Kinh tế

Doanh nghiệp

Cả nước có hơn 120.000 doanh nghiệp thành lập mới trong 11 tháng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Số doanh nghiệp thành lập mới tháng 11/2020 tăng 7,3% so với tháng trước và tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2019. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 5,4% và tăng 59,8%.

(Ảnh minh họa: Quang Quyết/TTXVN)
(Ảnh minh họa: Quang Quyết/TTXVN)


Tổng cục Thống kê cho biết thực hiện mục tiêu kép vừa kiểm soát được dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội nên số lượng doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động có nhiều chuyển biến tích cực.

Số doanh nghiệp thành lập mới tháng 11/2020 tăng 7,3% so với tháng trước và tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2019. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 5,4% và tăng 59,8%.

Đặc biệt, số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới trong tháng tăng 72% so với tháng trước và tăng 103,5% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung 11 tháng năm 2020, cả nước có gần 124,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, giảm 1,9% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, quy mô vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới tăng 21,7%.

Trong tháng 11/2020, cả nước có gần 13,1 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 284 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký là 119 nghìn lao động, tăng 7,3% về số doanh nghiệp, tăng 72% về vốn đăng ký và tăng 65,3% về số lao động so với tháng trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 21,8 tỷ đồng, tăng 60% so với tháng trước và tăng 90% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong tháng, cả nước còn có 5.315 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 5,4% so với tháng trước và tăng 59,8% so với cùng kỳ năm 2019; có 2.771 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 15,9% và tăng 30%; có 4.471 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 24,9% và tăng 5,7%; có 1.941 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 37,4% và tăng 30,6%.

Tính chung 11 tháng, cả nước có gần 124,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.878 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 970 nghìn lao động, giảm 1,9% về số doanh nghiệp, tăng 19,3% về vốn đăng ký và giảm 14,7% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 11 tháng đạt 15,1 tỷ đồng, tăng 21,7% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng cục Thống kê cho biết, nếu tính cả 3.086 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 36,2 nghìn doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 11 tháng năm nay là 4.965,8 nghìn tỷ đồng, tăng 35,1% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, còn có 40,8 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 10,7% so với 11 tháng năm 2019, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 11 tháng lên gần 165,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước. Trung bình mỗi tháng có 15 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Trong 11 tháng có gần 93,5 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: 44,4 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 59,7%; 33,6 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 11,7%; hơn 15,4 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 3,1%. Trung bình mỗi tháng có 8,5 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp thời gian tới, ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng, Tổng cục Thống kê cho rằng, các doanh nghiệp cần tìm kiếm đối tác kinh doanh, kịp thời tháo gỡ khó khăn, phát huy hiệu quả vốn đầu tư của doanh nghiệp vào toàn nền kinh tế.

Bên cạnh đó, Chính phủ, Quốc hội xem xét, bổ sung thêm các sắc thuế, phí cần miễn giảm; kéo dài thời hạn hoãn các khoản phải nộp, phải trả của doanh nghiệp; nới trần hạn mức tăng trưởng tín dụng cho vay… hỗ trợ cho doanh nghiệp có nguồn vốn đầu tư để ổn định.

“Tổng cục Thống kê kiến nghị, cần có chính sách khuyến khích và hạn chế nhập khẩu phù hợp với tình hình sản xuất, cung cầu trong nước như khuyến khích nhập khẩu máy móc thiết bị mở rộng sản xuất, hạn chế nhập khẩu các mặt hàng, nhóm hàng hóa trong nước có đủ năng lực sản xuất…,” ông Thúy nhấn mạnh.

Cùng với đó, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong việc tìm thị trường nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu, phụ tùng, linh kiện thay thế, tháo gỡ khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời, vận động người dân ưu tiên dùng hàng trong nước, ủng hộ doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong giai đoạn khó khăn.

Theo Thúy Hiền (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm