Thể thao

Thể thao cộng đồng

Các CLB nói gì khi V-League biến động do Than Quảng Ninh bị loại?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Từ đội bóng được mệnh danh “đại gia vùng Đông Bắc bộ”, Than Quảng Ninh đã “biến mất” khỏi bản đồ bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam bởi sa lầy vào những sự cố tài chính. Không còn tên đội bóng vùng mỏ ở mùa sau, V-League 2022 dự kiến sẽ có sự thay đổi như thế nào?
Nỗi đau để lại
Than Quảng Ninh là CLB duy nhất trong số 14 CLB ngoại hạng Việt Nam không đáp ứng một loạt các tiêu chí cấp phép do Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) quy định, trong đó có những tiêu chí mang tính chất bắt buộc về tài chính, nhân lực hành chính và thể thao. Công ty TNHH một thành viên bóng đá Quảng Ninh do Chủ tịch CLB Phạm Thanh Hùng làm chủ đã xin giải thể, không thể giải quyết được đống nợ khổng lồ gồm lương, thưởng và tiền chuyển nhượng cầu thủ.
Một trong những CLB có lối chơi giàu bản sắc nhất Việt Nam đã bị tan rã khi cầu thủ phải tứ tán khắp nơi. Tất cả cay đắng ký vào giấy thanh lý kèm điều kiện không được khiếu kiện, không được tiếp tục đòi nợ, để được giải phóng tìm bến đỗ mới. Mọi thứ đã chấm dứt với đội bóng vùng than.

Việc thiếu CLB Than Quảng Ninh (phải) buộc V-League 2022 phải điều chỉnh lại phương án thi đấu. Ảnh: Minh Tú
Việc thiếu CLB Than Quảng Ninh (phải) buộc V-League 2022 phải điều chỉnh lại phương án thi đấu. Ảnh: Minh Tú
Số lượng trận sụt giảm
Trả lời PV Thanh Niên, một lãnh đạo Sở VH-TT Quảng Ninh cho biết đến thời điểm này địa phương chưa nhận thêm tin gì mới liên quan đến CLB Than Quảng Ninh, ngoài việc bị loại khỏi V-League 2022 như thông báo của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) mới đây. Được biết, cũng có doanh nghiệp bày tỏ nguyện vọng được “ôm” CLB Than Quảng Ninh nhưng với điều kiện không phải gánh món nợ cũ mà muốn làm lại từ đầu khi cho đội bóng “khởi nghiệp” từ giải hạng ba. Dĩ nhiên tỉnh không đồng ý. Và giải đấu cao nhất của Việt Nam mùa 2022 sẽ chỉ còn 13 thay vì 14 đội như trước. Việc CLB Than Quảng Ninh bị cấm thi đấu đặt ra những thách thức không nhỏ cho những nhà tổ chức, đồng thời có thể mở ra những điều chỉnh quan trọng trong quá trình chuẩn bị của 13 CLB chuyên nghiệp còn lại.
Một quan chức của Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) cho hay VPF đã dự kiến hai phương án cho mùa giải mới. Nếu V-League 2022 vận dụng thể thức thi đấu vòng tròn hai lượt (26 vòng) với 13 đội thì số vòng mặc dù không thay đổi nhưng số lượng trận giảm đi 26 trận - từ 182 trận xuống còn 156 trận. Mỗi vòng đấu có 1 đội nghỉ. Được biết, nếu V-League 2022 thi đấu 20 vòng thì dự kiến sẽ chia thành 2 giai đoạn như mùa 2020. Giai đoạn 1 gồm 13 vòng với 78 trận, giai đoạn 2 dự kiến tách nhóm, gồm nhóm đua trụ hạng có 7 vòng với 21 trận, nhóm đua vô địch có 5 vòng với 15 trận. Tuy nhiên, nếu phương án 26 vòng thì không cần phải xin ý kiến Ban Chấp hành VFF, còn nếu là phương án 20 vòng thì bắt buộc phải lấy ý kiến chỉ đạo định hướng của VFF.
Cũng theo vị quan chức này: “Vì V-League chỉ còn 13 đội nên cũng cần tính toán lại các suất lên xuống hạng cho mùa sau mà vấn đề này cũng phải do Ban Chấp hành VFF quyết định. Dĩ nhiên, hiện tại chúng tôi tiếp tục xây dựng các phương án dự phòng, tùy thuộc vào từng cấp độ để các CLB thảo luận, thống nhất. Sau khi tìm được tiếng nói chung và được VFF phê duyệt, những phương án này sẽ trở thành quy ước để sau này nếu không may giải rơi vào tình huống nào thì cứ thế mà thực hiện theo phương án đã được tất cả các bên thông qua”.
Các CLB nói gì ?
Chủ tịch CLB Đà Nẵng (ĐN) Bùi Xuân Hòa chia sẻ: “Tôi vẫn muốn V-League đá theo thể thức cũ là 26 vòng vì 13 hay 14 đội thì thời gian tổ chức cũng gần như nhau, 7 cặp đấu sẽ chỉ còn 6 cặp/lượt. Số lượng trận bị giảm nhưng lượt đấu thì vẫn thế. Tuy nhiên, việc sắp lịch thi đấu với 13 đội sẽ phức tạp hơn. Điều quan trọng là quỹ thời gian chúng ta có bao nhiêu để chuẩn bị. Nếu VPF muốn đá theo thể thức vòng tròn 2 lượt như truyền thống thì V-League 2022 phải khởi động từ trước Tết Nguyên đán. Còn nếu muốn đá sau tết thì chắc chắn sẽ phải thi đấu theo thể thức thi đấu phân nhóm như 2 mùa giải qua, khả năng cao là phân nhóm 7 - 6 (7 đội đua vô địch, 6 đội đua trụ hạng) hoặc 8 - 5 (8 đội đua vô địch, 5 đội đua trụ hạng). Trong trường hợp này, thể thức 7 đội tranh vô địch và 6 đội đua trụ hạng sẽ hợp lý nhất vì tránh được nguy cơ tiêu cực. Việc số đội trụ hạng chẵn sẽ giúp VFF, VPF kiểm soát tốt các trận đấu, tránh các CLB có khả năng tận dụng việc có 1 lượt vòng nghỉ để bắt tay nhau “dí” một đội yếu thế nào đó”.
HLV trưởng CLB TP.HCM Trần Minh Chiến nhận định: “V-League 2022 có biến động về số đội thì ai cũng sẽ bị ảnh hưởng. Khó người khó ta, dễ người dễ ta thôi. Tất cả đều phải chấp nhận. Nhưng nhìn toàn cục thì đây cũng không phải là vấn đề quá lớn vì không ảnh hưởng nhiều đến chuẩn bị cho mùa giải mới của các đội. Nếu bình thường, chúng ta có thể đưa một đội hạng nhất lên V-League 2022 để đảm bảo cả 2 giải đều có số lượng chẵn; nhưng dịch Covid-19 khiến V-League 2021 bị dừng sau 12 vòng đấu, thành tích của mùa 2021 không được công nhận. Do đó không có cơ sở để cho thăng hạng chuyên nghiệp đối với một đội hạng nhất. Cá nhân tôi cho rằng việc Than Quảng Ninh không tham gia sẽ khiến V-League 2022 có tính cạnh tranh cao vì cầu thủ của đội bóng này sẽ tăng cường lực lượng cho những CLB khác. Riêng về cuộc đua trụ hạng, tôi cho rằng 13 CLB chọn 1 đại diện xuống chơi hạng nhất là hợp lý, tránh gây áp lực quá lớn cho các đội bóng”.
13 CLB được VFF cấp phép tham dự các giải châu Á 2022 gồm: HAGL FC, Viettel FC, Nam Định FC, Thanh Hóa FC, Bình Dương FC, Hà Nội FC, Đà Nẵng FC, Hà Tĩnh FC, TP.HCM FC, Sài Gòn FC, Hải Phòng FC, SLNA FC và Bình Định FC. Trong đó, 2 đội SLNA và Bình Định được cấp phép ngoại lệ vì hiện vẫn chưa đáp ứng được một số tiêu chí (không ở dạng bắt buộc) của AFC. Tuy nhiên, đội SLNA bị VFF cảnh cáo còn đội Bình Định bị khiển trách.
Theo Nhật Duy - Tiểu Bảo (TNO)

Có thể bạn quan tâm