Xã hội

Các địa phương phía Đông chủ động ứng phó với bão lụt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhằm giảm thiểu thiệt hại trong mùa mưa bão năm nay, các huyện, thị xã khu vực phía Đông tỉnh Gia Lai đã chủ động triển khai các phương án, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống thiên tai.
Chú trọng phương châm “4 tại chỗ”
Ngay những tháng đầu năm, phường Tây Sơn (thị xã An Khê) đã xây dựng phương án ứng phó và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) phường. Đồng thời, phường cũng chuẩn bị lực lượng, phương tiện ứng cứu theo phương châm “4 tại chỗ”. Ông Lữ Văn Tâm-Chủ tịch UBND phường-cho hay: “Địa bàn phường nằm sát sông Ba. Mỗi khi mưa, hàng chục nhà dân ở tổ 1 và tổ 4 gần suối Cái, cống suối Tre thường bị ngập. Vì thế, phường đã thành lập đội xung kích gồm 28 thành viên là lực lượng dân quân và đoàn viên, thanh niên; chuẩn bị phương tiện, vật tư như áo phao, phao cứu hộ, dây dừa, bao tải, loa cầm tay. Đồng thời, lập danh sách phương tiện ô tô tải và hơn 10 cái sõng của các hộ dân trên địa bàn sẵn sàng vận chuyển, di dời người, tài sản khi có bão lụt xảy ra”.
Trên cơ sở đặc điểm tình hình của địa phương và thực hiện chỉ đạo của cấp trên, xã Tơ Tung (huyện Kbang) đã chủ động xây dựng các phương án PCTT và TKCN theo phương châm “4 tại chỗ”. Theo đó, xã đã chuẩn bị phương tiện, vật tư gồm: 14 áo phao, 2 phao cứu hộ, 10 loa cầm tay, 1 máy định vị, 1 máy đào và 14 chiếc ô tô. “Nếu xảy ra bão lụt, xã sẽ huy động lực lượng tại chỗ với 207 người; đội xung kích 76 người trực 24/24 giờ sẵn sàng ứng cứu nhanh nhất. Ngoài ra, xã tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức PCTT, chủ động chuẩn bị lương thực, thực phẩm, nước sạch tại hộ gia đình; phối hợp với trạm y tế chăm sóc sức khỏe cho người dân”-ông Trần Xuân Nam-Chủ tịch UBND xã-thông tin.
Nước lũ cuốn trôi mặt đường, hai bên cánh cống làm chia cắt giao thông, người làng Hrách, xã Đak Kơ Ning, huyện Kông Chro đứng trước nguy cơ bị cô lập, nếu không làm kịp trước mua mưa. Ảnh Ngọc Minh
Nước lũ cuốn trôi mặt đường, 2 bên cánh cống làm chia cắt giao thông, người làng Hrách (xã Đak Kơ Ning, huyện Kông Chro) đứng trước nguy cơ bị cô lập, nếu không làm kịp tu sửa trước mùa mưa. Ảnh: Ngọc Minh
Những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, trên địa bàn huyện Kbang thường xuyên xảy ra mưa lớn, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất làm thiệt hại nặng nề về nhà cửa, công trình của Nhà nước và người dân. Ông Lê Thanh Sơn-Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang-cho biết: “Để chủ động PCTT, hạn chế thiệt hại, UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng, kiện toàn và củng cố lực lượng xung kích; chuẩn bị đầy đủ nhân lực, phương tiện, thiết bị tại chỗ ứng phó với mọi tình huống. Cùng với đó là tăng cường công tác kiểm tra, rà soát các khu vực trọng yếu có phương án di dời, phòng tránh kịp thời. Ủy ban nhân dân huyện cũng chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể phối hợp với lực lượng Công an, Quân đội triển khai các phương án phòng-chống lũ lụt, sạt lở đất; tổ chức trực ban 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ, triển khai các biện pháp phòng-chống, cứu hộ, cứu nạn”.
Chủ động kịch bản ứng phó
Năm 2020, tại khu vực phía Đông tỉnh, bão lụt đã gây thiệt hại hàng ngàn héc ta hoa màu, làm sập đổ, tốc mái hàng trăm căn nhà, nhiều công trình thủy lợi, cầu cống bị cuốn trôi... Ước thiệt hại hơn 100 tỷ đồng, trong đó, huyện Kbang hơn 61,7 tỷ đồng, Kông Chro 13,2 tỷ đồng, Đak Pơ trên 13 tỷ đồng và thị xã An Khê hơn 12,2 tỷ đồng.
Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, mùa mưa bão năm 2021 sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. Đầu tháng 7-2021, trên địa bàn huyện Kông Chro đã xảy ra mưa đá và gió lốc làm tốc mái 41 ngôi nhà, 53 ha hoa màu bị đổ ngã, 4 trụ điện bị gãy, tường rào của một số trường học bị hư hỏng. Tổng thiệt hại hơn 1 tỷ đồng. Ngay sau khi thiên tai xảy ra, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện đã chỉ đạo các địa phương hỗ trợ người dân sửa chữa nhà cửa, nhanh chóng ổn định đời sống. Ông Võ Nguyên Nam-Chủ tịch UBND huyện Kông Chro-thông tin: “Nhằm chủ động ứng phó với bão lũ, UBND huyện đã ban hành văn bản chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện nghiêm công tác PCTT; xây dựng kế hoạch hiệp đồng ứng phó TKCN; kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện. Đồng thời, chuẩn bị trang-thiết bị sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xảy ra; chỉ đạo các cơ quan tổ chức trực ban 24/24 giờ để nắm bắt tình hình, báo cáo kịp thời để có hướng xử lý”.
Công ty Thủy điện An Khê-Ka Nak diễn tập xử lý tình huống sạt lở mái đập hồ chứa. Ảnh: Ngọc Minh
Công ty Thủy điện An Khê-Ka Nak diễn tập xử lý tình huống sạt lở mái đập hồ chứa. Ảnh: Ngọc Minh
Nói về công tác ứng phó thiên tai của Công ty Thủy điện An Khê-Ka Nak, Giám đốc Đặng Văn Tuần cho biết: “Ngay từ đầu năm, Công ty đã xây dựng kế hoạch, phương án PCTT và TKCN cụ thể, chi tiết, sát với thực tế, phù hợp với tình hình, đặc thù của đơn vị. Trong đó, tập trung kiểm tra, bảo trì các hạng mục công trình hồ, đập, hệ thống thông tin liên lạc, các máy phát điện dự phòng, hệ thống cảnh báo lũ cho vùng hạ du trước mùa mưa. Bên cạnh đó, Công ty cũng đã ký kết quy chế phối hợp với UBND các huyện, thị xã ở vùng hạ du, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên, các chủ đập trên lưu vực sông Ba, các đơn vị Điện lực, Truyền tải điện tỉnh Gia Lai và Bình Định trong công tác PCTT và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra. Thực hiện nghiêm chế độ trực ban và báo cáo theo quy định, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt trong mọi tình huống để phục vụ chỉ đạo, điều hành, đảm bảo an toàn cho người và tài sản, khắc phục hậu quả lụt bão”.
NGỌC MINH

Có thể bạn quan tâm