Mặc dù sở hữu bộ da rất dày và xù xì nhưng cá sấu lại là một trong những loài vật có độ xúc cảm trên da cao nhất.
Ảnh minh họa. |
Nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ tại Đại học Vanderbilt phát hiện cá sấu có xúc cảm đặc biệt nhờ vào những nốt lồi trên da. Trong đó chứa những bộ phận cảm biến khiến độ nhạy cảm với áp lực và dao động cao hơn cả xúc cảm của ngón tay người.
Đối với loài cá sấu châu Mỹ (alligator), những nốt nhạy cảm này tập trung rất nhiều quanh mặt và hàm.
Các nhà khoa học đã khảo sát những nốt lồi là cơ quan nhạy cảm ở da (ISO) của cá sấu, sau đó nêu lên các giả thuyết khác nhau về chức năng của chúng như nguồn để tiết chất dầu; phát hiện điện trường, từ trường, độ mặn của nước; cũng như phát hiện áp lực và độ dao động bên ngoài.
Lần này, nhóm nghiên cứu khảo sát chi tiết về ISO và những kết nối thần kinh ở não, phát hiện tập hợp khác nhau của những “thụ thể cơ học” - tế bào thần kinh phản ứng với áp lực và dao động.
Kết quả cho thấy, cá sấu có thể cảm nhận được dao động chỉ ở tần số từ 20 - 35 herzt, bằng với dao động gợn sóng lăn tăn của nước.
Những phân tích này khiến các nhà khoa học cho rằng xúc giác của cá sấu đặc biệt nhạy cảm, cho phép chúng săn mồi bằng gợn sóng do con mồi đang bơi tạo ra. Những ISO quanh hàm và mặt giúp chúng đớp con mồi cực nhanh.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Journal of Experimental Biology.
Theo nld