm 2018, tàu sân bay Type-002 của Trung Quốc dự kiến hoàn thành vào năm 2021, nhưng Bắc Kinh chưa tiết lộ thời điểm hạ thủy, thử nghiệm và biên chế chính thức tàu này. Tuy nhiên, qua một số thông tin rò rỉ trước đó thì tàu sân bay Type-002 có độ choán nước khoảng 70.000 tấn và vẫn có thiết kế mũi hếch lên để máy bay cất cánh, và phải đến thế hệ tàu sân bay Type-003 thì Trung Quốc mới đặt mục tiêu mang thiết kế mũi tàu phẳng, đồng thời tích hợp bộ phóng máy bay tương tự các hàng không mẫu hạm của Mỹ hiện nay. Trước mắt, tàu sân bay Type-002 của Trung Quốc có thể sẽ mang theo dòng chiến đấu cơ J-15 mà nước này đang triển khai trên 2 tàu sân bay Liêu Ninh và Sơn Đông.

Hồi tháng 3, tờ Hoàn Cầu thời báo từng ám chỉ việc Bắc Kinh đang hướng đến mục tiêu sở hữu chiến đấu cơ thế hệ 5 tàng hình phiên bản dùng cho tàu sân bay. Qua đó, giới chuyên gia nhận định Trung Quốc có thể đang phát triển thêm phiên bản tàu sân bay đối với dòng chiến đấu cơ thế hệ 5 tàng hình J-31 mà nước này đang thử nghiệm.

Theo tờ South China Morning Post, trong kế hoạch đề ra, Trung Quốc dự kiến sở hữu 4 nhóm tác chiến tàu sân bay vào năm 2030. Mục tiêu này đòi hỏi Bắc Kinh phải chuẩn bị sẵn sàng khoảng 200 máy bay các loại, cùng hơn 500 phi công chuyên lái máy bay dành cho hàng không mẫu hạm. Trong bài phân tích đăng ngày 5.4 vừa qua, chuyên san The National Interest nhận định nếu muốn sở hữu những tàu sân bay mạnh mẽ, thì việc đào tạo phi công tương xứng là một thách thức lớn.

Tăng cường sức mạnh quân sự ở Thái Bình Dương

PGS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế - Nhật Bản, học giả tại Quỹ châu Á - Thái Bình Dương ở Canada) cho rằng: Trung Quốc đang quyết tâm xây dựng một lực lượng tàu sân bay nhằm đảm bảo cái mà Bắc Kinh gọi là lợi ích của nước này ở nước ngoài. Tất nhiên, về mặt dân sự thì tàu sân bay là khá cần thiết trong các hoạt động khẩn cấp đối với một nền kinh tế lớn và nhiều ảnh hưởng như Trung Quốc. Trong giai đoạn xảy ra Cách mạng Mùa xuân ở châu Phi, Trung Quốc phải dựa hoàn toàn vào tàu thương mại để sơ tán công dân khỏi các vùng bất ổn. Nếu có tàu sân bay thì có thể hiệu quả hơn rất nhiều.

“Tuy nhiên, yếu tố quan trọng để Trung Quốc đẩy nhanh lực lượng tàu sân bay vẫn là nhằm tăng cường sức mạnh quân sự trong khu vực Thái Bình Dương. Sau khi đầu tư lớn vào chiến lược phong tỏa, chống tiếp cận để hạn chế ảnh hưởng của Mỹ, thì Trung Quốc phát triển mạnh vào tàu sân bay”, PGS-TS Nagy nói.

Bên cạnh đó, như giới chuyên gia từng nhận định tàu sân bay cũng là công cụ quan trọng để Bắc Kinh theo đuổi tuyên bố chủ quyền phi pháp ở Biển Đông. Thực tế, thời gian qua, tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc vẫn thường xuyên hoạt động tại vùng biển này.

 

Theo Ngô Minh Trí (thanhnien)

 

Có thể bạn quan tâm