(GLO)- Gần 40 năm sống và làm việc ở Tây Nguyên, tôi không thể nhớ mình đã đi qua bao nhiêu dòng sông, con suối, bến nước, buôn làng, bao lần được nhập thân vào trong không gian lễ hội dân gian truyền thống của các dân tộc Tây Nguyên. Nhưng tôi không thể nào quên được những kỷ niệm của những ngày đầu mới đặt chân lên mảnh đất đầy nắng và gió này.
Tháng 3-1984, vừa mới nhận công tác tại Sở Văn hóa và Thông tin Gia Lai-Kon Tum, tôi và nhạc sĩ Phạm Cao Đạt được Giám đốc Sở Trịnh Kim Sung giao trách nhiệm dàn dựng 1 chương trình nghệ thuật cho tốp ca khúc chính trị của tỉnh đi biểu diễn chào mừng 30 năm Chiến thắng Điện Biên tại tỉnh Lai Châu (khi đó Điện Biên thuộc tỉnh Lai Châu).
Ông Trịnh Kim Sung nhấn mạnh: “Chương trình biểu diễn phải mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Muốn vậy, ngoài mấy ca khúc của các nhạc sĩ đã viết về Điện Biên, các cậu nghiên cứu, sáng tác cho bằng được một số ca khúc mang âm hưởng và phong cách Jrai, Bahnar, Tây Nguyên. Nội dung bài hát phải nói lên được tình cảm của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đối với sự kiện lịch sử này”. Mấy ngày sau, ông Trịnh Kim Sung dẫn chúng tôi lên làm việc với Phòng Văn hóa thị xã Kon Tum để điều động tốp ca khúc chính trị của thị xã về tỉnh tập luyện chương trình nghệ thuật.
Sau mấy đêm trăn trở, cuối cùng tôi cũng đã hoàn thành ca khúc “Hát mừng Điện Biên”. Viết xong, tôi hát cho mọi người cùng nghe. Vừa hát, tôi vừa lo, không biết tác phẩm của mình có “mang âm hưởng và phong cách Jrai, Bahnar, Tây Nguyên” hay không!
Nghe xong, ông Nay Quách và nhạc sĩ Phạm Cao Đạt vỗ vai tôi và nói: “Chúc mừng cậu, bài hát được lắm, khá lắm. Cậu mới vào Tây Nguyên mà khá đấy, phong cách Tây Nguyên là vậy đấy. Lời chúc mừng chỉ ngắn gọn vậy thôi mà tôi thấy hạnh phúc biết nhường nào". Còn ông Nay Quách thì bảo: “Bài này rất hợp với Rơ Mah Bleo” (Rơ Mah Bleo lúc bấy giờ là Phó Hiệu trưởng Trường Dân tộc Nội trú huyện Ayun Pa và là ca sĩ khá nổi tiếng của tỉnh).
Sau đó, nhạc sĩ Phạm Cao Đạt báo cáo với ông Trịnh Kim Sung về bài hát mà tôi vừa sáng tác. Thay lời động viên, khích lệ, ông Sung điều cho tôi 1 chiếc xe Jeep để đi Ayun Pa mời thầy giáo Rơ Mah Bleo về tham gia tốp ca khúc chính trị. Thật là một điều hạnh phúc cho tôi khi được gặp thầy Bleo “tay bắt mặt mừng”, mới gặp nhau lần đầu mà tựa hồ như đã thân quen từ lâu! Tôi hát cho Rơ Mah Bleo nghe bài hát mà mình vừa sáng tác và đưa giấy triệu tập cho ông. Cầm giấy triệu tập trên tay, Rơ Mah Bleo vừa mừng vừa khen bài hát của tôi, chúc mừng tôi rồi nói: “Mình rất thích nhạc của Hoan”.
Tác giả (bìa phải) trong một lần đi thực tế sáng tác. Ảnh: Lê Xuân Hoan |
Kể từ đó, được sự động viên khích lệ của ông Trịnh Kim Sung, bạn bè, đồng nghiệp và gia đình, đặc biệt là sự dạy dỗ, đùm bọc, chở che của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, tôi bắt đầu đi sâu vào tìm hiểu, nghiên cứu kho tàng âm nhạc dân gian Tây Nguyên.
Mới đó mà đã hơn 1/3 thế kỷ đi qua. Mặc dù đã trải qua biết bao khó khăn vất vả, có nhiều lúc tưởng chừng như không thể vượt qua, nhưng với sự nỗ lực của bản thân, ngoài công tác quản lý, giảng dạy và sáng tác âm nhạc, đến nay, tôi đã hoàn thành một số công trình nghiên cứu, sưu tầm về âm nhạc dân gian của các dân tộc Tây Nguyên, trong đó có 6 cuốn sách đã được xuất bản gồm: Dân ca Jrai (tập 1 và 2), Một số đặc trưng cơ bản trong âm nhạc dân gian Jrai, Dân ca Bahnar, Tìm hiểu thang âm điệu thức trong âm nhạc dân gian Bahnar, Thang âm điệu thức trong âm nhạc dân gian Jrai. Tuy nhiên, những kết quả ấy chưa đáng là bao so với kho tàng văn hóa truyền thống vừa phong phú, vừa độc đáo của các dân tộc Tây Nguyên.
LÊ XUÂN HOAN