(GLO)- Thế hệ trẻ ngày nay chắc không biết sổ gạo là gì và vì sao lại “buồn như mất sổ gạo”? Để hiểu điều này thì phải quay lại lịch sử hơn 60 năm về trước…
Sau Hiệp định Genève 1954, nước ta tạm thời chia làm 2 miền. Do nguồn lúa gạo miền Nam cung cấp cho miền Bắc không còn, từ tháng 3-1957, thoạt đầu Nhà nước chỉ thực hiện chế độ cung cấp chế độ gạo ăn hàng tháng cho cán bộ, công nhân, viên chức, lực lượng vũ trang và sinh viên các trường đại học, trung học chuyên nghiệp với giá thống nhất là 4 hào/kg. Tuy nhiên, sang đến những năm 60, giá gạo tăng vọt do tình hình sản xuất lương thực của các hợp tác xã nông nghiệp ngày càng giảm sút, cầu quá lớn trong khi nguồn cung có hạn, Nhà nước phải thành lập một cơ quan chuyên trách là Tổng cục Lương thực trực thuộc Chính phủ, đồng thời chính thức cho ra đời sổ đăng ký mua lương thực và tem lương thực. Sổ gạo-tên gọi nôm na của sổ đăng ký mua lương thực ra đời từ đó. Nó có giá trị như một thứ tiền tệ, áp dụng cho toàn miền Bắc, sau giải phóng nhân rộng ở miền Nam đến tận cuối những năm 80.
Suốt cả thời sinh viên cho đến khi ra trường nhận công tác, hơn 11 năm liền, tôi đều được ăn “gạo Nhà nước”. Thời sinh viên 17 kg/tháng và thời làm báo là 15 kg/tháng. Cũng cần biết đó là một sự ưu tiên bởi theo chế độ định lượng bấy giờ, cán bộ, công chức, viên chức hành chính sự nghiệp, nhân dân thành thị là 13,5 kg/tháng; lực lượng vũ trang 21 kg/tháng. Công nhân sản xuất trực tiếp, tùy công việc mà có chế độ 15-21 kg/tháng. Tuy nhiên, định lượng đó không được toàn gạo mà phải độn. Từ “độn” có lẽ xuất hiện vào khoảng năm 1967 khi ở miền Bắc chiến tranh ngày càng ác liệt, sản xuất bị đình trệ do bom đạn tàn phá nặng nề, cả viện trợ của các nước xã hội chủ nghĩa cũng không đủ. Tất cả đều phải ăn độn-thường là 30%, chỉ trẻ em dưới 3 tuổi mới được mua 100% gạo. Dù sao, tỷ lệ đó cũng chưa là gì so với quãng thời gian 1976-1984. Bấy giờ, sau khi đất nước thống nhất, cứ tưởng với vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long, những người hưởng chế độ gạo cung cấp sẽ thoát khỏi cơm độn. Nhưng rồi chiến tranh ở hai đầu đất nước nổ ra, rồi liên tiếp 2 năm (1978-1979) Nam bộ xảy ra 2 trận lụt lớn. Bên cạnh đó, việc hợp tác hóa lại chỉ khiến sản lượng lương thực giảm sút, chỉ tiêu 21 triệu tấn lương thực không năm nào đạt được khiến tỷ lệ “độn” đối với những người ăn gạo Nhà nước thời điểm này có khi lên tới 50%. Người dân TP. Hồ Chí Minh kêu phải ăn bo bo là điều chưa từng thấy trong lịch sử; nhưng ở nhiều tỉnh khác, được ăn thứ hạt này đã là điều hạnh phúc. Mì lát khô chặt khúc, mì tươi, khoai lang… nghĩa là tất cả những gì các cửa hàng lương thực vét được thì đều phải chấp nhận. Gia Lai bấy giờ độn phổ biến mì lát và khoai lang khô. Tuy nhiên, do không được bảo quản tốt, 2 thứ này khi đến tay người ăn đã mọt lỗ chỗ như mặt sàng, chẳng còn chút mùi vị. Để nuốt được, các bếp ăn tập thể phải xay thành bột rồi nặn bánh hấp lên.
Được hưởng tiêu chuẩn lương thực cung cấp của Nhà nước là thế, nhưng để mua được nó cũng chẳng dễ dàng. Gặp khi nguồn cung không đủ, có tháng phải mua thành 2, 3 đợt. Lại do đối tượng có sổ lương thực quá lớn, các cửa hàng phải lên lịch cho từng khu vực. Ai không có “tay trong” là nhân viên lương thực, muốn mua được sớm để có cơ may khỏi phải nhận những lô gạo mốc xì, lẫn nhiều cát sạn thì phải đi xếp sổ từ mờ sáng rồi rồng rắn giữ chỗ để coi chừng kẻ chen ngang. Đặc biệt là phải coi chừng mất sổ gạo. Mất sổ gạo bấy giờ đích thực là một tai họa. Xin cấp lại sổ phải qua nhiều thủ tục phiền phức đã đành, thời gian chờ có sổ lấy gì ăn mới là chuyện nan giải. Giá gạo ngoài thị trường cao gấp 10 lần giá Nhà nước, lương cán bộ, công nhân, viên chức thời ấy sao có thể kham. Thế nên thấy ai vẻ mặt buồn bã hay ngơ ngẩn vì chuyện gì, người ta lại ví von tiếu lâm “buồn như mất sổ gạo” hay “ngẩn ngơ như người mất sổ gạo” là thế!
Sức chịu đựng của con người quả là phi thường… Cho đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, khi đất nước tiến vào công cuộc đổi mới, chế độ khoán trong nông nghiệp được áp dụng rộng rãi thì tình hình mới bắt đầu sáng sủa. Giá gạo thị trường xuống dần và đến giữa năm 1989 thì đã thấp hơn giá gạo Nhà nước. Theo đó, tại các cửa hàng lương thực, tình cảnh từng hàng người rồng rắn xếp hàng cũng biến mất. Các công ty lương thực quyền thế một thời lặng lẽ giải thể không kèn không trống. Cuốn sổ gạo tựa “bùa hộ mệnh” cũng lặng lẽ chìm vào dĩ vãng. Từ chỗ thiếu đói triền miên, trong đời sống hôm nay hạt gạo đã trở thành “chuyện nhỏ”. Ôn lại “chuyện cổ tích” về sổ gạo để thấm thía hơn giá trị của công cuộc đổi mới.
NGỌC TẤN