Tiểu bậy nơi công cộng sẽ bị "bêu" tên trên báo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Từ 1-2-2017, ngoài bị phạt tiền, các cá nhân có hành vi đi vệ sinh không đúng nơi quy định sẽ bị nêu tên công khai về vi phạm trên trang thông tin điện tử hoặc trên báo.

 
Một người tiểu bậy bị bắt quả tang ( Ảnh: CTV, nguồn: Tuoitre)
Một người tiểu bậy bị bắt quả tang ( Ảnh: CTV, nguồn: Tuoitre)


Theo Nghị định số 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường vừa được Chính phủ ban hành, kể từ ngày 1-2-2017 (tức Mùng 5 Tết Đinh Dậu), hành vi đi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định sẽ bị xử phạt hành chính 1-3 triệu đồng.

Ngoài việc bị phạt tiền, các cá nhân vi phạm sẽ bị nêu tên công khai thông tin về vi phạm trên trang thông tin điện tử hoặc trên báo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi xảy ra vi phạm.

Theo Nghị định, thẩm quyền xử phạt những hành vi vi phạm môi trường là công an xã, phường, thị trấn và cán bộ trật tự công cộng đang thi hành nhiệm vụ liên quan đến bảo vệ môi trường tại các khu đô thị, khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng; cán bộ, công chức, viên chức thuộc Ban quản lý rừng, Ban quản lý các vườn Quốc gia...

Những lực lượng có thẩm quyền xử lý người vi phạm sẽ trực tiếp bắt quả tang hoặc thông qua các biện pháp nghiệp vụ, ghi hình... Theo quy định, số tiền xử phạt từ những hành vi này sẽ được các đơn vị xử phạt giữ lại 70% để chi hỗ trợ lực lượng, chi phí tập huấn, sơ kết, mua tin (chi phí mua tin không quá 10% số tiền phạt và mỗi vụ không quá 50 triệu đồng), trang bị phương tiện phát hiện hành vi vi phạm... 30% còn lại nộp vào ngân sách trung ương. Việc áp dụng xử phạt sẽ bắt đầu từ tháng 2-2017.

Bên cạnh đó, một số hành vi vi phạm khác rất phổ biến trong sinh hoạt thường ngày của người dân cũng sẽ bị áp dụng mức xử phạt hành chính theo nghị định này như: vứt tàn, mẩu thuốc lá không đúng nơi quy định bị phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng; vứt rác thải bừa bãi tại khu chung cư, thương mại,...bị phạt 3-5 triệu đồng. Đặc biệt, hành vi vứt rác thải lên vỉa hè, đường phố, hệ thống thoát nước sẽ bị xử phạt 5-7 triệu đồng,...

Ngoài ra, đối với các khu công nghiệp, tái chế... nếu vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường sẽ bị phạt 5-500 triệu đồng. Trong đó, mức xử phạt cao nhất 400-500 triệu sẽ được áp dụng cho hành vi không trang bị hệ thống xử lý nước thải tập trung theo quy định.

Về vấn đề bảo vệ môi trường biển, đối với hành vi đổ các loại hóa chất độc hại, chất thải rắn, nước thải không xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật xuống vùng biển thuộc khu bảo tồn thiên nhiên, di sản tự nhiên,... sẽ bị phạt từ 250 triệu đồng đến 500 triệu đồng.

Nghị định cũng nêu rõ, phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng đối với hành vi đổ chất thải nguy hại, chất thải có chứa chất phóng xạ xuống vùng biển Việt Nam, trừ các trường hợp hành vi tội phạm về môi trường.

Theo doanhnghiepvn.vn/Vnexpress

Có thể bạn quan tâm