Du lịch

Các địa phương đồng hành làm du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhiều địa phương giàu tiềm năng du lịch của tỉnh đã bắt đầu “nhập cuộc” với ngành du lịch trong công tác quảng bá, thu hút đầu tư. Đặc biệt, thông qua các lễ hội, một số địa phương đã góp phần làm cho bức tranh du lịch của tỉnh ngày càng khởi sắc.

Năm 2017 đánh dấu nhiều hoạt động thu hút khách du lịch từ lễ hội. Một số huyện, thị xã như: An Khê, Kbang, Chư Pah, Đak Đoa… tổ chức lễ hội với “ý đồ” rõ rệt là quảng bá cảnh quan, tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Theo đánh giá của ngành du lịch, đây là một bước chuyển biến rõ rệt, mở ra cơ hội mới cho ngành công nghiệp không khói khi có sự đồng hành của chính quyền các địa phương trong tỉnh.

 

Biểu diễn cồng chiêng tại “Tuần lễ cỏ hồng Đak Đoa 2017”. Ảnh: internet
Biểu diễn cồng chiêng tại “Tuần lễ cỏ hồng Đak Đoa 2017”. Ảnh: internet

Bắt đầu từ vùng đất cửa ngõ An Khê. Đây là địa danh được đánh giá có vị trí quan trọng trong việc kết nối các điểm, tuyến, nhất là kết nối Tây Nguyên với tuyến du lịch biển Duyên hải miền Trung và ngược lại. Sở hữu di sản quý giá như Di tích Lịch sử quốc gia Tây Sơn Thượng đạo, di chỉ khảo cổ học An Khê cùng những di sản phi vật thể phong phú, địa phương này đã tổ chức nhiều hoạt động như tổ chức Hội hát cầu Huê (cầu mùa, cầu huê lợi), phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Tây Sơn Thượng đạo trong khởi nghĩa Tây Sơn” nhằm quảng bá hình ảnh và các giá trị văn hóa, lịch sử của vùng đất cửa ngõ trong chiến lược phát triển du lịch chung của tỉnh.

Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch-Bí thư Thị ủy An Khê khẳng định: “Chúng tôi đã và sẽ luôn đặt nhiệm vụ bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa-lịch sử lên hàng đầu. Việc bảo tồn này sẽ là nền tảng trong chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội địa phương. Chúng tôi cũng sẽ tăng cường công tác quảng bá thông qua các lễ hội, hội thảo để nhân dân trong vùng cũng như cả nước biết nhiều hơn về vùng đất đặc biệt này”.

Trong một cuộc làm việc với đoàn khảo sát du lịch có sự góp mặt của nhiều doanh nghiệp lữ hành lớn của TP. Hồ Chí Minh, lãnh đạo thị xã An Khê đã làm các vị khách ngả mũ thán phục trước kiến thức về văn hóa, lịch sử khi giới thiệu về vùng đất cửa ngõ. Bà Tú Uyên-đại diện Công ty Vietravel, một trong những đơn vị lữ hành uy tín nhất Việt Nam hiện nay, đánh giá: “Điều này sẽ mở ra cơ hội rất lớn trong việc kêu gọi, thu hút đầu tư cho du lịch mà không phải lãnh đạo địa phương nào cũng làm được”.

Cùng nằm trên vùng đất phía Đông, huyện Kbang được đánh giá có lợi thế khai thác loại hình du lịch văn hóa, sinh thái (rừng, thác…). Năm 2017, chính quyền địa phương đã chủ động, tích cực phối hợp với ngành du lịch tổ chức thành công nhiều chuyến khảo sát du lịch dành cho giới lữ hành trong và ngoài tỉnh. Địa phương này cũng đã ghi dấu ấn mạnh mẽ với các doanh nghiệp lữ hành lớn của TP. Hồ Chí Minh khi tổ chức “Ngày hội văn hóa cồng chiêng 2017” và các hoạt động văn hóa phong phú của đồng bào Bahnar tại Làng kháng chiến Stơr vào đúng dịp diễn ra đợt khảo sát du lịch.

Hai lễ hội do địa phương đứng ra tổ chức nhưng ghi dấu ấn mạnh mẽ cho du lịch Gia Lai trong năm qua còn phải kể đến “Tuần lễ cỏ hồng Đak Đoa 2017” và “Lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đăng Ya 2017”. Ông Nay Kiên-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pah khẳng định, vùng đất phía Tây của tỉnh có nhiều tiềm năng và lợi thế sẵn có để khai thác du lịch như núi lửa Chư Đăng Ya-điểm đến hấp dẫn nhất tỉnh theo bình chọn của Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Vietkings), Thủy điện Ia Ly, các ngôi làng truyền thống, những ngành nghề thủ công từ xa xưa còn lưu giữ. “Lâu nay chính quyền địa phương đã chú trọng vấn đề khai thác du lịch trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Tuy nhiên, việc khai thác vẫn chưa được như mong đợi, hiệu quả chưa cao. Sau lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đăng Ya, chúng tôi nhận thấy sự quan tâm của du khách cũng như của doanh nghiệp cho hình thức du lịch này rất lớn. Đây là cơ sở bước đầu để chính quyền địa phương có chủ trương, chính sách để thu hút đầu tư cho du lịch. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung nguồn vốn đầu tư vào hạ tầng du lịch, công tác quảng bá...”-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pah cho biết.

Cũng theo ông Nay Kiên: “Núi lửa Chư Đăng Ya vốn đã rất đẹp. Cái đẹp gắn với lao động sản xuất của nhân dân, các sản phẩm nông nghiệp. Các vạt khoai lang, dong riềng chính là yếu tố tạo nên cảnh quan đẹp trên núi lửa. Do đó, bên cạnh kêu gọi đầu tư, chúng tôi sẽ có chính sách hỗ trợ cho nông dân, tuyên truyền cho họ trong quá trình sản xuất làm sao phải giữ được cảnh quan, không sử dụng các biện pháp hóa học gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, chúng tôi tiến hành quy hoạch, tạo quỹ đất cho hoa dã quỳ phát triển tự nhiên. Phải làm sao tạo ra cảnh quan mà mỗi lần du khách đến đều có cảm giác trở về với thiên nhiên cây cỏ, tràn đầy sự sống”-ông Kiên chia sẻ.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Đức Hoàng-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, việc các địa phương đồng hành với ngành du lịch cho thấy nhận thức của các cấp, các ngành và xã hội về vai trò của du lịch đối với phát triển kinh tế-xã hội được nâng lên rõ rệt, mang đến cho du lịch một luồng gió mới. “Các địa phương đã biết nhìn vào điểm mạnh của mình để xây dựng kế hoạch giới thiệu, quảng bá, nỗ lực để thu hút đầu tư vào du lịch, nhất là thông qua các lễ hội. Đây là một khởi đầu rất có ý nghĩa trong chiến lược phát triển du lịch giai đoạn 2017-2020 theo sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Nếu có sự đồng hành của các địa phương, du lịch sẽ đạt được những con số ấn tượng, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo định hướng của tỉnh”-ông Nguyễn Đức Hoàng nhấn mạnh.

Nguyên Bình

Có thể bạn quan tâm