Sức khỏe

Tin tức

Buổi đầu của kỳ tích ghép tim xuyên Việt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Kỹ thuật ghép tim xuyên Việt của Bệnh viện Trung ương Huế giờ đã thành một kỹ thuật thường quy. 

Nhưng trước đó, chuyện vận chuyển tim qua cả ngàn cây số kịp ghép cứu sống bệnh nhân vừa là kỳ tích, vừa giúp đề tài khoa học được hoàn thiện và đoạt giải nhất Cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật VIFOTEC lần thứ 15.

KỲ TÍCH CỦA Y HỌC

Ngày 13.6.2018, đang dự kỳ họp Quốc hội tại Hà Nội, giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Phạm Như Hiệp, đại biểu Quốc hội, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, nhận được thông tin từ Bệnh viện Việt Đức và Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia cho biết có nguồn tạng hiến từ người cho chết não tại Bệnh viện Việt Đức.

Các y bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế thực hiện ghép tim cho bệnh nhân

Các y bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế thực hiện ghép tim cho bệnh nhân

Lập tức, giáo sư Phạm Như Hiệp xin nghỉ họp để tham gia phẫu thuật lấy tạng rồi trực tiếp cùng các chuyên gia bảo quản tim của Bệnh viện Việt Đức vận chuyển quả tim từ Hà Nội vào TP.Huế để ghép cho bệnh nhân. Khi đó, quả tim cũng chưa được chuyển thẳng về Huế mà phải "vòng" vào Đà Nẵng vì cần chuyến bay phù hợp, sau đó mới được vận chuyển ra Huế bằng ô tô, nhưng phải đảm bảo thời gian cho phép thiếu máu tạng (từ khi lấy tim tại Bệnh viện Việt Đức về đến Bệnh viện Trung ương Huế chỉ 3 giờ 30 phút). Thời gian chờ kết quả phản ứng đọ chéo (âm tính) để quyết định mổ ghép cũng là một thử thách khác.

Để quả tim di chuyển vào Huế phù hợp với "lộ trình" vừa hoạch định, giáo sư - tiến sĩ Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, đã quyết định phẫu thuật lấy đa tạng lúc 16 giờ cùng ngày. Cùng thời điểm, tại Bệnh viện Trung ương Huế, ê kíp ghép tim đã bắt tay chuẩn bị cho bệnh nhân Phạm Văn Cơ (khi ấy 15 tuổi, bị suy tim giai đoạn cuối do mắc bệnh cơ tim giãn, đã được đặt máy khử rung tim tự động ICD) sẵn sàng chờ ghép. Sau khi quả tim được đưa về Huế, kíp mổ do thạc sĩ - bác sĩ Trần Hoài Ân, nguyên Giám đốc Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Trung ương Huế, thực hiện với sự chỉ đạo trực tiếp của giáo sư Phạm Như Hiệp.

Ca ghép tim diễn ra từ 2 giờ 30 ngày 14.6.2018, kết thúc lúc 6 giờ. Đến 9 giờ cùng ngày, bệnh nhân Cơ hồi tỉnh… "Bệnh nhân Cơ còn rất trẻ nhưng bị suy tim rất nặng với dự báo thời gian sống còn rất ngắn (dưới 6 tháng), cần được ghép sớm. Bây giờ, bệnh nhân được thay tim vẫn ổn định và sống khỏe mạnh là một kỳ tích của y học và là kỷ niệm khó quên đối với lịch sử ghép tim tại bệnh viện chúng tôi", giáo sư Phạm Như Hiệp nhớ lại.

Giáo sư Hiệp cho biết quy trình ghép tim đòi hỏi phối hợp đa chuyên khoa gồm ngoại khoa, nội khoa, chạy máy tim phổi nhân tạo, gây mê hồi sức, miễn dịch, phục hồi chức năng sau mổ… Bên cạnh trang thiết bị được đầu tư, việc thiết lập các tổ chuyên môn, xây dựng quy trình chuẩn mực, huấn luyện kỹ càng là điều kiện cần và đủ cho thực hiện ghép tim thuần thục. "Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Trung ương Huế đã chuyên sâu về phẫu thuật tim, hằng năm thực hiện xấp xỉ 1.000 ca phẫu thuật tim hở, tuần hoàn ngoài cơ thể và hồi sức tim, trong đó có những ca phức tạp. Trong môi trường ấy, đội ngũ nhân lực được rèn luyện, làm việc chuyên nghiệp là tiền đề cho kỹ thuật ghép tim xuyên Việt thành công. Bây giờ, bệnh viện đã có thiết bị chuyên dụng để vận chuyển tim, nhưng với những ca đầu tiên, chúng tôi phải sử dụng thùng nước đá để giữ lạnh cho tim", giáo sư Phạm Như Hiệp chia sẻ.

Giáo sư - tiến sĩ Phạm Như Hiệp (thứ 2 từ trái sang) trong lần xin nghỉ họp Quốc hội đột xuất để tham gia phẫu thuật lấy tim và vận chuyển về Huế . Ảnh: GS PHẠM NHƯ HIỆP CUNG CẤP

Giáo sư - tiến sĩ Phạm Như Hiệp (thứ 2 từ trái sang) trong lần xin nghỉ họp Quốc hội đột xuất để tham gia phẫu thuật lấy tim và vận chuyển về Huế . Ảnh: GS PHẠM NHƯ HIỆP CUNG CẤP

HỒI SINH NHỮNG CUỘC ĐỜI

Trong số hàng chục nhân viên bảo vệ làm việc tại Bệnh viện Trung ương Huế, ít ai biết có một người từng là bệnh nhân được thay tim. Anh Trần Mậu Đức, năm nay 38 tuổi, người đã được thay quả tim mới để có một cuộc đời mới, chính là bệnh nhân đầu tiên được ghép tim tại Bệnh viện Trung ương Huế vào năm 2011. Trường hợp của anh Đức cũng là ca ghép tim đầu tiên do chính bác sĩ Việt Nam thực hiện, quả tim lấy từ người cho bị chết não.

Tại nhà riêng trên đường Nguyễn Công Trứ (TP.Huế), anh Trần Mậu Đức kể lại hành trình sau ngày được thay tim: "Tôi trở về phụ vợ bán rau. Nhưng để có tiền thuốc thang và phụ giúp gia đình, tôi chuyển sang bốc vác cho một đại lý sữa". Thế rồi, trong những lần anh Đức trở lại bệnh viện tái khám, khi hỏi thăm công việc của anh, các bác sĩ lo ngại vì công việc nặng nhọc sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Thế là lãnh đạo bệnh viện tìm cho anh một "suất" làm nhân viên bảo vệ, vừa có thu nhập ổn định vừa tiện theo dõi sức khỏe. Năm 2013, vợ chồng anh Đức sinh thêm một bé gái. Hạnh phúc dung dị càng nhắc nhớ anh luôn tâm niệm phải sống tốt để xứng đáng với trái tim người đã khuất đang đập trong lồng ngực…

Anh Trần Mậu Đức, nhân viên bảo vệ bệnh viện, là người được ghép tim

Anh Trần Mậu Đức, nhân viên bảo vệ bệnh viện, là người được ghép tim

Sau ca bệnh của anh Đức, đến lượt ông Trần T. ở vùng đầm phá Cầu Hai (H.Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế) được ghép tim. Ghép sau, nhưng ông T. lại ghi "dấu ấn" khi trở thành bệnh nhân đầu tiên của Bệnh viện Trung ương Huế được thực hiện quy trình kỹ thuật ghép tim xuyên Việt. Ở tuổi 57, ông T. vẫn khỏe mạnh và đã trở lại với nghề xây dựng. "Tôi thở khỏe hơn, sống tốt hơn, ngày đi làm, tối về sum vầy với con cháu. Đời tôi tưởng chấm hết, nhưng nay đã hồi sinh ngoạn mục", ông chia sẻ.

Kỳ diệu hơn, qua một chương trình cầu truyền hình, ông T. được gặp gia đình người đã hiến tim cho mình. Bây giờ, ông có thêm nhiều người thân ở một quê hương mới. Trái tim hồng không chỉ cho ông cuộc sống, mà còn giúp ông cảm nhận sâu sắc tình người cao đẹp.

Trở lại với cậu bé Phạm Văn Cơ ngày nào, nay đã là chàng trai 20 tuổi, được "ghi danh" là bệnh nhân ghép tim xuyên Việt thứ hai sau ông T. Hiện Cơ đang làm thợ cắt tóc ở Q.Ngũ Hành Sơn, TP.Đà Nẵng. "Em như được sinh ra lần thứ hai nhờ trái tim hiến tặng và nỗ lực của các bác sĩ", Cơ tâm sự.

Từ năm 2011 đến nay, tại Bệnh viện Trung ương Huế đã có 10 ca ghép tim thành công, trong đó có 9 ca ghép tim xuyên Việt, mang lại cuộc đời mới cho 10 bệnh nhân vốn đã cận kề cửa tử. Đây là thành tựu y khoa nổi bật mang dấu ấn của đội ngũ y bác sĩ Việt trên hành trình chinh phục đỉnh cao y học thế giới. Sau ca ghép tim xuyên Việt thứ hai (bệnh nhân Phạm Văn Cơ), Bệnh viện Trung ương Huế hoàn thiện đề tài khoa học "Ghép tim xuyên Việt" và đã nhận giải nhất Cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật VIFOTEC lần thứ 15 (năm 2018-2019), được công bố trong Sách vàng sáng tạo Việt Nam năm 2020 của Ban thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Có thể bạn quan tâm