Du lịch

Cả hệ thống chính trị Gia Lai vào cuộc quảng bá, xúc tiến hoạt động du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai vừa có Kết luận số 994-KL/TU tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình số 43-CTr/TU, ngày 26-6-2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16-1-2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Hồ Tơ Nưng-Biển Hồ là thắng cảnh hút khách du lịch ở TP. Pleiku. Ảnh tư liệu
Hồ Tơ Nưng-Biển Hồ là thắng cảnh hút khách du lịch ở TP. Pleiku. Ảnh tư liệu
Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa tổ chức hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình số 43-CTr/TU, ngày 26-6-2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16-1-2017 của Bộ Chính trị về phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn (viết tắt là Chương trình 43-CTr/TU, Nghị quyết 08-NQ/TW). Kết thúc Hội nghị, thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên kết luận: Sau hơn 5 năm thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW và Chương trình 43-CTr/TU, các cấp ủy, chính quyền đã có sự đối mới nhận thức về tầm quan trọng của kinh tế du lịch đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; quan tâm chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp để phát triển du lịch trở thành một ngành kinh tế.
Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, Gia Lai có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch; trong đó, tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên có đất đai, khí hậu, rừng quốc gia, hồ, thác và công viên địa chất; có bề dày lịch sử phát triển lâu đời, lịch sử phát triển cộng đồng các dân tộc thiểu số ở tỉnh; về truyền thống văn hóa có các lễ hội, có không gian văn hóa cồng chiêng được UNESCO công nhận; tiềm năng hoạt động nghiên cứu lịch sử về dân tộc, về khảo cổ học; có nền tảng phát triển thể dục thể thao. Tỉnh còn có lợi thế lớn, đó là an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, ổn định, người dân thân thiện, mến khách...
Tuy nhiên, du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; các sự kiện du lịch tổ chức ở quy mô nhỏ, thiếu tính chuyên nghiệp, chưa có sự liên kết giữa các địa phương, chưa tạo sự hấp dẫn và tổ chức định kỳ để thu hút khách du lịch, công tác xã hội hóa các sự kiện chưa được phát huy. Hoạt động quảng bá hình ảnh du lịch của tỉnh chưa đạt hiệu quả cao. Doanh nghiệp kinh doanh lữ hành còn thiếu và yếu dẫn đến hạn chế trong việc kết nối và xây dựng sản phẩm du lịch.
Kết cấu hạ tầng giao thông đến các khu, điểm tham quan du lịch chưa thuận tiện; một số dự án đầu tư du lịch triển khai còn chậm tiến độ; các dịch vụ hỗ trợ cho các hoạt động du lịch chưa được phát triển. Cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia phát triển các loại hình du lịch chưa được quan tâm. Đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về du lịch các huyện, thị xã, thành phố chưa đảm bảo để triển khai hết các nhiệm vụ được giao; nguồn lao động trực tiếp về du lịch ở các địa phương còn ít, hạn chế về kỹ năng và chuyên môn nên chất lượng phục vụ chưa cao.
Hàng thông trăm tuổi đẹp như mơ ở xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh. Ảnh tư liệu
Hàng thông trăm tuổi đẹp như mơ ở xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh. Ảnh internet
Để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị, Chương trình 43-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đề nghị các cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung triển khai tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau: Tiếp tục quán triệt đầy đủ, sâu sắc nội dung Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chương trình số 43-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhằm nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò phát triển du lịch trong định hướng phát triến kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh; tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 07- NQ/TU, ngày 20-1-2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI về đẩy mạnh thu hút các nguôn lực đầu tư cho phát triền nông nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tải tạo và du lịch đến năm 2030.
Phát huy trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội trong công tác quảng bá, xúc tiến các hoạt động du lịch; có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của cấp ủy, sự quản lý thống nhất của nhà nước; phát huy mạnh mẽ vai trò, động lực của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư.
Cùng với đó, nâng cao tính chủ động của từng địa phương trong phát triển du lịch. Tăng cường kết nối, ký kết các chương trình hợp tác phát triển du lịch nhằm quảng bá hình ảnh du lịch của tỉnh, thu hút đầu tư, thu hút khách du lịch. Rà soát các chính sách ưu đãi, kêu gọi đầu tư của tỉnh; trong đó, ưu tiên thu hút đầu tư vào các dự án du lịch, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư về chính sách thuế, mặt bằng, hỗ trợ kết cấu hạ tầng... Cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho mọi thành phần kinh tế tham gia vào hoạt động du lịch; đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn lực đầu tư phát triển du lịch. Xây dựng các chính sách hỗ trợ đầu tư, nghiên cứu, sáng tạo các sản phẩm, dịch vụ du lịch. Khuyến khích và tạo điều kiện để doanh nghiệp, cá nhân đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, rà soát, điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đường bộ, đặc biệt các tuyến đường đến các điểm có tài nguyên phát triển du lịch để tăng khả năng tiếp cận và kết nối các điểm du lịch và thu hút đầu tư, khai thác. Nghiên cứu bố trí nguồn lực nhà nước hợp lý cho đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch, thu hút kêu gọi đầu tư, xúc tiến quảng bá du lịch.
Đồng thời, quảng bá hình ảnh, văn hóa, sản phẩm du lịch; từng bước khẳng định thương hiệu du lịch Gia Lai với du khách trong và ngoài nước. Phát huy giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số (nhất là không gian văn hóa cồng chiêng, dân ca), phục dựng các lễ hội giá trị văn hóa dân tộc, các môn thể thao truyền thống; nghiên cứu thí điếm một số hoạt động văn hóa du lịch, hoạt động kinh tế đêm trong đô thị...
TRẦN ĐỨC

Có thể bạn quan tâm