Theo đúng kế hoạch, 8 giờ ngày 17.7, kết quả thi sẽ được công bố đến tất cả thí sinh (TS) trên cả nước.
ĐÃ CÓ MỘT SỐ NƠI CHẤM XONG
Đến thời điểm này, một số địa phương có số lượng TS dự thi không lớn đã hoàn thành chấm thi tốt nghiệp THPT 2024 và gửi dữ liệu về Bộ GD-ĐT chờ đối sánh. Các địa phương nhận xét đáp án và thang điểm bài thi, môn thi tốt nghiệp THPT năm nay rõ ràng, thuận lợi cho triển khai chấm thi.
Thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2024 sẽ biết kết quả thi dự kiến vào sáng 17.7. ẢNH: NHẬT THỊNH |
Tại Phú Thọ, công tác chấm bài thi đã hoàn thành cả với bài trắc nghiệm và tự luận. Ông Phùng Quốc Lập, Phó giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết tiếp theo sẽ tổ chức đối sánh điểm (chậm nhất ngày 14.7) và chuẩn bị cơ sở hạ tầng, các điều kiện để sẵn sàng công bố điểm thi vào 17.7 theo kế hoạch Bộ GD-ĐT đề ra.
Sở GD-ĐT Hải Dương cũng cho biết địa phương hoàn thành chấm bài thi tốt nghiệp THPT năm 2024 vào ngày 8.7, triển khai các công việc để sẵn sàng công bố điểm thi theo lịch quy định. Tại Quảng Trị, lãnh đạo Sở GD-ĐT cho biết đã hoàn thành chấm bài thi tự luận ngày 7.7; chấm trắc nghiệm dự kiến hoàn thành vào ngày 12.7.
Tại Hà Nội, nơi có số TS dự thi lớn nhất, số bài thi nhiều nhất cả nước, Sở GD-ĐT đã phải huy động gần 600 cán bộ, giáo viên các trường THPT trên địa bàn tham gia chấm thi để đảm bảo tiến độ chấm và công bố kết quả thi cho TS đúng thời gian Bộ GD-ĐT quy định.
Tại Vĩnh Phúc, ông Trịnh Văn Mừng, Trưởng phòng Khảo thí, Sở GD-ĐT, thông tin công tác chấm thi diễn ra trong 2 tuần đầu tháng 7. Hội đồng chấm thi huy động trên 169 cán bộ, giáo viên, nhân viên làm nhiệm vụ. Dự kiến, công tác chấm thi sẽ kết thúc trước ngày 15.7, sau đó sở sẽ gửi dữ liệu về Bộ GD-ĐT để đối sánh.
Tại Bắc Ninh, Sở GD-ĐT cho biết theo kế hoạch, chậm nhất đến ngày 14.7, sở sẽ gửi toàn bộ dữ liệu kết quả thi về Bộ GD-ĐT gồm đĩa CD chứa tất cả dữ liệu điểm bài thi trắc nghiệm và tự luận.
Bà Tô Thị Ánh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Yên Bái, cho biết năm nay tỉnh huy động 107 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia chấm thi tự luận, trong đó có 86 giáo viên THPT trực tiếp chấm thi. Trưởng ban chấm thi tự luận thành lập tổ chấm kiểm tra để thực hiện chấm kiểm tra. Ngoài ra, còn thành lập đoàn thanh tra chấm thi, trong đó có 5 người thực hiện thanh tra chấm thi tự luận, 2 thanh tra chấm thi trắc nghiệm. Ở các ban chấm thi đều có ít nhất 3 cán bộ công an tỉnh giám sát toàn bộ quá trình chấm bên cạnh hệ thống camera hoạt động 24/24.
BỘ GD-ĐT LƯU Ý GÌ ?
Ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT, cho biết: Đối với ngữ văn, môn duy nhất thi bằng hình thức tự luận, để bảo đảm việc chấm đều tay giữa các giám khảo và hạn chế tối đa chấm lỏng hoặc chặt, Bộ GD-ĐT yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm túc các công việc đã được quy định trong quy chế, như: tất cả các cán bộ chấm thi thực hiện thảo luận đáp án hướng dẫn chấm trước khi tiến hành chấm bài thi; thực hiện chấm chung ít nhất 10 bài trước khi thực hiện chấm 2 vòng độc lập.
Trong quá trình triển khai chấm 2 vòng độc lập, song song với việc chấm bài thi của các tổ chấm thi, ban chấm thi còn có tổ chấm kiểm tra; thực hiện chấm ít nhất 5% số lượng bài thi tự luận đã được cán bộ chấm thi chấm xong lần thứ nhất hoặc lần chấm thứ hai theo tiến độ để kiểm soát lại chất lượng chấm giữa các giám khảo. "Cuối mỗi buổi chấm thi hoặc xét thấy cần thiết, tổ trưởng tổ chấm kiểm tra tổng hợp và báo cáo kết quả chấm kiểm tra và kiến nghị, đề xuất với trưởng ban chấm thi tự luận áp dụng các biện pháp phù hợp giúp cho việc chấm thi được công bằng, khách quan và nghiêm túc", ông Chương lưu ý.
Sau khi công bố kết quả thi, các sở GD-ĐT thực hiện việc đối sánh kết quả điểm thi trung bình các bài thi, môn thi thành phần với điểm trung bình môn học tương ứng của năm học lớp 12. Ảnh NHẬT THỊNH |
Tương tự, theo ông Chương, quy trình chấm thi trắc nghiệm hiện nay được quy định rất rõ theo từng khâu, từng bước chặt chẽ và có sự giám sát của thanh tra. Các phiếu trả lời trắc nghiệm (bài làm của thí sinh) đều phải được chấm bằng máy với cùng một phần mềm chuyên dụng do Bộ GD-ĐT cung cấp.
"Trong quy trình chấm thi, bước nào cũng quan trọng, vì vậy cán bộ tham gia chấm thi cần thực hiện nghiêm quy định, quy trình chấm thi trắc nghiệm; tuyệt đối không sáng tạo, nếu có vấn đề phát sinh cần báo ngay cho ban chỉ đạo cấp quốc gia để được xem xét xử lý theo quy định", ông Chương nhấn mạnh.
Theo ông Chương, đến thời điểm này, công tác chấm thi tại các địa phương vẫn đang diễn ra đúng quy chế, chưa có tình huống phát sinh nào đặc biệt mà ban chỉ đạo cấp quốc gia phải xử lý.
Tra cứu điểm thi trên Báo Thanh Niên
Theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT, việc tổ chức chấm thi; tổng kết công tác chấm thi; gửi dữ liệu kết quả thi về Bộ GD-ĐT; đối sánh kết quả thi sẽ hoàn thành chậm nhất vào 17 giờ ngày 14.7. Đúng 8 giờ ngày 17.7, kết quả thi được công bố. Các địa phương đều phải sẵn sàng chuẩn bị cơ sở hạ tầng, điều kiện để việc công bố điểm thi bảo đảm thông suốt.
Ngoài việc các địa phương tiến hành công bố điểm thi cho TS của mình trên hệ thống quản lý thi, Báo Thanh Niên cũng sẽ được Bộ GD-ĐT cung cấp dữ liệu điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024 để phục vụ mục đích tra cứu điểm thi cho TS.
Có đối sánh kết quả thi với kết quả học tập ?
Cục trưởng Huỳnh Văn Chương cho biết thực hiện đối sánh kết quả thi và kết quả học tập đã được quy định tại quy chế thi. Theo đó, việc này hằng năm đều được thực hiện.
Sau khi công bố kết quả thi, các sở GD-ĐT thực hiện việc đối sánh kết quả theo khoản 8, điều 58 quy chế thi hiện hành: "Công bố công khai phổ điểm các bài thi, môn thi thành phần, đối sánh điểm thi trung bình của các bài thi, môn thi thành phần với điểm trung bình môn học tương ứng của năm học lớp 12 của các trường trong tỉnh"; căn cứ khoản 7, điều 60 quy chế thi quy định các trường phổ thông thực hiện "đối sánh điểm thi trung bình các bài thi, môn thi thành phần với điểm trung bình môn học tương ứng của năm học lớp 12 các học sinh của trường làm căn cứ đổi mới việc dạy và học trong nhà trường".