Tại sao ông già Noel chui qua ống khói mà không bị phát hiện?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Các nhà nghiên cứu Anh vận dụng Thuyết tương đối của Albert Einstein để giải thích một cách khoa học lý do ông già Noel mang quà chui qua ống khói vào đêm Giáng sinh mà không bị phát hiện.
 

Theo truyền thuyết, ông già Noel thường chui qua ống khói để mang quà cho các em nhỏ vào đêm Giáng sinh.
Theo truyền thuyết, ông già Noel thường chui qua ống khói để mang quà cho các em nhỏ vào đêm Giáng sinh.

Nhóm nghiên cứu tại Đại học Exeter, Anh, chỉ ra Thuyết tương đối của nhà vật lý Albert Einstein có thể dễ dàng giải thích cách ông già Noel dùng để tặng quà cho hơn 700 triệu trẻ em trong một đêm mà không bị nhìn thấy hoặc nghe thấy, theo kết quả trình bày tại Liên hoan Khoa học Giáng sinh.

"Tới thăm khoảng 700 triệu trẻ em trên toàn thế giới trong một đêm có nghĩa là ông già Noel sẽ phải di chuyển với tốc độ 10 triệu cây số một giờ nếu không muốn bỏ sót bất kỳ em bé nào ", Nature World News hôm 15-12 dẫn lời tiến sĩ Katy Sheen, một nhà vật lý Đại học Exeter.

"Làm sao ông già Noel có thể đạt được tốc độ phi thường như thế? Chắc chắn một điều là ông ấy sẽ cần rất nhiều nhiên liệu!". Theo tính toán của tiến sĩ Sheen, các chú tuần lộc cần chở Santa bay với tốc độ khoảng 10 triệu km/h trong 31 giờ để có thể tới thăm tất cả các trẻ em ở tất cả các múi giờ.

Dù ông già Noel thường được biết với bộ râu trắng và tầm vóc lớn, với tốc độ di chuyển cao như trên, kích thước của ông già tuyết bị thu nhỏ theo thuyết tương đối và có thể chui vừa mọi ống khói.

Thuyết tương đối cũng có thể giải thích lý do tại sao những đứa trẻ mong ông già Noel vào ban đêm hiếm khi phát hiện khoảnh khắc ông già Noel chui vào ống khói. Việc ông già Noel không bị phát hiện là do hiệu ứng Doppler, một hiệu ứng ánh sáng bị thay đổi tần số khi phản xạ từ một vật đang di chuyển. Với tốc độ nhanh hơn 200.000 lần so với người đàn ông nhanh nhất thế giới, Usain Bolt, hiệu ứng Doppler sẽ thay đổi màu sắc của ông già Noel, biến ông từ màu đỏ sang màu xanh lá cây và cuối cùng những hình ảnh về ông già Noel hoàn toàn biến mất.

Tiến sĩ Sheen giải thích tốc độ cao của xe trượt tuyết có thể làm tan biến sóng ánh sáng phát ra, làm ông già Noel trở nên vô hình. Mặt khác, những âm thanh được tạo ra bởi ông già Noel quá cao đối với ngưỡng tần số âm thanh nghe được của con người, làm cho mọi tiếng động tạo ra trở nên hoàn toàn yên tĩnh.

Cơ hội duy nhất để chúng ta có thể phát hiện ông già Noel là lúc chiếc xe tuần lộc gia tốc phá vỡ tốc độ âm thanh, tạo ra một tiếng nổ.

Những giải thích cho sự xuất hiện bí ẩn của ông già Noel được đưa ra để đem lại cái nhìn khoa học cho trẻ em. Tiến sĩ Sheen không có kế hoạch xuất bản các kết quả này và cho rằng các tính toán của mình chỉ được thực hiện với mong muốn làm cho vật lý trở nên thú vị hơn đối với các em nhỏ.

Theo Vnexpress

Có thể bạn quan tâm